27/4/12

Nền tảng cơ cấu của một công ty



Tổng giám đốc (CEO), giám đốc tài chính (CFO), chủ tịch (president) và phó chủ tịch (vice president) khác nhau như thế nào?
Với sự biến động thường xuyên của các công ty như hiện nay thì việc kiểm soát hoạt động và vị trí của các nhân vật này trong công ty ngày càng trở nên không đơn giản. Vậy có nên quan tâm nhiều hơn nữa đến những tin tức liên quan đến CFO và các phó chủ tịch? Chính xác công việc của CFO và phó chủ tịch  là gì?

Chức năng căn bản đầu tiên của các CEO, CFO, chủ tịch và phó chủ tịch là điều hành và quản lý doanh nghiệp. Các vị trí này là hệ quả tất yếu của sự phân chia giữa quyền sở hữu và công tác quản trị hình thành trong quá trình chuyển biến của chế độ sở hữu đại chúng. Trước thế kỷ 20, các công ty chủ yếu là ở quy mô nhỏ, công ty gia đình và do gia đình quản lý. Ngày nay, nhiều tập đoàn kinh tế quốc tế với quy mô lớn đã được thành lập và có cổ phiếu được giao dịch trên một hoặc nhiều sàn giao dịch chứng khoán trên khắp thế giới.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông của một công ty, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống quản lý hai cấp. Cấp độ đầu tiên là hội đồng quản trị hay ban giám đốc (board of governors or directors): những người này do cổ đông bầu ra. Cấp độ thứ 2 là ban điều hành cấp cao hay ban lãnh đạo, những người này được hội đồng quản trị trực tiếp tuyển dụng. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về hội đồng quản trị cũng như công việc của các thành viên trong hội đồng quản trị.

Hội đồng quản trị (Board of Directors):
Hội đồng quản trị được các cổ đông bầu ra chia làm hai thành phần. Thứ nhất là những cá nhân được chọn trong  nội bộ công ty. Họ có thể là CEO, CFO, hay người quản lý làm việc chính thức cho công ty. Thành phần thứ  hai được chọn từ bên ngoài công ty, họ hoạt động độc lập với công ty. Vai trò của hội đồng quản trị là thay mặt các cổ đông.giám sát các cấp quản lý của một công ty. Về cơ bản, hoạt động của hội đồng quản trị là nhằm đảm bảo lợi ích cho các cổ đông.
Các thành viên hội đồng quản trị bao gồm:
* Chủ tịch hội đồng quản trị (Chairman): về cơ bản là người đứng đầu công ty, chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của ban giám đốc một cách hiệu quả. Trách nhiệm của họ bao gồm việc duy trì mạng lưới thông tin giữa CEO và các lãnh đạo cấp cao, hoạch định các chiến lược kinh doanh, đai diện cho ban giám đốc và ban điều hành trước các cổ đông và công chúng và duy trì sự ổn định của công ty. Chủ tịch hội đồng quản trị do ban quản trị bầu ra.
* Giám đốc nội bộ (Inside Directors /Uỷ viên): là những người chịu trách nhiệm phê duyệt các khoản tài chính lớn và quan trọng do ban quản lý cấp cao đề xuất, thực hiện và giám sát thực hiện các chiến lược kinh doanh và thông qua các sáng kiến và dự án trọng điểm của công ty. Giám đốc nội bộ vừa là cổ đông vừa là thành viên ban quản lý cấp cao trong công ty. Giám đốc nội bộ có nhiệm vụ cung cấp các thông tin nội bộ cho các thành viên khác trong ban giám đốc. Các nhân vật này cũng được coi là các giám đốc điều hành (ED) nếu họ là thành viên của ban điều hành.
* Giám đốc bên ngoài (Outside Directors/Uỷ viên độc lập): họ cũng có những trách nhiệm tương tự như các giám đốc nội bộ trong việc quyết định chiến lược, phương hướng hoạt động và chính sách của công ty, điểm khác biệt là họ không phải là thành viên trực tiếp của ban giám đốc. Mục đích sử dụng các giám đốc bên ngoài là để mang lại cái nhìn khách quan, không phiến diện về các vấn đề mà ban giám đốc phải xử lý.
Ban lãnh đạo/điều hành (Management Team):
Cấp quản lý thứ hai trong công ty là ban lãnh đạo, chịu trách nhiệm trực tiếp về hoạt động hàng ngày (cũng như lợi nhuận) của công ty.
* Tổng giám đốc (CEO): là nhà quản lý cao nhất, chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của công ty, báo cáo hoạt động lên chủ tịch hội đồng quản trị và ban giám đốc. Chính CEO là người thực hiện các quyết định và sáng kiến của ban giám đốc, duy trì hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp với sự hỗ trợ của ban quản lý cấp cao. Thường thì CEO cũng được chỉ định là chủ tịch hội đồng quản trị hoặc có thể là một trong số các giám đốc nội bộ (nếu không phải là chủ tịch hội đồng quản trị)
* Giám đốc điều hành (COO): chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của công ty, giám sát các mặt liên quan đến tiếp thị, bán hàng, sản xuất và nhân sự. Khác với CEO, COO quản lý các hoạt động thường nhật một cách sát sao hơn và báo cáo lại cho CEO. COO thường được coi là một phó chủ tịch cấp cao.
* Giám đốc tài chính (CFO): cũng chịu trách nhiệm trực tiếp báo cáo lên CEO, CFO chịu trách nhiệm phân tích, nghiên cứu các số liệu tài chính, báo cáo hoạt động tài chính, thu xếp ngân sách và giám sát chi tiêu. Theo định kỳ CFO phải trình những thông tin này lên ban giám đốc và cung cấp các thông tin cho các cổ đông và các cơ quan chủ quản như  Uỷ ban Chứng khoán (SEC). CFO cũng được coi là phó chủ tịch cấp cao, có trách nhiệm kiểm tra đều đặn tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Hệ thống này ảnh hưởng đến việc đầu tư của bạn như thế nào?
Ban quản trị và điều hành đều theo đuổi chung một mục đích cuối cùng là tối ưu hóa giá trị cổ đông. Về lý thuyết, ban điều hành theo sát các hoạt động thường nhật còn hội đồng quản trị đảm bảo họ đại diện về quyền lợi cho cổ đông. Nhưng trên thực tế thì nhiều ủy viên của hội đồng quản trị cũng đồng thời là thành viên trong ban điều hành.
Việc xem xét tính cân đối giữa nhân sự bên trong và bên ngoài của một công ty luôn là cần thiết khi tìm hiểu về công ty đó. Một dấu hiệu khác cho một công ty hoạt động quy củ là sự phân chia rõ ràng giữa vai trò của CEO và chủ tịch hội đồng quản trị, cũng như chuyên viên các phòng ban khác như kế toán, luật sư, bộ phận hành chính. Tuy nhiên cũng không ít trường hợp các hội đồng quản trị bao gồm cả CEO đương chức (đồng thời là chủ tịch), CFO và COO, cùng với cựu CEO nay đã nghỉ hưu và các thành viên khác của gia đình sở hữu công ty, v.v.. Điều ấy không có nghĩa là không nên đầu tư vào những công ty với cơ cấu như thế, nhưng ở phương diện một cổ đông, bạn nên cân nhắc xem một công ty với mô hình cấu trúc như vậy có thể mang lại lợi ích tốt nhất cho bạn không.


Investopedia Staff

0 Nhận xét :

Đăng nhận xét