6/4/11

Nhìn lại mục đích nâng lãi suất của Trung Quốc

Hôm 5/04, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã nâng lãi suất lần thứ 4 tính từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu kết thúc để kiềm chế lạm phát và hạn chế rủi ro bong bóng tài sản tại nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Các chuyên gia kinh tế nghĩ gì điều này?
 
Theo website của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, lãi suất cho vay thời hạn một năm sẽ tăng từ mức 6,06% lên 6,31%. Mức lãi suất mới sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 06/04/2011. Lãi suất tiền gửi thời hạn một năm sẽ tăng từ mức 3% lên 3,25%.


Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Capital Economics, ông Mark Williams cho rằng, thời điểm tăng lãi suất hiện tại ở Trung Quốc đã gây ngạc nhiên cho các quan chức cấp cao trong thời gian gần đây, tuy nhiên, tốc độ nâng lãi suất không hoàn toàn là bất ngờ. Việc Trung Quốc công bố nâng lãi suất có thể gây ra các lo ngại về tác động của biện pháp thắt chặt đối với tăng trưởng kinh tế của nước này. Tuy nhiên, cũng không nên cường điệu quá về điều này. Lần tăng lãi suất mới nhất cùng với chính sách thắt chặt được thực hiện trong những tháng gần đây sẽ không làm chậm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Lãi suất cho vay thời hạn một năm ở mức 6,31% còn tương đối thấp so với tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này. Hạn chế tăng trưởng tín dụng là số tiền mà các ngân hàng có thể cho vay chứ không phải mức lãi suất mà họ quy định.

Theo chuyên gia kinh tế thuộc Morgan Stanley, ông Qing Wang, việc nâng lãi suất cho thấy, chỉ số CPI trong tháng Ba của Trung Quốc dự kiến được công bố vào đầu tuần tới có thể sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên. Morgan Stanley dự báo chỉ số CPI của Trung Quốc trong tháng Ba sẽ ở mức 5,2%. Việc Trung Quốc nâng lãi suất cũng cho thấy rằng, các nhà chức trách nước này khá tự tin vào sự bền vững của đà tăng trưởng kinh tế…Việc này cũng nhấn mạnh chính sách thắt chặt cùng với sự suy giảm đáng kể trong tăng trưởng tín dụng và tiền tệ trong năm nay sẽ tác động tích cực tới tình trạng lạm phát của Trung Quốc vào giữa năm nay.

Chuyên gia kinh tế Yu Song và Helen Qiao thuộc Goldman Sachs tin rằng, gói chính sách thắt chặt tổng thể của Trung Quốc kể từ đầu năm nay đã đủ lớn để làm dịu tăng trưởng GDP nhằm giảm áp lực lạm phát nhờ tính chất của hầu hết các biện pháp thắt chặt đều có xu hướng dựa trên cơ sở quản lý và định lượng đi cùng các công cụ dựa vào giá cả bao gồm nâng lãi suất và định giá tiền tệ. Các chuyên gia của Goldman Sachs dự đoán, chính phủ Trung Quốc sẽ duy trì chính sách thắt chặt rộng rãi trong nửa đầu năm nay, khi chỉ số CPI của nước này có thể sẽ tăng cao.

Chuyên gia kinh tế Tommy Xie thuộc OCBC nhận xét, việc nâng lãi suất của Trung Quốc cho thấy ba điều. Đầu tiên, cùng với lần tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào ngày 18/3 cho thấy, quá trình thắt chặt tín dụng của Trung Quốc ít bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng hạt nhân Nhật Bản. Thứ hai, lạm phát của Trung Quốc có thể vượt mức 5% trong tháng Ba. Thứ ba, chính sách tiền tệ của Trung Quốc có thể vẫn sẽ theo xu hướng thắt chặt trong nửa đầu năm nay…Ông dự đoán rằng, Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh trong quý đầu năm nay và đạt mức 9,7% nhờ đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm dần trong các quý tiếp theo do kết quả của các biện pháp thắt chặt.

0 Nhận xét :

Đăng nhận xét