Vào tháng 6/2008, Google - một trong những công ty CNTT hàng đầu thế giới - hân hoan loan báo cuối cùng mình đã tìm được CFO (Chief Financial Officer - Giám đốc Tài chính) mới sau gần cả năm dài tìm kiếm…
CFO - Chắc hẳn các bạn đã từng đôi lần nghe nói đến nhân vật này và cũng mường tượng được rằng đây là “sếp” phụ trách hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thế giới của các CFO vẫn còn rất nhiều điều thú vị khác mà bạn chưa biết đến. Hãy cùng anh Daniel J. Morton - CFO của Navigos Group - khám phá những điều kỳ thú này!
CFO – “Cánh tay phải” của CEO
Muốn quản lý doanh nghiệp hiệu quả, CEO (Chief Executive Officer) luôn cần sự hỗ trợ của các V.I.P như CFO, CTO, CPO … Trong đó, CFO (Chief Financial Officer) có thể được xem là “V.I.P của V.I.P” vì đây là người hiện thực hóa tầm nhìn (vision) của CEO trong lĩnh vực tài chính - yếu tố quan trọng nhất để đánh giá mức độ thành công của một doanh nghiệp. Chính vì thế, CFO không nhất thiết phải là bạn thân của CEO nhưng nhất định phải là người có khả năng phối hợp ăn ý với CEO và là người CEO có thể đặt hết niềm tin. Đó là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp phát triển bền vững. Trái với suy nghĩ của nhiều người, vai trò của CFO trong doanh nghiệp hoàn toàn khác với kế toán trưởng. Kế toán trưởng thường đảm trách việc hoạch định, phân bổ ngân sách cho sản xuất - kinh doanh … Trong khi đó, CFO chịu trách nhiệm giúp CEO hoạch định các chiến lược tài chính ngắn, trung, dài hạn; quản lý toàn bộ hoạt động của phòng tài chính và phòng kế toán; ngăn chặn ngay từ đầu các dấu hiệu xấu trong hoạt động kinh doanh như nợ khó đòi vượt quá mức cho phép và đặc biệt là ra các quyết định đúng đắn về lĩnh vực tài chính để đem lại nhiều lợi ích nhất cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp muốn mua máy móc thiết bị, CFO sẽ nghiên cứu và xác định phương pháp tài trợ tốt nhất cho việc đầu tư này (chẳng hạn dùng vốn cổ phần hay vốn vay). Ngoài ra, CFO còn phải duy trì quan hệ tốt với cộng đồng tài chính, đầu tư, kinh doanh ... để khi cần có thể thu xếp nguồn vốn với chi phí tối ưu cho doanh nghiệp.
Óc phán đoán – Yếu tố không thể thiếu của một CFO
Công việc của CFO gắn liền với việc ra quyết định về tài chính. Chính vì thế, ngoài một nền tảng kiến thức sâu rộng về Kế toán, Tài chính Quốc tế, Tín dụng, Pháp luật về tài chính … CFO nhất thiết phải có kỹ năng phân tích tài chính và khả năng phán đoán, suy xét tốt. Từ những số liệu “vô hồn” trong các báo cáo tài chính, CFO phải phân tích và chắt lọc được những thông tin quan trọng. Sau đó, CFO kết hợp chúng với những thông tin thu thập được từ môi trường kinh doanh của doanh nghiệp để đánh giá đúng tình hình, dự báo điều gì sắp xảy ra và có quyết định hành động hợp lý. Bên cạnh đó, CFO cũng cần có kỹ năng lãnh đạo, quản lý cũng như làm việc nhóm tốt. Đặc biệt, do tính chất công việc đòi hỏi phải giao tiếp thường xuyên với các phòng ban trong doanh nghiệp cũng như đối tác, khách hàng, cổ đông, ngân hàng … lại thường đề cập vấn đề rất nhạy cảm là tài chính, nên CFO phải có khả năng truyền thông xuất sắc.
Học gì để trở thành CFO?
Những kiến thức và kỹ năng CFO cần có rất đặc thù. Chính vì thế, nếu bạn muốn trở thành CFO thì nên đi theo hướng đào tạo bài bản hơn là tự học. Đầu tiên, bạn cần lấy bằng Cử nhân hay Thạc sĩ về Kế toán hoặc Tài chính để có kiến thức cơ bản vững chắc. Sau đó, bạn nên theo học các khóa đào tạo cao cấp như Certified Public Account (CPA), ACCA (Association of Chartered Certified Accountants), Chartered Financial Analyst (CFA) để lấy chứng chỉ nghề nghiệp có giá trị quốc tế. Đặc biệt, nếu muốn hệ thống lại kiến thức cũng như nắm vững vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của CFO, bạn có thể tham gia các khóa học CFO ở các trung tâm đào tạo. Học ở trường không chỉ để làm giàu kiến thức mà còn giúp bạn thiết lập được các mối quan hệ mật thiết với các chuyên gia tài chính khác cũng như chủ doanh nghiệp. Đây là một trong những yếu tố tối quan trọng để bạn thành công trong “nghiệp” CFO sau này.
Con đường dẫn đến vị trí CFO
Cũng như phần lớn các ngành nghề khác, nghề tài chính cũng đòi hỏi phải đi từ thấp đến cao. Nhân viên tài chính khi mới vào nghề thông thường sẽ bắt đầu ở vị trí chuyên viên phân tích tài chính (Financial Analyst). Sau đó, họ sẽ thăng tiến đến Chuyên viên phân tích tài chính cấp cao (Senior Financial Analyst); Chuyên viên hoạch định tài chính (Financial Controller); kế tiếp là vị trí Trưởng phòng phân tích tài chính (Financial Analysis Manager); và cao hơn nữa là Giám đốc kế hoạch tài chính (Financial Planning Associate Director). Đây là thử thách cuối cùng để đạt đến đỉnh cao nghề nghiệp - vị trí Giám đốc Tài chính (CFO). Đặc biệt, nếu CFO chứng tỏ được năng lực của mình trong một thời gian dài thì còn có nhiều hy vọng được đề bạt làm CEO.
Niềm vui và nỗi buồn của CFO
Niềm vui lớn nhất đến khi tôi ra những quyết định tài chính đúng đắn, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp như cắt giảm được chi phí, nhờ đó mà giành được sự tín nhiệm của cả CEO, đối tác, cổ đông …Còn nỗi buồn? Không hẳn là buồn nhưng tôi thật sự cảm thấy thất vọng mỗi khi không thuyết phục được các nhà quản lý cấp cao khác trong doanh nghiệp hoặc đối tác chấp nhận kế hoạch của mình.
CFO giỏi người Việt Nam – Tại sao không?
Hiện nay, số lượng CFO giỏi người Việt Nam chưa nhiều. Nguyên nhân chính không phải là vì chuyên viên tài chính Việt Nam không đủ khả năng làm CFO, cũng không hẳn là do không được đào tạo bài bản, mà là do họ thiếu người hướng dẫn, kèm cặp trong công việc thực tế để giúp họ rút tỉa kinh nghiệm. Vì thế, theo tôi, muốn tạo ra một đội ngũ CFO người bản xứ vừa có “chất” vừa có “lượng”, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp Việt Nam nên tạo điều kiện để chuyên viên tài chính của mình làm việc với CFO nước ngoài nhằm học hỏi kinh nghiệm và “mài bén” khả năng phán đoán, suy xét. Tuy khả năng này phần nhiều là do thiên bẩm nhưng chúng ta vẫn có thể cải thiện nó nếu được cọ xát thực tế thường xuyên. Trong doanh nghiệp, CFO là vị trí quản lý quan trọng thứ hai, chỉ sau CEO. Vì vậy, nếu đam mê ngành tài chính và có khả năng phân tích cũng như phán đoán tốt, bạn hãy “mạnh dạn” đặt mục tiêu trở thành CFO trong tương lai. Biết đâu đó lại chẳng là bước đệm để một ngày nào đó bạn đạt đến vị trí CEO …
|
0 Nhận xét :
Đăng nhận xét