Đường cong lãi suất được sử dụng phổ biến cho các phân tích, dự báo xu hướng biến động các điều kiện kinh tế vĩ mô. Nó phản ánh mối tương quan giữa mức lãi suất ngắn hạn, trung và dài hạn, từ đó cho thấy sự nhận định của giới đầu tư cũng như xu hướng vận động của lãi suất trong tương lai.
Đối với những diễn biến khó dự đoán của thị trường tiền tệ Việt Nam trong những năm gần đây, việc xác định đúng trạng thái, hình dạng của đường cong lãi suất có thể góp phần vào việc nhận định, đưa ra chính sách thích hợp để điều chỉnh thị trường linh hoạt, đúng theo quy luật.
Bốn dạng đường cong
Đường cong lãi suất thường có bốn dạng chính: thông thường, phẳng, đảo ngược, dạng "bướu". Sự thay đổi hình dạng của đường cong lãi suất được xem như là một chỉ báo, ứng với mỗi dạng sẽ cho chúng ta biết trạng thái của nền kinh tế.
Các nhà đầu tư không chỉ cần theo dõi mọi động thái trên đường cong lãi suất mà quan trọng hơn là nắm được những ý tưởng phỏng đoán từ hình dạng và độ dốc của đường cong lãi suất. Một đường cong lãi suất phẳng có thể báo hiệu một đường cong lãi suất nghịch đảo. Điều này có nghĩa đã đến lúc cảnh giác hơn với những khoản đầu tư và tiết kiệm, có thể sắp xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế.
Đường cong lãi suất thông thường là khi nợ ngắn hạn có lãi suất thấp hơn công cụ nợ dài hạn với cùng chất lượng tín dụng. Khi đó, các khoản đầu tư trong dài hạn cũng có nghĩa là nhà đầu tư không thể sử dụng số tiền này cho những mục đích đầu tư khác, vì vậy các nhà đầu tư được bù đắp bằng lãi suất cao hơn. Kỳ vọng lạm phát trong tuơng lai là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến đường cong lãi suất. Đường cong lãi suất thông thường cho thấy dấu hiệu một nền kinh tế ổn định, thị trường tài chính có xu hướng ổn định.
Đối với đường cong lãi suất phẳng, không có sự chênh lệch đáng kể giữa lãi suất ngắn hạn và dài hạn của công cụ nợ có cùng chất lượng tín dụng. Dạng này thường được thấy trong quá trình chuyển đổi giữa đường cong lãi suất thông thường và đảo ngược. Dạng đường cong lãi suất này thường báo hiệu một sự bất ổn của nền kinh tế trong tương lai và có thể kéo theo sau đó là đường cong lãi suất đảo ngược.
Trong khi đường cong lãi suất đảo ngược với lãi suất ngắn hạn cao hơn lãi suất dài hạn là dấu hiệu rõ ràng của sự kiềm chế tăng trưởng kinh tế và sự suy thoái kinh tế. Thực tế, đường cong lãi suất của Mỹ đã từng bị kéo thẳng vào đầu năm 2006 và đảo ngược vào cuối năm và sang cả năm 2007, đó là thời điểm thị trường trái phiếu đạt đỉnh và rơi vào suy thoái khi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 bắt đầu.
Đường cong lãi suất dạng "bướu" xảy ra khi lãi suất ở giữa đường cong cao hơn ở đầu và cuối của đường cong lãi suất. Trường hợp này rất hiếm gặp, nhưng bất cứ khi nào lãi suất dài hạn thấp hơn, đó có thể là dấu hiệu cho thời kì bất ổn, sự thay đổi nhanh chóng có thể xảy ra.
Đối với mọi dạng đường cong lãi suất thì độ dốc sẽ phản ánh chiều hướng và liều lượng tác dụng tác động của chính sách tiền tệ. Độ dốc của đường cong lãi suất sẽ giảm xuống khi chính sách tiền tệ thắt chặt và ngược lại sẽ tăng lên trong điều kiện chính sách tiền tệ mở rộng cùng với gia tăng nợ công.
Thực tế từ Việt Nam
Tình hình lãi suất ngân hàng ở Việt Nam đã bắt đầu nóng lên ngay từ đầu năm 2010 khi lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại đã lên đến 10 - 11%/năm vào nửa đầu năm 2010. Càng về cuối năm, lãi suất tín dụng càng nóng lên, với mức lãi suất huy động lên tới "kịch trần" 14%/năm, thậm chí vượt trần lãi suất.
Hiện tượng đáng chú ý trên thị trường tiền tệ là đường cong lãi suất huy động giai đoạn đầu năm 2010, gần như là đường cong lãi suất phẳng.
Hiện tượng đáng chú ý trên thị trường tiền tệ là đường cong lãi suất huy động giai đoạn đầu năm 2010, gần như là đường cong lãi suất phẳng.
Hệ lụy của hiện tượng này là doanh nghiệp khó tiếp cận các nguồn vốn trung và dài hạn, nguồn tài trợ quan trọng cho việc mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc tái cấu trúc doanh nghiệp - một trong những nhu cầu của doanh nghiệp nhằm tranh thủ cơ hội thời kinh tế suy giảm.
Điều đáng lo ngại hiện nay là hầu hết số dư tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng đều là tiền gửi ngắn hạn (dưới 12 tháng) hoặc tiền gửi không kỳ hạn, vì cùng một mức lãi suất xấp xỉ 11%/năm thì người gửi tiền chỉ chọn gửi kỳ hạn ngắn, khiến việc quản trị rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất và các loại rủi ro khác gắn liền với tài sản và công nợ của từng ngân hàng thương mại và hệ thống trở nên hết sức khó khăn.
Đường cong lãi suất phẳng còn triệt tiêu khả năng cạnh tranh giữa các ngân hàng. Bởi vì khả năng huy động vốn với mức lãi suất nào phụ thuộc vào uy tín, quy mô của ngân hàng đó. Nếu cùng một mức lãi suất thì người gửi tiền sẽ chọn gửi ở các ngân hàng lớn, ngân hàng nhỏ sẽ lại càng khó khăn hơn trong việc huy động.
Đến cuối năm 2010 và nửa đầu năm 2011, đường cong lãi suất huy động từ 6 tháng trở xuống gần như thẳng, còn xét về toàn diện thì đường cong lãi suất huy động bị đảo ngược; lãi suất huy động vốn dài hạn thấp hơn lãi suất huy động vốn ngắn hạn. Hiện tượng đường cong lãi suất bị đảo ngược một mặt phản ánh kỳ vọng của các ngân hàng là lạm phát sẽ giảm trong tương lai, nên họ không huy động dài hạn với lãi suất cao. Mặt khác, hiện tượng này cũng phản ảnh về cơ cấu vốn của ngân hàng thương mại hiện nay. Trong trường hợp các ngân hàng sử dụng nhiều vốn ngắn hạn cho vay dài hạn thì việc thiếu hụt vốn ngắn hạn tạm thời để cân đối cho những cam kết cho vay dài hạn cũng sẽ dẫn đến việc các ngân hàng phải tăng cường vay ngắn hạn khiến lãi suất ngắn hạn lên cao.
Hệ lụy là lãi suất cho vay VND cũng buộc phải đẩy lên cao ngất ngưởng, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) không dám vay tiền ngân hàng, bởi hoạt động kinh doanh trong môi trường hiện nay rất khó để bù đắp đủ mức lãi vay này. Trong hoàn cảnh đó, một bộ phận doanh nghiệp tìm cách khai thác vốn từ phía người thân để duy trì sản xuất hay tạm thu hẹp hoạt động để nghe ngóng. Còn các DN vay vốn ngân hàng thì liên tục thay đổi ngân hàng để vay bởi họ phải tính đến bài toán lỗ lãi nên ngân hàng nào áp dụng mức lãi suất hợp lý thì họ tìm đến. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của DN mà các ngân hàng cũng sẽ mất khách hàng.
Hệ lụy là lãi suất cho vay VND cũng buộc phải đẩy lên cao ngất ngưởng, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) không dám vay tiền ngân hàng, bởi hoạt động kinh doanh trong môi trường hiện nay rất khó để bù đắp đủ mức lãi vay này. Trong hoàn cảnh đó, một bộ phận doanh nghiệp tìm cách khai thác vốn từ phía người thân để duy trì sản xuất hay tạm thu hẹp hoạt động để nghe ngóng. Còn các DN vay vốn ngân hàng thì liên tục thay đổi ngân hàng để vay bởi họ phải tính đến bài toán lỗ lãi nên ngân hàng nào áp dụng mức lãi suất hợp lý thì họ tìm đến. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của DN mà các ngân hàng cũng sẽ mất khách hàng.
Lê Văn Hùng (Vnbusiness.vn)
0 Nhận xét :
Đăng nhận xét