8/4/11

Ảnh hưởng khi chính phủ Mỹ ngừng làm việc

Nếu chính quyền Obama ngừng hoạt động từ 3 tuần trở lên, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
 
Các nhà kinh tế cảnh báo nếu đến ngày 8/4 Quốc hội Mỹ vẫn không giải quyết được vấn đề ngân sách cho 6 tháng còn lại của tài khóa 2011, khoảng 800.000 viên chức của các cơ quan liên bang phải nghỉ việc không lương, gây tổn thất khoảng 2 tỷ USD mỗi tuần và làm ảnh hưởng đến nền kinh tế thông qua các hoạt động như thanh toán thế chấp, mua bán hàng ngày, du lịch và các hoạt động giải trí.

Việc cắt giảm các dịch vụ của chính phủ có thể làm tê liệt các doanh nghiệp nhỏ hoạt động nhờ trợ cấp của chính phủ, trong khi Phố Uôn mất định hướng do thiếu đi những thông tin cập nhật các dữ liệu kinh tế quan trọng. Các công viên quốc gia từ Grand Canyon đến Yellowstone sẽ phải đóng cửa, làm ảnh hưởng đến các nhà hàng, khách sạn và các cửa hiệu mà phụ thuộc vào lượng khách du lịch.


Tuy nhiên, giám đốc đặc trách kinh tế vĩ mô Gus Faucher của Moody's Analytics cho biết việc đóng cửa chính phủ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn sẽ không gây ảnh hưởng kéo dài. Ông nói: “Nếu việc này chỉ diễn ra trong vài ngày, một tuần hoặc dưới một tuần, nó sẽ không tác động nhiều về mặt kinh tế”.

Trong khi đó, các nhà kinh tế tại Nomura Securities tính toán lần đóng cửa chính phủ kéo dài 3 tuần trong năm 1995 đã làm giảm tốc độ tăng trưởng tính theo quý khoảng 0,09-0,17% mỗi tuần. Thống kê của chính phủ Mỹ cho thấy tổng thiệt hại của lần đóng cửa năm 1995-1996 lên tới 1,4 tỷ USD.

Từ tài khóa 1977 đến 1980, chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa 6 lần và mỗi lần kéo dài từ 8 đến 17 ngày. Từ tài khóa 1981 đến 1995, chính phủ Mỹ bị đóng cửa đến 9 lần, nhưng mỗi lần kéo dài không quá 3 ngày.

Lần chính phủ đóng cửa dài nhất là dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, với 21 ngày ngừng hoạt động. Ngoài việc các viên chức của các cơ quan liên bang phải nghỉ việc, hệ lụy của vụ đóng cửa này là việc xử lý thị thực, hộ chiếu và đơn gửi lên các cơ quan chính phủ bị chậm lại; hơn 600 điểm thu gom rác trên toàn nước Mỹ không hoạt động; tất cả các viện bảo tàng quốc gia và 368 công viên quốc gia bị đóng cửa khiến ngành du lịch và ngành hàng không mất khoảng 9 triệu du khách.

Tổng thống Barack Obama cùng đảng Dân chủ đang đề nghị cắt giảm ngân sách 73 tỷ USD, trong đó có các chương trình rất được quan tâm nhưng trừ các chương trình cần thiết cho việc tăng trưởng kinh tế, như giáo dục, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển.

Ngày 7/4, Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật cấp kinh phí cho chính phủ liên bang hoạt động thêm một tuần nữa, đến ngày 15/4 và cấp kinh phí cho Bộ Quốc phòng hoạt động đến hết năm tài chính hiện nay, kết thúc vào ngày 30/9. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã lên tiếng đe dọa rằng Tổng thống Obama sẽ phủ quyết dự luật nếu Thượng viện cũng thông qua dự luật đó.

Ngay sau khi Hạ viện thông qua dự luật nói trên, Chủ tịch Hạ viện John Boehner và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện là Thượng nghị sỹ Dân chủ Harry Reid đã thông báo với báo giới rằng buổi làm việc ngày 7/4 của họ với Tổng thống Obama không đạt được thỏa thuận về cung cấp kinh phí cho chính phủ đến hết tài khóa 2011 hiện nay.

Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa hiện vẫn có quan điểm khác nhau về cắt giảm chi tiêu và các đề mục cắt giảm chi tiêu. Một nguồn tin của Đảng Dân chủ cho biết quy mô cuối cùng của khoản cắt giảm chi tiêu đối với thời gian còn lại của tài khóa hiện nay có thể sẽ gần với đề xuất 33 tỷ USD mà Đảng Dân chủ đưa ra hơn là đề xuất cắt giảm 40 tỷ USD của đảng Cộng hòa.

0 Nhận xét :

Đăng nhận xét