Việc đẩy giá sẽ được thực hiện ngay khi thị trường tăng mạnh hoặc khi cổ phiếu có các thông tin tốt hỗ trợ. Các nhà đầu tư “sập bẫy” mua ở vùng giá đỉnh cao sẽ thiệt hại rất nặng
Biểu hiện của việc đẩy giá có thể nhận biết qua diễn biến giá được đẩy tăng cao với khối lượng mua áp đảo ngay từ đầu phiên giao dịch để tạo mức cầu lớn, dư mua ở mức giá trần và lệnh ATO hoặc OTC tăng đột biến so với khối lượng khớp thông thường.
“Đẩy” thế nào?
Bên bán nhìn thấy khối lượng dư mua quá lớn thì dù có muốn bán cũng có ý nghĩ chờ đợi thêm vài phiên nữa để bán được giá cao hơn. Vì vậy khối lượng giao dịch thành công trong các phiên đẩy giá rất thấp. Giá có thể được đẩy lên liên tục vài ngày hoặc cá biệt đến vài tuần. Trong quá trình lên đến đỉnh cao có một vài phiên giao dịch mạnh nhưng giá vẫn tăng gần trần hoặc trần.
Trường hợp này, nhà đầu tư chỉ nên tranh mua khi giá vừa chớm tăng trong giai đoạn đầu. Nếu không thể mua được thì không nên theo đuổi mua liên tục nhiều ngày mà có thể nghiên cứu cổ phiếu khác cùng ngành, có các chỉ số tốt để đầu tư, vì thông thường các cổ phiếu cùng ngành có xu hướng gần giống nhau.
Cũng có trường hợp đẩy giá khéo léo (khó nhận biết hơn) theo xu hướng chung của thị trường, kết hợp giữa bán và mua. Trường hợp này thường xảy ra với các cổ phiếu có nền tảng, có các chỉ số cơ bản tốt, thương hiệu mạnh, có tính thanh khoản cao, khối lượng giao dịch bình quân mỗi ngày tương đối lớn. Các nhà đầu tư lớn với các lợi thế về vốn, kinh nghiệm đầu tư, kiến thức tài chính, khả năng nhận định xu hướng thị trường và tâm lý đám đông tốt… có thể tiến hành đẩy giá theo hình thức này. Họ tiến hành bán ra mạnh ở mức giá cao gần trần trong tài khoản A. Các nhà đầu tư nhỏ nhận thấy lượng đặt bán ở giá cao nhiều quá nên nghĩ rằng giá khó tăng cao hơn nên họ bán ra ở các mức giá thấp hơn. Khi khối lượng bán tăng cao và ở các mức giá thấp thì nhà đầu tư lớn tiến hành mua lại ở tài khoản B, khối lượng bán suy giảm thì các nhà đầu tư nhỏ khác lại tranh mua giá cao hơn và nhà đầu tư lớn không tốn nhiều sức lực để đưa giá lên cao trở lại.
Với biến động 10% ở sàn HoSE và 14% ở sàn HNX thì biện pháp bán mua “xoay vòng đảo hàng” này rất hiệu quả vì vừa có lợi nhuận ngay trong ngày vừa đạt mục tiêu đẩy giá lên cao. Đặc điểm của cách thức đẩy giá này là khối lượng giao dịch vẫn tốt trong các phiên giao dịch, giá vẫn tăng mặc dù có thể không tăng trần liên tiếp. Giá biến động trong các phiên giao dịch chứ không dư mua áp đảo. Ở hình thức này các nhà đầu nhỏ có thể tham gia nếu nhận định tốt xu hướng của thị truờng vì có thể mua được cổ phiếu trong quá trình giá tăng nhưng không nên mạo hiểm tham gia khi mức giá đã tăng quá cao. Thời gian qua, có một cổ phiếu đã tăng hơn 200% từ 26.000đ/CP lên đến đỉnh cao gần 80.000đ/CP trong trường hợp này.
Hai đẳng cấp “xả hàng”
Sau quá trình đẩy giá, các nhà đầu tư lớn sẽ hoạch định việc xả hàng ở các mức giá cao. Họ đặt mua ào ạt cổ phiếu ở giá trần nhằm tạo tâm lý hưng phấn cho các nhà đầu tư khác. Trên bảng điện tử xuất hiện một lượng lớn cổ phiếu được đặt mua giá trần, các nhà đầu tư nghĩ rằng giá sẽ vẫn còn tiếp tục tăng mạnh nên cũng đặt mua ào ào theo ở giá trần. Khi thấy lượng đặt mua đủ lớn, nhà đầu tư lớn sẽ dùng tài khoản B bán dần cổ phiếu ra, với số lượng bán lớn hơn số lượng đặt mua.
Cách thức đẳng cấp cao hơn là nhà đầu tư lớn đầu giờ đặt mua giá trần và ATO với khối lượng lớn, các nhà đầu tư khác cũng tranh giành đặt lệnh mua giá trần để chờ khớp, vì lượng mua quá lớn nên phiên đầu tiên khối lượng khớp thường không đáng kể. Trong phiên khớp lệnh liên tục nhà đầu tư lớn thực hiện hủy lệnh mua giá trần đang ở thứ tự chờ khớp ưu tiên nhưng cũng đồng thời đặt lại ngay một lượng mua tương tự ở mức giá trần trong tài khoản khác, việc hủy và đặt lệnh mua lại diễn ra rất nhanh trong tích tắc nên trên bảng điện tổng số lượng mua hầu như không đổi nhưng các nhà đầu tư khác đang ở thứ tự ưu tiên khớp đầu tiên. Lúc này nhà đầu tư lớn sẽ tiến hành bán số cổ phiếu phù hợp với lượng mua của các nhà đầu tư khác rồi tạm ngưng bán. Thấy số lượng mua giá trần vẫn còn nhiều (nhưng thực chất là lượng mua của chính nhà đầu tư lớn), các nhà đầu tư khác “yên tâm” đặt mua giá trần, quá trình cứ thế tiếp diễn. Tuy nhiên trong các trường hợp đặc biệt do biến động của thị trường, nhà đầu tư lớn có thể chấp nhận bán dần ở giá thấp hoặc giá sàn để “xả hàng” mà không mua lại vì họ đã có được lợi nhuận cực lớn trong quá trình đưa giá từ các mức thấp lên đỉnh cao. Khi nhà đầu tư lớn không tiến hành mua lại nữa thì giá cổ phiếu sẽ đứng hoặc đi xuống, các nhà đầu tư mua ở vùng giá đỉnh cao sẽ thiệt hại rất nặng.
(Nguồn: SGTT, 23/7)
|
0 Nhận xét :
Đăng nhận xét