7/3/17

Chủ động và trao quyền - Bài học cuộc sống

Trong 3 tiêu chí ASK (Thái độ, Kỹ năng, Kiến thức) thì Thái độ được xếp đầu bảng bởi mức độ quan trọng và mức độ khó học. Nhà tuyển dụng trọng tâm vào tuyển người có thái độ tốt hơn là 2 yếu tố còn lại. Kỹ năng và Kiến thức có thể học vài tháng, vài năm; còn thái độ là sự tích tụ từ khi sinh ra tới nay do vậy không dễ mà thay đổi. Muốn thay đổi đòi hỏi một sự tự nhận thức rất cao.

Đầu bảng trong những thái độ quan trọng là Thái độ chủ động. Nó là thói quen đầu tiên trong 7 thói quen của người thành đạt. Nó quyết định phần lớn tới cuộc đời của chúng ta. Đã có hẳn một entry hoàn thiện bản thân phần 13 dành cho nó.
Ai trong mình cũng có một sự chủ động ở một cấp độ nào đó. Câu hỏi là Điều gì chi phối sự chủ động của ta? và Ta đang ở đâu trong các cấp độ chủ động? Hai câu hỏi này sẽ được trả lời chi tiết trong entry này.
Mỗi chúng ta đều có 2 vòng tròn như sau:
vung trach nhiem va anh huong

1. Vùng trách nhiệm :

Là những việc bạn phải làm theo từng vị trí của mình. Trong tổ chức công ty thì theo Mô tả công việc của vị trí nắm giữ. Trong Gia đình thì có mô tả bất thành văn về trách nhiệm của bố mẹ, con cái. Bước chân sang nhà người khác, vào quán cà phê, rạp chiếu phim,… thì đóng vai trò là khách của các tổ chức đó và có trách nhiệm tương ứng.
trach nhiem
Vùng trách nhiệm bao gồm 2 vòng tròn. Vòng tròn 1: Trách nhiệm mà tổ chức đó quy định và vòng tròn 2: Trách nhiệm mà mình nghĩ rằng mình phải thực hiện khi ở trong tổ chức đó (tự nhận thức). Giữa mình nghĩ và cái mà tổ chức nghĩ thường không khớp nhau.

Ví dụ: Trách nhiệm của bố mẹ là phải dạy dỗ con cái nhưng có bố mẹ lại nghĩ rằng đó là trách nhiệm của nhà trường. Nhân viên thì nghĩ rằng đó là trách nhiệm của cấp trên còn cấp trên thì nghĩ rằng đó là trách nhiệm của cấp dưới. Phòng A nghĩ rằng đó là trách nhiệm của phòng B, phòng B nghĩ ngược lại. Nhân dân thì cho rằng đó là trách nhiệm của chính phủ, chính phủ thì cho rằng đó là trách nhiệm của nhân dân.
Thực tế không có sự mập mờ như thế. Mỗi một tổ chức, gia đình, xã hội, công ty,.. đều có những quy định thành văn hoặc bất thành văn về trách nhiệm của mỗi một vị trí trong tổ chức đó phải đảm nhận. Trách nhiệm coi là chuẩn mực phải là trách nhiệm được quy định bởi tổ chức, không phải là trách nhiệm tự nhận thức.
Mở rộng ra thì chúng ta thuộc về tổ chức Việt Nam nên có trách nhiệm công dân. Chúng ta cũng là một thành phần của nhân loại nên có trách nhiệm của một con người. Chúng ta cũng là một cơ thể sống giống như mọi sinh vật khác nên cũng có trách nhiệm trong các quy luật của tự nhiên. Quy luật chuỗi thức ăn, quy luật sinh tồn, quy luật sinh tử, quy luật nhân quả, quy luật giống nòi…

2. Vùng ảnh hưởng
Gây ảnh hưởng là tác động vào một sự vật, hiện tượng nào đó làm thay đổi sự vật, hiện tượng đó. Ví dụ bạn có thể đập vỡ một cái cốc, đá văng quả bóng, đập đầu lõm tường, lên gối thằng hàng xóm, cho tiền ăn xin nhưng không thể làm gì với mặt trăng, mặt trời, tổng thống mỹ,…
Ở công ty, bên cạnh Trách nhiệm ta có Thẩm quyền tương ứng với vị trí đó. Ở gia đình ta có trách nhiệm làm bố mẹ thì ta cũng có thẩm quyền ở vị trí bố mẹ.
Thẩm quyền như một dạng năng lực để thực hiện trách nhiệm. Năng lực đó có thể tự thân ta có hoặc là do tổ chức trao cho. Ảnh hưởng xuất phát từ năng lực bản thân gọi là tầm ảnh hưởng mềm. Ảnh hưởng xuất phát từ vị trí trong tổ chức gọi là ảnh hưởng cứng.
Một nhân viên được tín nhiệm trong một công ty có thể có tầm ảnh hưởng cao hơn cả quản lý của anh ta. Một người làm quản lý ở một công ty nhưng có sự tín nhiệm không đủ có thể kém hơn cả vị trí nhân viên. Sự tín nhiệm xuất phát từ 4 năng lực của bản thân anh ta tùy thuộc vào mỗi sự việc.
Mở rộng ra thì ta có trách nhiệm là công dân của đất nước thì có quyền công dân. Ta là con người nên có năng lực của một con người (trí óc, thể xác) để thực thi trách nhiệm của một con người.
Như ta thấy là cả Trách nhiệm và Ảnh hưởng đều có nội dung liên quan tới việc tự ý thức. Khi ta không ý thức được trách nhiệm của mình thì không thể hoàn thành trách nhiệm của mình. Khi ta không ý thức được Ảnh hưởng của mình thì không phát huy được hết sức mạnh của bản thân.
Chúng ta sẽ làm việc hiệu quả nhất khi ý thức trách nhiệm, trách nhiệm theo vị trí và vùng ảnh hưởng trùng khít nhau. Khi đó ta ý thức được hoàn toàn trách nhiệm tại vị trí mà tổ chức giao cho mình và ta có đủ khả năng để thực hiện trọn vẹn trách nhiệm đó.
Chúng ta sẽ phát triển lên vị trí cao hơn khi ý thức về trách nhiệm lớn hơn trách nhiệm theo vị trí. Hoặc bằng cách luôn cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng.

Các cấp độ chủ động:
Bình thường nếu mọi việc diễn ra vốn như nó vẫn diễn ra thì không thể xác định được cấp độ chủ động. Chỉ có thể phân biệt ra làm hai loại: Làm mà không cần nhắc và Làm phải nhắc.
Tương tự như tính dũng cảm. Bình thường đang trời yên biển lặng thế này thì làm sao biết được ai dũng cảm, ai không. Làm sao bạn có thể đánh giá một ai đó là trung thực, chính trực, liêm khiết, người bạn thân nhất, người chồng tuyệt vời, người cha mẫu mực,… khi mà bạn chưa từng chứng kiến cách họ phản ứng trước tình huống thử thách đức tính đó?
Muốn phân cấp được tính chủ động thì phải có Vấn đề làm thuốc thử.
Ví dụ trong tình huống dưới. Vấn đề ở đây được định nghĩa là ” Nếu bạn không rẽ trái tại điểm C thì bạn sẽ đâm xuống ruộng”. Nguyên nhân chỗ đó chỉ có một lối đi rẽ trái. Giải pháp là phải vặn vô lăng sang trái một mức nào đó tại điểm C để có thể rẽ. Người chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề là bạn vì bạn đang cầm lái. Điểm B là điểm deadline bạn phải quyết định sẽ thực hiện giải pháp gì, điểm C là điểm bạn phải thực hiện nếu không sẽ lĩnh hậu quả tại điểm D.
cac cap do chu dong 5

Cấp độ 1: Không nhìn thấy vấn đề
Việc nhìn ra điểm C liên quan tới tầm nhìn và khả năng muốn nhìn của bạn. Điểm A càng xa thì bạn càng có tầm nhìn xa. Càng sát điểm B thì tầm nhìn càng thấp, thường là do ta không muốn nhìn.
Khi ông lái xe không ý thức được rằng trách nhiệm của ông là phải phát hiện ra các vấn đề phía trước để xử lý nhằm đưa xe từ điểm A tới điểm B an toàn thì ông ta có khi còn mải xem điện thoại, ngắm cảnh bên đường. Không hẳn ông ta không có khả năng nhìn ra chỗ rẽ mà vì ông ta không quan tâm.

Cấp độ 2: Thấy nhưng mặc kệ
Nguyên nhân xuất phát từ việc không ý thức được đầy đủ trách nhiệm của mình. Đáng nhẽ ngành giao thông nên nắn con đường thẳng ra, nhà sản xuất ô tô phải thiết lập chế độ tự rẽ, trách nhiệm rẽ là thuộc về hành khách, cảnh sát giao thông phải nhắc ta rẽ,….
Người ở cấp độ này chắc chắn mắc bệnh hay đổ lỗi và là dấu hiệu của một người có thái độ tiêu cực.
Ý thức được trách nhiệm nhưng vì mình không phải là người chịu hậu quả nên có khi cũng mặc kệ. Yên tâm, đâm đã có bảo hiểm, công ty chi tiền.

Cấp độ 3: Thấy và xin ý kiến
Alo, giám đốc đó ạ, đường phía trước đột nhiên không thẳng, tôi không rõ là nó đi đâu, tôi xin ý kiến chỉ đạo?
Alo, sếp ạ, đường phía trước đột nhiên rẽ sang trái, tôi không biết phải làm gì, tôi nên làm gì bây giờ?
Alo, sếp ạ, đường phía trước đột nhiên rẽ sang trái, tôi nghĩ là do bọn giao thông làm không đến nơi đến trốn, tôi nghĩ rằng sếp nên ý kiến với chính phủ về việc này. (đếch quan tâm tới hậu quả trước mắt, chỉ quan tâm tới tới cái đâu đâu)

Cấp độ 4: Thấy, tìm giải pháp và đề xuất
Alo, sếp, em thấy có chỗ rẽ trái, em thấy có 4 khả năng: rẽ trái, rẽ phải, dừng lại và đi thẳng. Sếp cho ý kiến chỉ đạo là em nên làm gì trong 4 khả năng đó ạ?
Alo, sếp, em thấy có chỗ rẽ trái, em quyết định sẽ vặn vô lăng ở điểm phải rẽ. Sếp cho ý kiến chỉ đạo là em có nên rẽ không ạ?

Cấp độ 5: Thấy và thực hiện
Cấp độ 4 là ông lái xe không ý thức được hết thẩm quyền của mình hoặc không tự tin vào quyết định của mình.
Cấp độ 5 là ông thấy vấn đề, tìm giải pháp và tự thực hiện không cần hỏi ý kiến các sếp nhờ vậy các quyết định được thực thi nhanh hơn, không mất thời gian trao đổi với sếp.
Việc tự thực hiện cũng phải đi đôi với sự trao quyền của người lãnh đạo. Một nhân viên có tính chủ động cấp độ 5 nhưng không được trao quyền chủ động rẽ mà phải xin ý kiến trước khi rẽ thì anh ta chỉ có thể dừng ở cấp độ 4.

Cấp độ 6: Đề xuất mang tính hệ thống
Tại sao chỗ đó không gặp vật cản gì mà đường lại ngoắt sang bên trái? Chỗ rẽ đó quá nguy hiểm do đường hẹp, thiếu biển báo,…cần phải báo cáo công ty để công ty làm việc với bên giao thông.
(1 tháng sau) Mình đã đề xuất việc cần cắm các biển cảnh báo mà hiện vẫn chưa thấy, mình cần phải hỏi lại phía công ty để thúc đẩy nhằm đảm bảo rằng biển báo phải được cắm ở đây.
Ở cấp độ này, ông lái xe đã làm quá ra ngoài khỏi vòng tròn trách nhiệm. Điều này có hai mặt:
Mặt 1: Nếu vùng đó vẫn nằm trong tầm ảnh hưởng của ông ta thì đề xuất của ông ta có thể mang lại giá trị thực sự là biển báo được cắm.
Mặt 2: Nếu vùng đó nằm ngoài tầm ảnh hưởng của ông thì đề xuất chẳng đi tới đâu. Ông ta dễ trở thành chuyên gia oán trách, mắc bệnh đổ lỗi; mất tập trung vào trách nhiệm chính. Hoặc nếu không đủ năng lực để xác định vấn đề, đưa ra giải pháp thì dễ trở thành đề xuất nhảm nhí, mất thời gian của người khác.
Do vậy đạt cấp độ này đòi hỏi phải đi đôi với cả năng lực tương ứng thì mới biến thành giá trị được.
Kết luận:
Điều kiện ảnh hưởng tới tính chủ động:
1. Khả năng ý thức về trách nhiệm của bản thân.
2. Tầm ảnh hưởng: mềm theo năng lực cá nhân và cứng theo vị trí trong tổ chức.
Các cấp độ chủ động:
1. Không nhìn ra vấn đề: Do vấn đề đó nằm ngoài ý thức về trách nhiệm của mình
cap do chu dong
2. Thấy nhưng mặc kệ: Do không ý thức được đầy đủ trách nhiệm của mình. Cho rằng việc xử lý vấn đề là của người khác.

3. Thấy và xin ý kiến: Không ý thức được hết trách nhiệm của mình
4. Thấy, tìm giải pháp và đề xuất: do vượt quá tầm ảnh hưởng, không được trao quyền
5. Thấy và thực hiện: ý thức được đầy đủ về trách nhiệm và tầm ảnh hưởng. Được trao quyền đầy đủ.
6. Đề xuất mang tính hệ thống: Vấn đề nằm ngoài trách nhiệm về vị trí nhưng nằm trong tự ý thức về trách nhiệm. Đề xuất đúng sau đó theo đuổi tới cùng đề xuất là đỉnh cao của cấp độ này.

0 Nhận xét :

Đăng nhận xét