20/9/11

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý kinh doanh vàng theo chức năng của Ngân hàng Trung ương

CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN CHUNG VỀ VÀNG
VÀ QUẢN LÝ VÀNG CỦA NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG
1.1. Lịch sử, vai trò của vàng và chức năng quản lý vàng của NHTW
- Vàng vừa có vai trò là một hàng hoá đặc biệt vừa có vai trò là tiền tệ. Lịch sử tiền tệ của vàng trải qua quá trình lâu dài. Khi việc sử dụng tiền giấy trở lên phổ biến, vai trò tiền tệ của vàng như một phương tiện thanh toán hay thước đo giá trị giảm. Tuy nhiên, vai trò tiền tệ của vàng với chức năng cất trữ giá trị và tiền tệ quốc tế thì vẫn không hề mất đi.

- Hầu hết NHTW các nước đều có chính sách quản lý vàng thuộc dự trữ ngoại hối quốc gia và quản lý thị trường vàng trong nước để đảm bảo thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia.
Những nước phát triển, thường không còn hạn chế đối với hoạt động kinh doanh vàng ở các thị trường này. Những nước đang phát triển thường có chính sách quản lý chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh vàng để bảo đảm thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia. Tuy nhiên, cùng với xu thế tự do hóa thị trường tài chính của các nước đang phát triển, chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng của các nước cũng ngày càng được nới lỏng.
            1.2. Các hình thức đầu tư, kinh doanh vàng thuộc dự trữ ngoại hối và trên tài khoản
            - Kinh doanh vàng vật chất: là việc nhà đầu tư mua và nắm giữ vàng vật chất dưới dạng tiền vàng, vàng thỏi, vàng miếng nhằm bảo toàn giá trị hoặc bán ra khi có biến động có lợi về giá. Ưu điểm của kinh doanh vàng vật chất là nhà đầu tư có thể bảo toàn lượng vàng vật chất nắm giữ và hạn chế rủi ro khi có biến động lớn về giá. Tuy nhiên, mua bán vàng vật chất phát sinh những chi phí đáng kể liên quan tới giao nhận, bảo quản. Đồng thời, việc không sử dụng đòn bẩy tài chính cũng hạn chế quy mô giao dịch của các thành viên trên thị trường.
- Gửi tiết kiệm vàng: là việc nhà đầu tư gửi tiết kiệm bằng vàng tại các ngân hàng có uy tín và được nhận lãi như các khoản tiền gửi thông thường khác. Đến kỳ đáo hạn, nhà đầu tư có thể rút cả gốc lẫn lãi bằng vàng.
Ưu điểm của hình thức gửi tiết kiệm vàng là nhà đầu tư vẫn có thể bảo toàn được trạng thái vàng vật chất mà họ muốn duy trì, vừa có thể hưởng lãi từ tài khoản gửi tiết kiệm, đồng thời hạn chế được rủi ro và chi phí trong việc tự cất trữ vàng.Ngoài ra, mặc dù được đã gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại các ngân hàng nhưng tính thanh khoản của vàng trên tài khoản tiết kiệm vẫn được đảm bảo thông qua việc mua bán, chuyển nhượng hay cầm cố các chứng chỉ tiền gửi do ngân hàng huy động phát hành.
Tuy nhiên, do tính an toàn tương đối cao nên mức lợi nhuận thu được từ việc gửi tiết kiệm vàng thường thấp hơn các hình thức kinh doanh khác.
- Cho vay vàng: là việc người nắm giữ vàng cho người có nhu cầu sử dụng hoặc đầu tư vay trong kỳ hạn và với mức lãi suất nhất định được quy định tại hợp đồng vay. Lợi ích của việc cho vay vàng cũng tương tự gửi tiết kiệm vàng. Tuy nhiên, tính thanh khoản của hợp đồng cho vay vàng thường thấp hơn so với gửi tiết kiệm vàng.
- Mua các chứng chỉ quỹ đầu tư vàng
Quỹ đầu tư vàng (Gold exchange-traded fund –GETF) là quỹ đầu tư huy động vốn của nhà đầu tư để kinh doanh vàng vật chất. Các quỹ đầu tư phát hành chứng chỉ quỹ để huy động vốn và niêm yết chứng chỉ quỹ trên các sàn chứng khoán lớn trên thế giới như một loại chứng khoán.
            Ưu điểm của hình thức kinh doanh này là nhà đầu tư có thể tham gia vào thị trường vàng vật chất một cách gián tiếp, tận dụng được trình độ, kinh nghiệm của các nhà quản lý quỹ cũng như giảm thiểu chi phí trong giao nhận, bảo quản vàng vật chất. Đồng thời, tính thanh khoản của chứng chỉ đã được niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán là cao. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ không chắc chắn thu được một tỷ lệ lợi nhuận nhất định như gửi tiết kiệm hoặc cho vay vàng.
- Kinh doanh vàng trên tài khoản: là việc nhà đầu tư mở tài khoản tại các ngân hàng hay tổ chức được phép kinh doanh vàng và tiến hành các giao dịch mua bán trên tài khoản để đầu cơ chênh lệch giá. Kinh doanh vàng tài khoản không đi kèm với việc giao nhận vàng trên thực tế, đơn thuần chỉ là hoạt động đầu cơ chênh lệch giá hay một công cụ đầu tư tài chính phái sinh từ hoạt động kinh doanh vàng vật chất.
   1.3. Kinh nghiệm quốc tế về quản lý vàng thuộc DTNHNN, quản lý thị trường vàng và bài học rút ra cho Việt Nam
Qua nghiên cứu quy mô vàng thuộc dự trữ ngoại hối và kinh nghiệm quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đề tài đã rút ra một số bài học đối với quản lý vàng của Việt Nam cụ thể như sau:
(i) Vàng vẫn giữ vai trò quan trọng trong dự trữ ngoại hối của các nước. Đặc biệt, với các nước đang phát triển, lượng vàng dự trữ có xu hướng tăng theo xu hướng tăng lên của tổng dự trữ ngoại hối. Do vậy, Việt Nam cần xây dựng phương án tăng lượng vàng dự trữ tương ứng mức độ tăng tổng dự trữ. Đồng thời, đa dạng hoá hình thức đầu tư như gửi tiết kiệm, cho vay hay uỷ thác cho quỹ đầu tư để nâng cao hiệu quả đầu tư vàng thuộc dự trữ.
            (ii) Hoạt động của thị trường vàng ảnh hưởng tới hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ và ngoại hối của các quốc gia, do vậy, với những nước chưa hoàn toàn tự do hoá thị trường tài chính như Việt Nam hiện nay thì sự quản lý của NHTW đối với thị trường vàng là cần thiết. Về hình thức quản lý, NHTW có thể quản lý bằng các biện pháp gián tiếp như cấp phép xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, NHTW cũng cần có cơ chế chủ động can thiệp mua bán trực tiếp trên thị trường khi có chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu.
(iii) Cùng với quá trình tự do hoá thị trường tài chính, thị trường vàng cũng cần được tự do từng bước nhằm phù hợp với trình độ phát triển chung của thị trường tài chính. Tiến trình tự do hoá thị trường vàng bắt đầu từ tự do hoá thị trường vàng vật chất, sau đó đến kinh doanh vàng tài khoản và cuối cùng là xoá bỏ kiểm soát đối với hoạt động xuất nhập khẩu vàng.
Với những nước nguồn cung vàng dựa chủ yếu vào nhập khẩu như Việt Nam, chừng nào vẫn áp dụng cơ chế quản lý xuất nhập khẩu vàng thì việc thành lập Sàn giao dịch vàng tỏ ra chưa thực sự cần thiết.
            Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản do mức độ rủi ro cao nên cần được quản lý chặt chẽ. Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, trong giai đoạn đầu chỉ cho phép nhà đầu tư cá nhân tham gia với tỷ lệ ký quỹ 100% nhằm hạn chế rủi ro, chủ yếu để tạo cho nhà đầu tư môi trường tiếp cận, tích luỹ kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh vàng tài khoản.
            Hoạt động xuất nhập khẩu vàng do liên quan đến cung cầu ngoại tệ nên trong điều kiện còn các biện pháp kiểm soát ngoại hối, quản lý tỷ giá thì vẫn cần thực hiện kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu vàng.
(iv) Khi thị trường vàng được hoàn toàn tự do hoá, mọi rào cản trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu được rỡ bỏ thì việc thành lập Sở giao dịch hàng hoá trong đó có giao dịch vàng như mô hình của Sở giao dịch vàng và hàng hoá Dubai hay Sàn giao dịch vàng chuyên biệt như Sàn giao dịch vàng Thượng Hải là cần thiết để đưa thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng quốc tế, xây dựng thị trường tài chính hoàn thiện, đồng bộ. Tuy nhiên, vẫn cần duy trì quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các Sở giao dịch này nhằm đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả, đảm bảo tính ổn định của thị trường tài chính và nền kinh tế.

CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀNG
THUỘC DỰ TRỮ NGOẠI HỐI NHÀ NƯỚC VÀ
 QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀNG TẠI VIỆT NAM
2.1. Thực trạng công tác quản lý vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước và hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam
2.1.1. Thực trạng công tác quản lý vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước
2.1.1.1. Thời kỳ trước 1991
- Trước năm 1991, NHNN chưa ban hành các quy định về quản lý DTNHNN và quản lý vàng thuộc DTNHNN nhưng thực hiện quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng. Chỉ các xí nghiệp quốc doanh mới được mua, bán vàng với số lượng hạn chế. Tuy nhiên hoạt động buôn bán vàng bất hợp pháp vẫn phổ biến.
- "Điều lệ quản lý ngoại hối" ban hành năm 1988 đã xoá bỏ độc quyền trong kinh doanh vàng. NHNN quản lý hoạt động kinh doanh vàng thông qua việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vàng cho doanh nghiệp. Các đơn vị kinh tế quốc doanh có liên quan đến khai thác, tinh luyện vàng và các hộ cá thể nếu có đủ điều kiện được kinh doanh vàng nữ trang. Đồng thời cho phép thành lập các công ty kinh doanh vàng bạc trực thuộc Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố lớn. NHNN bắt đầu cho phép một số đơn vị, địa phương nhập khẩu vàng và cho phép thành lập Tổng Công ty vàng bạc đá quý Việt Nam năm 1989.  
            2.1.1.2. Thời kỳ từ năm 1991 đến năm 1999
- Năm 1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành quyết định thành lập Quỹ điều hòa ngoại tệ (bản chất của quỹ này là quỹ dự trữ ngoại hối của Nhà nước) nhằm mục đích chính là để can thiệp bình ổn tỷ giá và giá vàng.
- Để ổn định thị trường vàng, năm 1993 Chính phủ ban hành Nghị định  63/CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Mọi đối tượng thuộc đủ điều kiện đều được kinh doanh vàng trên thị trường và chịu sự quản lý chuyên ngành của NHNN. Tuy nhiên hoạt động xuất nhập khẩu vàng vẫn được quản lý chặt chẽ nhằm tạo chủ động cho NHNN trong việc điều hành chính sách tỷ giá và tiền tệ.
- Các hoạt động can thiệp mua, bán ngoại tệ và vàng của NHNN để bình ổn tỷ giá và giá vàng trong thời kỳ này diễn ra mạnh mẽ, nhất là trong những năm đầu của thập kỷ 90, góp phần ổn định giá cả, đẩy lùi lạm phát, tạo dựng lòng tin của dân chúng nhằm thúc đẩy đầu tư sản xuất và phát triển kinh tế của đất nước.
2.1.1.3. Thời kỳ từ 1999 đến nay
Ngày 30/8/1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/1999/NĐ-CP về quản lý DTNHNN. Nghị định 86/1999/NĐ-CP và Quyết định 653 của Thống đốc NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 86 đã xác lập những nguyên tắc cơ bản trong quản lý DTNHNN được nêu dưới đây:
- Vàng được coi là một thành phần thuộc DTNHNN. NHNN là cơ quan quản lý DTNHNN nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, đảm bảo khả năng thanh toán quốc tế, bảo toàn DTNHNN.  Công tác quản lý DTNHNN được tập trung vào ba nguyên tắc theo thông lệ quốc tế là Bảo toàn dự trữ ngoại hối, Bảo đảm tính thanh khoản và Sinh lời thông qua các nghiệp vụ đầu tư. 
- DTNHNN được lập thành hai quỹ, gồm: (i) Quỹ dự trữ ngoại hối được sử dụng để đảm bảo khả năng thanh toán quốc tế, điều hòa nguồn ngoại hối với Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng khi cần thiết, thực hiện các nghiệp vụ đầu tư trên thị trường quốc tế, tạm ứng cho ngân sách Nhà nước để đáp ứng các nhu cầu ngoại hối đột xuất, cấp bách của Nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; và (ii) Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng được sử dụng để can thiệp thị trường ngoại tệ và thị trường vàng trong nước nhằm ổn định tỷ giá và giá vàng theo mục tiêu của chính sách tiền tệ, điều hòa nguồn ngoại hối với Quỹ dự trữ ngoại hối khi cần thiết và thực hiện các nghiệp vụ đầu tư ngắn hạn.  
- Vàng thuộc DTNHNN phải là vàng tiêu chuẩn quốc tế; Các tổ chức đối tác được lựa chọn để gửi ngoại tệ và vàng, ủy thác đầu tư phải là tổ chức được xếp hạng tín  nhiệm quốc tế cao,…
Sau khi ban hành Nghị định 86/CP, vàng tiêu chuẩn quốc tế là một thành phần của DTNHNN. Toàn bộ số dư Quỹ can thiệp vàng được chuyển vào Quỹ  bình ổn tỷ giá và giá vàng. Năm 2002, Thống đốc NHNN đã  cho điều chuyển một phần từ Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng sang Quỹ dự trữ ngoại hối để đầu tư trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, NHNN chưa tiến hành bất kỳ hoạt động can thiệp nào đối với thị trường vàng trong nước cũng như chưa tiến hành bất kỳ hoạt động đầu tư nào đối với số vàng thuộc DTNHNN. NHNN cũng không mua bổ sung vàng dự trữ.
Như vậy, mặc dù các nguyên tắc cơ bản về quản lý DTNHNN và quản lý vàng dự trữ đã được xác lập, nhưng hoạt động quản lý vàng thuộc DTNHNN còn nhiều bất cập, thể hiện ở nội dung nghiên cứu ở mục 2.2.1 dưới đây.
2.1.2. Thực trạng quản lý hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam hiện nay
2.1.2.1. Giai đoạn 1993 – 1999:
2.1.2.1.1. Cơ sở xây dựng chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Ngày 24/9/1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định 63/CP về quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng. Việc ban hành Nghị định 63/CP là một bước đi cần thiết để dỡ bỏ những hạn chế về: phạm vi kinh doanh vàng, quyền sở hữu hợp pháp về vàng và tạo ra một cơ chế xuất nhập khẩu vàng phù hợp.
2.1.2.1.2. Thực trạng hoạt động thị trường vàng
Đến thời điểm tháng 6/1999, số lượng các đơn vị  kinh doanh, gia công chế tác vàng tăng gấp 3 lần so với thời kỳ trước khi ban hành Nghị định 63/CP. Hơn 50% số lượng đơn vị kinh doanh, gia công, chế tác vàng tập trung ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng Nam bộ.
2.1.2.1.3. Đánh giá hoạt động của thị trường vàng giai đoạn 1993-1999
* Khối doanh nghiệp Nhà nước
- Chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng đóng vai trò dẫn dắt, can thiệp thị trường vàng. Phần lớn các doanh nghiệp này đều được thành lập từ cuối thập niên năm 80, nhằm mục đích kinh doanh và tham gia can thiệp bình ổn giá vàng, ổn định giá cả,  giữ vững giá trị đồng tiền, góp phần chống lạm phát.
- Một số công ty đã có chiến lược phát triển sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ
- Đi đầu trong việc xây dựng quan hệ với các đối tác nước ngoài.
* Khối ngoài quốc doanh
Chiếm khoảng 98% tổng số các doanh nghiệp kinh doanh vàng, là yếu tố tích cực, tạo sự cạnh tranh và động lực phát triển thị trường, khiến cho giá cả mua bán vàng không có chênh lệch nhiều, mẫu mã, chất lượng được chú trọng hơn.
* Các hộ gia công chế tác vàng
Tính đến tháng 6/1999 cả nước có khoảng gần 1.000 cá nhân được cấp giấy phép gia công, chế tác  vàng. Theo quy định, các đơn vị này chỉ được gia công chế tác vàng, không được mua bán vàng. Các hộ gia công không cần phải đáp ứng điều kiện về vốn, không cần có kế toán, cửa hàng cửa hiệu như điều kiện để thành lập doanh nghiệp. Chính vì lý do này một số cá nhân lợi dụng điều kiện này để  kinh doanh, mua bán vàng trốn thuế, thậm chí còn mua bán ngoại tệ trái phép.
* Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Theo thống kê của NHNN đến cuối năm 1999, có 12 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gia công vàng tư trang tái xuất, trong đó có 1 công ty liên doanh, 11 Công ty 100% vốn nước ngoài.
* Hoạt động xuất nhập khẩu vàng của các doanh nghiệp Việt Nam
            - Trong giai đoạn 1993 -1996: Việt Nam nhập khẩu khoảng 20 tấn vàng. Các doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức tín dụng kinh doanh vàng trở thành  những đầu mối phân phối bán buôn ra thị trường và có khả năng điều tiết thị trường vàng trong cả nước. Lợi thế của nhập khẩu vàng là không phải đầu tư thiết bị máy móc, quay vòng vốn nhanh, mang lại lợi nhuận lớn. Vì thế nhiều doanh nghiệp Nhà nước nhất là Tổng công ty VBĐQVN thì việc nhập khẩu vàng là hoạt động chính  đem lại nguồn thu chủ yếu cho đơn vị.
- Từ năm 1996 – 1999, NHNN thực hiện chủ trương ngừng nhập khẩu vàng.
2.1.2.1.4. Đánh giá chính sách quản lý vàng
a. Kết quả
            - Mở rộng mạng lưới, phạm vi kinh doanh vàng đáp ứng kịp thời nhu cầu về vàng của thị trường góp phần ổn định giá cả thị trường;
            - Xác lập được các cơ sở pháp lý phù hợp, tạo điều kiện cho NHNN điều tiết giá vàng, góp phần ổn định giá cả, hỗ trợ thực thi chính sách tiền tệ quốc gia.
            - Thiết lập một cơ chế quản lý xuất nhập khẩu vàng thống nhất, kiểm soát được luồng vàng  vào ra khỏi Việt Nam:
            - Bước đầu tạo điều kiện phát triển ngành kim hoàn Việt Nam
b. Hạn chế 
Chính sách quản lý vàng quy định tại Nghị định 63 bộc lộ những hạn chế nhất định, thể  hiện ở sự yếu, kém  của thị trường vàng trang sức, tỷ lệ vàng dùng trong thanh toán cất trữ chưa giảm triệt để, doanh nghiệp kinh doanh vàng quy mô quá nhỏ, công nghệ lạc hậu, không chú trọng đến đầu tư  sản xuất vàng trang sức.
C. nguyên nhân
- Do quy định về điều kiện kinh doanh vàng chưa chặt chẽ, yêu cầu về mức vốn còn thấp .
            - Chưa tạo ra thị trường vàng nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất. Chưa có quy định về cơ chế quản lý sản xuất vàng miếng.
- NHNN chưa có định hướng tổng thể thúc đẩy phát triển thị trường vàng trang sức.
            - Các quy định về việc huy động nguồn vốn bằng vàng không phù hợp, thiếu các công cụ phòng ngừa rủi ro. Một số đơn vị thực hiện các nghiệp vụ huy động vàng mà chưa có văn bản quy định chặt chẽ nhằm hạn chế  rủi ro.
            - Chính sách thuế chưa tạo được sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, chưa khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức xuất khẩu.
          - Chưa ban hành tiêu chuẩn chất lượng vàng Việt Nam.
            - Chưa có  tổ chức hiệp hội của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
2.1.2.2. Giai đoạn 2000 đến nay
2.1.2.2.1. Về chính sách quản lý vàng
Kể từ 1/1/2000, hoạt động kinh doanh vàng được điều chỉnh bởi  Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 19/12/1999, Nghị định 64/2003/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 174 và thông tư số 07/2000/TT-NHNN. Các nội dung chủ yếu như sau:
            - Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Mục tiêu quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu nhằm hỗ trợ cho việc thực thi chính sách tiền tệ.  
            - Về đối tượng: tất cả các tổ chức, cá nhân đều được phép kinh doanh vàng, không nhất thiết phải thành lập doanh nghiệp.  
- Bỏ quy định về vốn pháp định đối với hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, vàng miếng. NHNN chỉ cấp giấy phép đối với hoạt động xuất nhập vàng nguyên liệu dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng.
             NHNN cấp giấy phép cho doanh nghiệp sản xuất vàng miếng căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ và các điều kiện mà doanh nghiệp đáp ứng được.
            - Cho phép thành lập Hiệp hội kinh doanh vàng.
2.1.2.2.2. Thực trạng hoạt động xuất, nhập khẩu vàng
- Giai đoạn 1997-2002, thị trường vàng trong nước và quốc tế tương đối ổn định. Kể từ tháng 4/2002-2004, mặc dù giá vàng quốc tế tăng liên tục, nhưng thị trường vàng trong nước cũng không xảy ra các đợt sốc giá lớn, một phần do chính sách xuất nhập khẩu vàng thông thoáng hơn trước, một phần do hoạt động đầu cơ vàng của dân chúng giảm mạnh vào các năm từ 1991-2004.
- Kể từ năm 2005 đến nay, người dân lại có xu hướng găm giữ vàng, số vàng nhập khẩu tăng nhanh chóng. NHNN đã điều tiết thị trường vàng thông qua hoạt động cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng. NHNN không cần sử dụng đến lượng vàng dự trữ để can thiệp thị trường.
- Kể từ tháng 5 năm 2008, do cán cân thanh toán Việt Nam có nguy cơ bị thâm hụt lớn, NHNN đã ngừng cấp giấy phép nhập khẩu vàng và cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu vàng. 
Thực tiễn trên cho thấy một cơ chế xuất nhập khẩu vàng hợp lý cùng với các biện pháp hỗ trợ khác sẽ không chỉ làm bình ổn giá vàng trong nước, tránh đầu cơ, xuất nhập khẩu vàng lậu, mà còn góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ.
2.1.2.2.3. Thực trạng hoạt động sản xuất vàng miếng
- Thực hiện theo quy định tại Nghị định 174 và Nghị định 64, đến hết năm 2008, NHNN đã cấp giấy phép sản xuất vàng miếng cho 11 đơn vị là các NHTM, doanh nghiệp kinh doanh vàng.  
- Hàng năm, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ, đơn xin cấp hạn mức sản xuất vàng miếng, NHNN cấp hạn mức sản xuất vàng miếng cho các đơn vị.
2.1.2.2.4. Thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
            Tính đến hết năm 2009, cả nước có 24 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công vàng trang  sức mỹ nghệ. Trong những năm từ 2000 đến năm 2004, doanh số xuất khẩu của các Công ty có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng đều đặn, từ con số khoảng 30 triệu USD trong năm 2000, năm 2001 doanh số xuất khẩu đã tăng lên mức 43 triệu USD.
2.1.2.2.5. Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài
Cuối năm 2006 NHNN đã cho phép một số NHTM và doanh nghiệp được kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Đến năm 2009, NHNN đã cấp giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài cho 19 đơn vị.
Do năng lực tài chính và kinh nghiệm kinh doanh vàng trên tài khoản của các đơn vị không đồng đều nên có đơn vị kinh doanh đạt hiệu quả cao, có đơn vị đạt hiệu quả thấp, giá vàng trong nước hình thành không thống nhất, mang tính tự phát.
2.1.2.2.7. Hoạt động huy động và cho vay bằng vàng
Việc huy động và cho vay vàng đã được thực hiện ở nhiều tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Nam. Các hình thức huy động gồm tiết kiệm bằng vàng hoặc  tiết kiệm VND bảo đảm giá trị theo giá vàng. Các TCTD cũng thực hiện cho vay bằng vàng và bằng VND bảo đảm giá trị theo giá vàng. Nợ quá hạn bằng vàng chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng dư nợ cho vay bằng vàng cho thấy trước diễn biến phức tạp của giá vàng, các TCTD cũng thận trọng đối với việc cho vay bằng vàng nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra.
2.1.2.3. Sự xuất hiện của Sàn giao dịch vàng
        - Sàn giao dịch vàng đầu tiên tại Việt Nam là Sàn giao dịch vàng ACB, được hình thành vào ngày 25/5/2007 với tên gọi ban đầu là Trung tâm giao dịch vàng Sài gòn – trực thuộc Ngân hàng TMCP Á Châu. Ban đầu, Trung tâm giao dịch vàng ACB là nơi bán buôn giữa các thành viên. ACB đóng vai trò vừa là thành viên trực tiếp tham gia giao dịch, vừa là Trung tâm lưu ký, Trung tâm thanh toán. Tuy nhiên khối lượng giao dịch thời gian đầu không lớn.
Tháng 12/2007, trên cơ sở hoạt động của Sàn giao dịch vàng giữa các thành viên, ACB triển khai sản phẩm “Đầu tư vàng tại ACB” dành cho cá nhân. Từ đó khối lượng giao dịch trên sàn đã gia tăng đột biến. Đứng trước nhu cầu tham gia giao dịch vàng của các cá nhân tăng mạnh, nhiều NHTM khác cũng như các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã thành lập các Sàn giao dịch vàng như: Sàn giao dịch vàng của Ngân hàng TMCP Phương Nam, Sàn giao dịch vàng NHTM CP Việt Á, Sàn giao dịch vàng NHTM CP Xuất Nhập khẩu Việt Nam, Sàn giao dịch vàng Việt Nam (VGB)…
            - Căn cứ theo tiêu chí kinh doanh vàng vật chất hay tài khoản thì các Sàn giao dịch vàng gồm 03 loại: (i) Sàn giao dịch vàng vật chất; (ii) Sàn giao dịch vàng tài khoản; (iii) Sàn giao dịch vàng kết hợp cả tài khoản và vật chất. Tuy nhiên, chủ yếu các sàn vàng hoạt động dưới hình thức giao dịch vàng tài khoản.
2.2. Bất cập, rủi ro trong công tác quản lý của NHTW đối với vàng dự trữ và hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản của các TCTD
2.2.1. Đối với vàng dự trữ 
2.2.1.1. Những bất cập
- Tỷ lệ nắm giữ vàng thuộc DTNHNN còn ở mức khiêm tốn và chưa tương xứng với quy mô phát triển của thị trường vàng trong nước.
- Hoạt động can thiệp bình ổn giá vàng của Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng còn đơn điệu, chỉ mới thực hiện dưới 2 hình thức (i) bán ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng mà không thực hiện can thiệp bán vàng thuộc DTNHNN ra thị trường hoặc mua từ thị trường bổ sung DTNHNN (ii) cấp giấy phép nhập khẩu có hạn ngạch cho từng doanh nghiệp kinh doanh vàng.
- NHNN mới chỉ chú trọng vào việc bảo toàn giá trị vàng thuộc DTNHNN dưới dạng bảo quản trong kho, mà chưa chú trọng đến hoạt động đa dạng hóa các hình thức đầu tư dự trữ vàng thuộc DTNHNN nhằm giảm thiểu rủi ro và nâng cao mức độ sinh lời đối với nghiệp vụ này.
-  NHNN chưa có qui định cụ thể về sử dụng vàng thuộc DTNHNN để đầu tư trên thị trường quốc tế hay can thiệp thị trường vàng trong nước vào những thời điểm cần thiết.
2.2.1.2. Nguyên nhân
- Quy mô DTNHNN mỏng, thường ở mức từ 8-12 tuần nhập khẩu. Trong khi đó, vay nợ nước ngoài ngày càng cao. Vàng dự trữ chiếm tỷ lệ nhỏ trong DTNHNN và chỉ để trong kho nhằm hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế kịp thời khi cần thiết. Chưa triển khai các nghiệp vụ đầu tư vàng trên thị trường quốc tế. 
- Suốt giai đoạn 1999 đến 2002, thị trường vàng trong nước tương đối trầm lắng, không xảy ra các cơn sốt giá và NHNN không phải thực hiện can thiệp thị trường vàng. Kể từ tháng 4/2002 giá vàng quốc tế đã tăng trở lại nhưng NHNN đã điều tiết và ổn định được thị trường vàng thông qua hoạt động cấp giấy phép xuất nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp.
- Các nghiên cứu về đầu tư vàng dự trữ chưa được triển khai. Đội ngũ cán bộ làm công tác hoạch địch chính sách về quản lý DTNHNN còn rất mỏng, các hoạt động có liên quan như công tác hạch toán kế toán và thống kê DTNHNN còn nhiều bất cập, chưa có quy định và phần mềm kế toán quả trị DTNHNN nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư DTNHNN và dự trữ vàng.
2.2.2. Đối với hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản của các TCTD
2.2.2.1. Hoạt động của Sàn giao dịch vàng
* Về môi trường pháp lý: Các văn bản quy phạm pháp luật  hiện hành không cấm việc thành lập và hoạt động của sàn giao dịch vàng. Tuy nhiên, hiện nay, cũng chưa có một văn bản pháp luật cụ thể nào điều chỉnh trực tiếp về việc thành lập và hoạt động của Sàn giao dịch vàng. Có một số văn bản pháp luật có liên quan đến vấn đề này như sau: Nghị định 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 của Chính phủ (Nghị định 174) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Nghị định 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 quy định về Sở giao dịch hàng hoá,  Luật chứng khoán và Luật các tổ chức tín dụng
* Những bất cập và rủi ro: 
+ Về địa vị pháp lý: Hầu hết các sàn giao dịch vàng không được tổ chức dưới hình thức một pháp nhân, mà thường là một bộ phận trực thuộc Tổ chức tín dụng.
Đối chiếu các quy định về Sở giao dịch hàng hoá với các sàn giao dịch vàng của các tổ chức tín dụng, việc thành lập và hoạt động của các sàn giao dịch vàng của Tổ chức tín dụng còn tồn tại nhiều vấn đề, cơ sở pháp lý của việc thành lập và hoạt động của sàn giao dịch vàng chưa có đầy đủ.
+ Rủi ro của hoạt động kinh doanh Sàn giao dịch vàng
Việc thành lập và hoạt động của sàn giao dịch vàng trong thời gian vừa qua chứa đựng rủi ro rất lớn cho cả nhà đầu tư và các TCTD do quy chế hoạt động chưa chặt chẽ, chưa xây dựng được cơ chế bảo hiểm rủi ro cho cả nhà đầu tư và TCTD đã thành lập sàn giao dịch vàng. Do vậy, trước những diễn biến phức tạp và những rủi ro do hoạt động sàn giao dịch vàng (hay còn gọi là kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước), ngày 30/12/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có thông báo về việc dừng hoạt động sàn giao dịch vàng.
  2.2.2.2. Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài
Theo thông báo số 369/TB-VPCP, NHNN đã có Thông tư số 01/2010/TT-NHNN ngày 7/1/2010 về việc bãi bỏ Quyết định 03/2006/QĐ-NHNN và Quyết định 11/2007/QĐ-NHNN về kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Theo đó, các NHTM, Công ty kinh doanh vàng phải chấm dứt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài kể từ ngày Thông tư có hiệu lực. Mọi hoạt động kinh doanh trên tài khoản ở nước ngoài chỉ phục vụ mục đích tất toán trạng thái kinh doanh vàng trên tài khoản của các đơn vị.
2.2.2.3. Hoạt động xuất nhập khẩu vàng
Chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu vàng trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến biến động giá vàng trong nước cũng như góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ. Tuy nhiên hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu vàng trang sức mỹ nghệ được thực hiện theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không cần có giấy phép của NHNN. Do đặc điểm rất dễ chuyển đổi hình thức từ các loại vàng nguyên liệu khối, thỏi, hạt, miếng sang thành vàng trang sức, mỹ nghệ để lợi dụng quy định thông thoáng về việc không cần cấp giấy phép xuất nhập khẩu, đã xuất hiện hành vi xuất nhập khẩu lậu vàng biến tướng.
Với vai trò đặc biệt của vàng trong giai đoạn hiện nay, việc quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu dưới bất kỳ dạng nào là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo thị trường vàng hoạt động ổn định, đảm bảo công bằng đối với các NHTM, các công ty kinh doanh vàng.
2.2.2.4. Hoạt động sản xuất vàng miếng
Với số lượng hạn chế các đơn vị được phép sản xuất vàng miếng như hiện nay, thực tế xảy ra tình trạng nhu cầu mua bán vàng miếng tăng cao mà các đơn vị này không sản xuất đáp ứng đủ thị trường. Do vậy, giá vàng có lúc đã bị đẩy lên cao hơn giá vàng quốc tế. Ngoài ra, bất cập của hoạt động sản xuất vàng miếng còn thể hiện ở chỗ chưa có tiêu chuẩn chung cho vàng miếng sản xuất trong nước nên đã tạo nên thế độc quyền tự nhiên cho vàng miếng SJC. Đồng thời, khi uy tín và chất lượng chưa được công nhận theo tiêu chuẩn chung gây khó khăn cho việc xuất khẩu vàng nếu có.
2.2.2.5. Hoạt động huy động, cho vay bằng vàng
Việc ban hành QĐ432/2000/QĐ-NHNN đã tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD huy động vàng trong dân cư, sử dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số vấn đề phát sinh cần được chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn như sau:
- NHNN cần sửa đổi QĐ432 theo hướng huy động vốn của TCTD thực hiện theo hình thức phát hành giấy tờ có giá cần được thực hiện theo một văn bản thống nhất
- NHNN cần nghiên cứu đề xuất điều chỉnh giảm tỷ lệ chuyển đổi nguồn vốn huy động bằng vàng thành nguồn vốn bằng tiền cho phù hợp với thực tế.
Tóm lại, qua phân tích thực trạng hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng có thể đi đến một số kết luận sau:
- Một cơ chế xuất nhập khẩu vàng hợp lý cùng với các biện pháp can thiệp của NHNN sẽ giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng cũng như tăng cường vai trò quản lý và ổn định thị trường vàng trong cân đối chung của nền kinh tế.
- Cơ chế quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng cần được đổi mới với sự phối hợp đồng bộ của các ngành.
- Hoạt động kinh doanh vàng không gắn với vàng vật chất như kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài và kinh doanh sàn giao dịch vàng, cơ quan quản lý không khuyến khích hoạt động này.
Với chức năng là cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh vàng, NHNN cùng các bộ, ngành khác cần rà soát tổng thể các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm giải quyết các vướng mắc và bất cập còn tồn tại trong thời gian qua.

1 Nhận xét :

  1. Thanks nhiều! Thông tin rất có ích.
    ...............................................
    Chuyên viên tư vấn BĐS – Sàn Smartland
    Ms. Thạch Băng – 0916 258 925
    Căn hộ cao cấp tại Bình Thạnh HCM hoặc Can ho cao cap tai Binh Thanh HCM

    Trả lờiXóa