Thông thường cách chúng ta tiêu tiền cẩn trọng đến đâu phụ thuộc và độ khó trong kiếm tiền. Tiền kiếm càng dễ thì ra đi càng dễ, tiền kiếm càng khó thì ra đi càng khó. Vì vậy, ta có thể thông qua cách một người tiêu tiền để dự đoán được anh ta có gặp khó khăn trong việc kiếm tiền hay không.
Tất nhiên ta phải hiểu rằng khó hay dễ không phải là tuyệt đối. Cũng giống như việc bạn hoàn thành cự ly chạy 10 km một cách khó khăn còn người khác thì lại dễ dàng vậy. Khó hay dễ là phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người vì vậy cách mà họ đối xử với đồng tiền cũng khác nhau.
Tiền vay cũng tạm coi là một dạng tiền dễ kiếm. Mặc dù rằng ta có thể phải rất khó khăn để kiếm tiền trả nợ nhưng lúc cầm đồng tiền vay thường ít khi ta nghĩ tới lúc đó mà chỉ đơn giản rằng đó là tiền dễ kiếm.
Tiền vay có rất nhiều dạng, nó có thể dưới dạng tiền mà nó cũng có thể ẩn chứa dưới dạng tình cảm; đặc biệt là nợ tình cảm.
Hai năm trở lại đây nếu bạn vào shop Thế Giới Di Động hay điện máy Trần Anh sẽ thấy nhân viên rất ư là lễ độ. Họ sẽ cúi chào bạn với tay để ở trái tim. Thực ra tâm lý chung của người Việt là không thoải mái trước sự phục vụ của người khác do vậy thực tế là bạn sẽ không cảm thấy thoải mái lắm. Nhưng đó là cách bạn tiêu khoản vạy còn chính thức là bạn đã nhận một khoản nợ, một món nợ ân tình nho nhỏ. Nó khiến bạn khó mà bước ra khỏi cửa hàng mà không mua một cái gì đó. Giả sử như bạn không mua gì thì vào một lúc nào đó trong tương lai bạn sẽ mua để trả nợ.
Bạn thấy đã phải trả một khoản vay mà không nhận được giá trị lúc tiêu. Về lý bạn sẽ phải cảm thấy con người mình được nâng lên, cảm thấy được tôn trọng từ đó cảm thấy một chút thoải mái, vui vẻ. Nhưng thực tế là không, ít nhất là với đa số chúng ta.
Khi một người khách bước chân vào cửa hàng, người bán hàng phải ngay lập tức nghĩ tới việc tạo ra một món ân tình ở nơi người khách. Đó là sự chào hỏi niềm nở, hỏi han xem khách có cần gì không, trả lời mọi câu hỏi một cách nhiệt tình, khen con bé đi theo khách; thậm chí là khách có bước chân ra mà không mua gì thì cũng vẫn phải vui vẻ. Quan trọng là khách đã mắc một món nợ, họ có thể trả lúc này hoặc lúc khác, tự họ trả hoặc trả qua người khác.
Tuy nhiên khách hàng cũng có một ý thức về việc này, họ sẽ tránh vào những cửa hàng phải nhận những món nợ một cách miễn cưỡng. Mong muốn cuối cùng của khách là giá trị nhận được chứ không phải là những thứ phù phiếm bên ngoài. Bạn sẽ quay lại Thế giới di động nếu đúng giá ở đó tốt thật, còn không bạn sẽ có xu thế tới cửa hàng mà bạn không phải chịu nợ.
Con người thường dễ quen với những tiêu chuẩn mới. Rồi một lúc nào đó bạn sẽ thấy rằng việc người bán hành xử như vậy là một lẽ đương nhiên phải vậy. Bạn sẽ chẳng cảm thấy một chút cảm động nào.
Tuần rồi đi ăn quán lẩu nướng ở đường Thanh Xuân mới thấy đến người ăn xin cũng ngày càng pro hơn trong công việc của mình:
- Một anh trông có vẻ lành lặn nhưng giả bị down đi tới quỳ xuống giơ tay lên. Chỉ khi từ chối đến 5 lần thì may ra mới được buông tha còn không cứ quỳ đấy. Người ta phải cho tiền để mau mau chóng chóng thoát khỏi cái cảnh được tôn vinh không mong muốn.
- Một cô cũng có vẻ sạch sẽ, bế theo một đứa trẻ bán kẹo cao su. Những người có con tầm tuổi đó lần đầu chắc chắn sẽ cảm động mà phải cho tiền.
- Một chàng thanh niên đẩy một cái loa rất to, dừng xịch lại, mở và hát oang oang. Một anh trong nhóm đó sẽ đi từng bàn để bán cũng mấy đồ tương tự. Khách phải nghe nhạc sống không mong muốn rồi với tâm lý mắc nợ sẽ phải mua một cái gì đó. Ngay cả cái thể loại nhạc sống này cũng có nhiều cấp độ, bằng chứng là một lúc sau hai con bé đẩy một cái loa bé bằng cái cặp em học sinh, cũng dừng lại hát như ai.
Chỉ 2 giờ ăn tại quán được trải nghiệm hầu hết các thể loại. Từ chỉ đơn giản là ngửa tay xin tiền tới cao cấp nhất là nhạc sống xin tiền. Nhưng mà cái thằng xin được nhiều nhất không phải là thằng đầu tư nhất mà là thằng xin đúng lúc, đúng chỗ nhất.
Bạn có thấy thoải mái khi đi dự đám cưới không? Hầu hết là không vì thường bạn phải ngồi với những người lạ, nói dăm ba câu cho có chuyện, ăn cho nhanh rồi đứng dậy cắp đít đi về. Tới lúc chính mình hoặc con mình cưới thì lại mời người khác và họ lại cảm thấy y như bạn đã cảm thấy.
Mục đích mừng đám cưới là để cho chú rể và cô dâu có một số vốn nho nhỏ bắt đầu một cuộc sống mới. Tuy nhiên thực tế là tất cả chúng ta đã bị mất 75% để trả cho một sự không thoải mái (chi phí cho nhà hàng). Khi đi ăn ở một đám cưới là bạn vừa “trả nợ” vừa “cho vay”. Vòng lặp này cứ liên miên khiến một cặp cô dâu chú rể nào đó không thể tổ chức đám cưới mà không có ăn uống được (mặc dù họ rất muốn đơn giản vì quá mệt). Bạn đưa họ 500.000 sẽ tốt hơn là bạn ăn 300.000 không thoải mái và cô dâu chú rể được 200.000.
Nhớ hồi còn cắp sách ở giảng đường đại học. Lúc đó khi nghĩ tới đám cưới là thấy nản lắm, mặc dù còn chưa có người yêu. Hồi đó lại còn có phong trào cưới theo nếp sống mới. Đám cưới được tổ chức ở nhà văn hóa phường/xã, khách tới chỉ ăn kẹo bánh uống trà rồi về. Nay thì chẳng còn ai nói gì tới chuyện cưới xin nếp sống mới đó nữa. Nhà hàng mọc lên khắp nơi, phong bì cũng tăng theo giá mâm cùng tỷ lệ lạm phát.
Những món nợ ân tình có thể giết chết tình bạn, tình yêu. Bạn mời bạn thân đi ăn trưa và tranh trả tiền vì thực sự là bạn thấy đáng phải thế. Bạn giành giật việc trả tiền cho bằng được. Người bạn cảm thấy không thoải mái vì anh ta bị mang một món nợ ân tình, anh ta sẽ không muốn đi ăn cùng bạn nữa. Tệ hơn nữa là thực tế trong thâm tâm bạn nghĩ rằng bữa ăn nên được chia 2 nhưng bạn cứ nhất quyết là mình trả theo cái sĩ diện, sau đó bạn lại trách bạn mình không chia sẻ chi phí bữa ăn.
Người quen của bạn mở một cửa hàng ăn uống. Bạn tới đó ăn với mục đích ủng hộ bạn mình. Lúc đứng lên anh ta bảo không tính tiền, hoặc là giảm 25% vì người quen. Bạn có thấy thoải mái không? chắc là không, bạn sẽ không quay lại đó ăn nữa vì không muốn mắc nợ. Động cơ của chủ quán rất tốt nhưng kết quả thì không tốt. Cũng ở trạng thái tệ hơn, chủ quán tính tiền cho bạn như những người khách khác, bạn lại trách chủ quán chẳng giảm giá vì người quen và sau đó không thèm quay lại nữa. Túm lại, con người rất là mâu thuẫn.
Càng nhiều mối quan hệ thì càng dễ mắc nợ tình cảm. Người ta đến chúc tết mình chẳng nhẽ mình lại không đến chúc tết người ta. Người ta mời mình đến nhà ăn thì chẳng nhẽ mình không mời họ ngược lại. Người ta giúp đỡ mình việc A chẳng nhẽ mình lại không trả ơn họ việc B. Các món nợ ân tình mặt tích cực là nó giúp gắn kết các mối quan hệ nhưng nó cũng tiêu tốn của bạn rất nhiều thời gian và tiền.
Nợ ân tình đóng một vai trò rất quan trọng đối với những mối quan hệ vợ chồng, con cái và những mối quan hệ bạn bè thực sự cần giữ. Không nợ gì cả cũng có nghĩa là mối quan rất lỏng lẻo. Một cặp vợ chồng gắn kết thường có ý thức liên tục tạo ra các món nợ ân tình ở cả hai phía, điều này sẽ giúp họ chiến thắng các khó khăn trong cuộc sống và những cám dỗ ngoài vợ chồng. Vấn đề ở đây chỉ là tạo nợ sao cho người bên kia cảm nhận được giá trị thực, không phải giá trị ảo.
Lời khuyên :
- Ý thức rằng 100.000 cho dù có được bằng cách nào thì cũng vẫn là 100.000. Bạn không thể đối xử với nó theo cách mà bạn kiếm được.
- Cố gắng tránh xa những khoản nợ không xứng đáng. Đừng miễn cưỡng nhận nợ chỉ vì bạn không có đủ can đảm nói lời từ chối.
- Khi bạn làm cho ai một cái gì đó hãy cố gắng tạo ra giá trị thực cho họ đừng vì động cơ mong muốn được họ trả nợ trong tương lai.
- Ý thức trong tạo ra các món nợ ân tình có giá trị trong các mối quan hệ quan trọng để gìn giữ nó.
0 Nhận xét :
Đăng nhận xét