6/4/11

Căn nguyên của lạm phát ở Việt Nam

Thực tế, những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lạm phát trong dài hạn vẫn còn. Một trong những yếu tố đó là nhu cầu gia tăng vốn đầu tư.
 
Chính phủ đã xác định một trong những nhiệm vụ hàng đầu của điều hành kinh tế vĩ mô trong giai đoạn này là tập trung ưu tiên cho các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Hàng loạt những biện pháp, giải pháp kiềm soát và thắt chặt tiền tệ, điều chỉnh tỷ giá, cắt giảm chi tiêu đã được áp dụng, bước đầu đã cho thấy những hiệu quả tức thời, cũng như triển vọng của các bước tiếp theo giúp đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể, vẫn còn những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lạm phát trong dài hạn. Một trong những yếu tố đó là nhu cầu gia tăng vốn đầu tư trên diện rộng, làm tăng tổng cầu vốn trong toàn xã hội.

Một nền kinh tế đang trên đà phát triển đương nhiên phải cần một lượng vốn đầu tư không nhỏ. Đặc biệt, nền kinh tế nước ta liên tục đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6-7%/năm trong vòng 10 năm gần đây, càng cho thấy một lượng vốn lớn đã được huy động từ ngân sách nhà nước, từ vốn viện trợ ODA, từ các nhà tài trợ quốc tế, từ dòng vốn đầu tư nước ngoài và từ xã hội. Một loạt những chính sách nhằm khơi dậy các dòng vốn đầu tư được áp dụng những năm qua đã góp phần khơi thông dòng chảy quan trọng này của nền kinh tế.

Tuy nhiên, đến nay đang xuất hiện câu hỏi “Khơi đến đâu là vừa?”, và chỗ nào nên “khơi”, chỗ nào nên “hãm”, để kiểm soát được dòng vốn trên thị trường tiền tệ, góp phần kiềm chế lạm phát, đảm bảo giá trị đích thực của tăng trưởng, tức là phải tăng trưởng bền vững chứ không phải rơi vào tình trạng “xây lâu đài trên cát” như một số nền kinh tế mới nổi trên thế giới đã nhanh chóng lĩnh hậu quả sau một thời gian tăng trưởng quá nóng.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã “bắt mạch” thực tế tăng trưởng ở Việt Nam và nhận ra rằng: trong 10 năm qua chúng ta mới chú trọng tăng trưởng trên diện rộng, với chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm sau cao hơn năm trước, hoặc không chấp nhận thấp hơn cho dù bối cảnh kinh tế thế giới có lúc không thuận lợi. Điều này dẫn đến việc liên tục tăng trưởng tổng cầu xã hội về vốn và việc tăng cường khai thác tài nguyên đất nước, nhất là những loại tài nguyên không tái tạo được như than, dầu mỏ, nước, khoáng sản, sức lao động… Biểu hiện rõ nét nhất của thực tế này là nhiều năm nay, Việt Nam liên tục xuất khẩu than, dầu, nông sản, sức lao động… dưới dạng thô.

Việc chú trọng tăng trưởng trên diện rộng cũng khiến huy động một lượng vốn lớn trong toàn xã hội. Hầu hết các doanh nghiệp – dù kinh doanh loại hình sản phẩm nào, khi muốn đẩy tăng trưởng doanh thu đều nghĩ ngay tới tăng trưởng quy mô sản xuất, địa bàn kinh doanh, thu hút thêm nhân lực mà ít khi tính tới gia tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ để thu thêm giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm.

Có thực trạng này là do hai nguyên nhân: Một là do trình độ quản lý, quản trị kinh doanh còn yếu và chưa được định hướng bởi hệ thống chủ trương chính sách trong phát triển kinh tế. Hai là do yếu tố tâm lý, được kích thích bởi cách nhìn nhận, đánh giá của cơ quan nhà nước cũng như của xã hội về tiêu chí “thế nào là doanh nghiệp lớn”. Bên cạnh tâm lý thích “oai” của không ít lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Nhà nước (nhất là doanh nghiệp nhà nước), thì cơ chế tính lương, hệ số thưởng cho doanh nghiệp nhà nước mà Bộ Tài chính ban hành chủ yếu dựa vào mức tăng trưởng doanh thu và quy mô nhân lực của doanh nghiệp đã vô hình chung thúc đẩy các doanh nghiệp ưa phát triển bề rộng hơn tăng trưởng chiều sâu.

Một nguyên nhân khác dẫn đến gia tăng tổng cầu là do chính sách tín dụng. Việc thay đổi chính sách tín dụng với tần suất dày, ngắn nhất là 6 tháng và dài nhất là 2 năm thay đổi một lần đã khiến các ngân hàng trở tay không kịp. Chủ trương cho vay vốn đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán, cho vay tiêu dùng như mua xe ôtô, đi du lịch, đi chữa bệnh ở nước ngoài… được thực hiện mấy năm qua đã “đẩy” một lượng vốn tín dụng lớn từ ngân hàng ra thị trường. Và khi các thị trường bất động sản hay chứng khoán bị đóng băng, cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn tỷ đồng bị “đóng băng” theo.

Theo thống kê, hiện nay dư nợ tín dụng dành cho thị trường bất động sản trong toàn hệ thống ngân hàng là 100.550 tỷ đồng. Cho dù hiện nay đã có chủ trương siết chặt tín dụng, ngừng cho vay đầu tư bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng nhưng không có nghĩa là lượng vốn lớn này sẽ quay trở lại ngân hàng ngay, mà cần ít nhất vài năm, nếu như việc thu hồi nợ thông đồng bén giọt. Và như vậy, ngân hàng lại thiếu vốn, lại tăng cường huy động, với lãi suất mỗi ngày một cao hơn. Doanh nghiệp sản xuất nào có thể “chịu đựng” được lãi suất ngân hàng cao như vậy nếu chủ trương đầu tư chiều sâu? Bởi đầu tư chiều sâu cần có thời gian; nhưng vay vốn tín dụng ngắn hạn lại dễ hơn dài hạn, cho nên dễ hiểu vì sao phần lớn doanh nghiệp chọn phương thức phát triển chiều rộng.

Cái vòng “kim cô” này đang gây áp lực lớn cho mục tiêu kiểm soát lạm phát. Và nếu không kiên quyết, kiên trì “trị bệnh” đến nơi đến chốn cho từng yếu tố gây gia tăng tổng cầu vốn, lạm phát cao có lẽ vẫn là căn bệnh kinh niên của nền kinh tế, làm giảm đi hiệu quả của tăng trưởng và để lại gánh nặng cho tương lai.

0 Nhận xét :

Đăng nhận xét