7/3/17

Bàn về yếu tố may rủi ở đời

Mới sáng hôm qua ở Long Biên – Hà Nội có vụ xe Camry đâm xe làm 3 người chết, trong đó có 1 cháu nhỏ. Một sự kiện xảy ra ngoài ý muốn của tất cả mọi người: chủ xe, lái xe, 3 người gặp nạn, nhà cửa quanh chỗ xảy ra tai nạn. Sự kiện là một rủi ro, ảnh hưởng rất nặng lề tới những người trong cuộc.

Bảng dưới là thống kê tình hình giao thông từ 2011 tới 2015:
Toan-canh-giao-thong-2015-1
Chúng ta thấy bất chấp việc cải thiện hạ tầng giao thông, tăng cường xử phạt thì số người chết vì tai nạn giao thông vẫn không thay đổi gì nhiều. Điều này có nghĩa rằng sự kiện tai nạn đó nếu không xảy ra tại Long Biên thì sẽ xảy ra tại một địa điểm khác hoặc từ nhiều địa điểm khác có tổng người chết và bị thương tương ứng.
Ngay cả số tiền xử phạt cũng không có thay đổi gì nhiều, tuy nhiên có thể được giải thích thông qua cơ chế khoán của CA. Số liệu người chết thì tôi không nghĩ là người ta lại bóp méo để đảm bảo rằng năm sau không cao hơn năm trước.
Điều này làm ta liên tưởng tới một vị thần nào đó trên trời khoán cho Việt Nam mỗi năm phải cống nạp bao nhiêu người bằng con đường tai nạn giao thông. Thậm chí nếu thống kê tổng số người chết vì tất cả các nguyên nhân thì có khi con số tổng cũng không thay đổi.
Nhìn ở vế ngược lại, số người gặp vận may cũng được phân bổ xuống (giống như vậy rủi vậy). Giả sử một công ty có 1 vị trí ngon, bạn không được tuyển dụng vào thì người khác cũng sẽ được tuyển dụng vào. Một căn nhà giá rẻ bất ngờ, bạn không mua được thì người khác cũng sẽ mua được. Hôm nay bạn không trúng đề thì người đánh khác sẽ trúng và cho dù thế nào thì chủ đề cũng thu được tiền.
Vậy thì yếu tố may rủi ảnh hưởng gì tới cá nhân mỗi chúng ta? Càng về già bạn sẽ càng chiêm nghiệm rằng trong cuộc đời này cho dù hàng ngày chúng ta gặp rất nhiều sự kiện khác nhau, cả xấu và tốt, thì cũng chỉ có 1 hoặc 2 sự kiện đặc biệt quan trọng khiến ta bi đát như ngày nay hoặc nở hoa như bây giờ.
Sự kiện đó có thể ta gặp được một người bạn tốt hoặc xấu, gặp một người sếp tốt hoặc xấu, lấy được chồng/vợ tốt hoặc không mua hoặc không mua một vật dụng nào đó,….Sau đó là cách chúng ta phản ứng với sự kiện cũng rất đặc trưng. Một số sự kiện phụ trợ sau đó thêm mắm thêm muối khiến cho hậu quả càng ghê gớm hơn hoặc kết quả càng mỹ mãn hơn.
1. Một sự kiện gọi là may rủi khi nó đảm bảo 3 tiêu chí sau:
  • Sự kiện xảy ra độc lập so với chủ thể (là ta)
Xét trong vụ tai nạn tại Long Biên, chuỗi sự kiện của 3 người bị nạn hoàn toàn độc lập so với chuỗi sự kiện của người lái xe và các tác nhân khác (chiếc xe máy, ô tô đậu). Chuỗi sự kiện có thể tính trong ngắn hạn hoặc có thể tính từ lúc chào đời của từng đối tượng trong sự kiện. Chỉ 1 sự kiện nào đó trong chuỗi sự kiện đó thay đổi thì có khi vụ tai nạn đã không xảy ra vào lúc đó (nhưng có thể vào lúc khác).
Một người lao đầu xuống sông tự tử và bị chết thì đó không gọi là không may mắn vì rõ ràng sự kiện có sự quyết định của chính anh ta. Trước kỳ thi không học gì cả, bị điểm xấu thì không thể gọi là không may.
su kien may rui
  • Sự kiện may rủi sẽ mang lại một kết quả tiểm ấn tốt hay xấu đủ lớn
Đủ lớn ở đây được hiểu là sự kiện đó phải ảnh hưởng tới cuộc đời ta. Nếu tính cả việc hôm nay may mắn ăn được tô phở ngon khiến lòng phấn chấn thì có mà liệt kê cả ngày.
Đi giữa đường hết xăng. Nếu như sự kiện đó không khiến bạn nỡ một cuộc hẹn phỏng vấn quan trọng mà chỉ là về muộn hơn ngày thường một chút thì không đáng gọi là sự kiện may rủi.
Tiểm ẩn là khả năng có xác xuất cao xảy ra. Ví dụ trước kỳ thi ta không học gì cả thì tiểm ẩn một rủi ro rất cao là sẽ bị thi trượt. Thực tế ta lại được điểm cao thì đó là ta đã gặp may, còn nếu ta bị điểm xấu thì đó không phải ta gặp vận rủi.
Một người lao đầu xuống sông tự tự tiểm ẩn nguy cơ rất cao là chết đuối. Nếu anh ta chết đuối thật thì đó không gọi là không may, nhưng nếu bỗng nhiên lúc đó lại có người bơi rất giỏi cứu anh thì anh ta đã gặp may.
Trong quản lý rủi ro bản thân, ta cố gắng hạn chế tối đa hậu quả của một sự kiện có rủi ro tiềm ẩn hậu quả lớn. Trong quản lý vận may của bản thân, ta cố gắng tăng tối đa một sự kiện may mắn có tiềm ẩn lợi ích lớn. Nếu giỏi ra ta có thể biến rủi ro thành cơ hội, biến một rủi ro có tiềm ẩn hậu quả lớn thành một sự kiện mang lại lợi ích lớn. Mà nếu dốt thì ta có thể biến một cơ hội thành rủi ro, biến một cơ hội có tiềm năng mang lại lợi ích lớn thành trái đắng.
  • Sự kiện có các yếu tố không thể dự đoán trước
Ta biết chắc là nếu như cứa miếng thủy tinh kia vào da thì sẽ chảy máu. Ta thử cứa và đúng là chảy máu thật, đó không phải là không may. Nhưng một đứa trẻ chưa biết tới việc này và nó bị chảy máu thì đó là sự không may, nhưng đó cũng là may mắn vì nó đã học được một bài học để tương lai không thử chọc dao vào bụng.
Ta biết chắc vị trí đó trong công ty sẽ có mức thu nhập rất cao. Ta cố gắng phấn đấu vào vị trí đó và được hưởng mức thu nhập cao thật, đó không phải là sự may mắn vì ta đã biết trước điều đó rồi.
Tập thể thao đều đặn mang lại sức khỏe, điều này khỏi phải bàn cãi. Đối với những người tập thể thao đều thì sức khỏe họ sở hữu là đương nhiên, họ không coi mình đã có may mắn có một sức khỏe tốt.
tieu chi may rui
Quản trị rủi ro giống như việc phòng và chống cháy. Phòng cháy là việc ta dự đoán các tình huống có thể xảy ra cháy và tìm mọi cách để tình huống đó không xảy ra. Chống cháy là việc ta dự đoán tất cả các tình huống chữa cháy và ứng dụng ngay một biện pháp phù hợp khi đám cháy xảy ra. Tuy nhiên, có những tình huống không thể dự đoán, độc lập với chủ thể, tiểm ẩn kết quả lớn vẫn cứ xảy ra. Ví dụ như đúng thời điểm cháy có một trận mưa rất lớn dập tắt đám cháy. Khóa cửa bị trục trặc không thể mở cả từ trong và ngoài khiến người trong nhà không thể thoát ra……
Entry này không phải là entry hướng dẫn bạn về quản trị rủi ro mà giúp bạn ý thức được vai trò của may rủi trong cuộc sống. Khi ý thức được bạn sẽ để ý hơn và tận dụng cũng như phòng tránh tốt hơn. Xét theo xác xuất, mỗi chúng ta trong cuộc đời nhận được những vận may và vận rủi có kết quả tiềm ẩn như nhau nhưng cách chúng ta đối phó với nó khác nhau vì vậy có cuộc đời khác nhau.
2. Khả năng tận dụng được sự may rủi
su kien may rui 2
Người ta bảo trong nguy có cơ và trong cơ có nguy. Trong nguy hiểm luôn ẩn chứa cơ hội mà trong may mắn luôn ấn chứa rủi ro. Nó cho thấy rằng cách người ta đối mặt với các sự kiện định hình lên một sự kiện là tốt hay là xấu. Một sự kiện có kết quả tiềm ẩn (nguy cơ) rất xấu so với người này lại có thể là may mắn đối với người khác.

Chiếc xe bạn bị xịt lốp là rủi ro của bạn nhưng lại là may mắn của ông vá lốp. Ngày hôm đó ông ý đã vá được thêm một cái lốp nhờ bạn gặp rủi ro xịt lốp. Sự kiện xịt lốp tiềm ẩn việc bạn trễ hẹn và tốn tiền nhưng nó cũng có thể là một sự kiện may mắn khi bạn đã không xuất hiện đúng cái điểm vào đúng cái lúc mà một xe ô tô mất lái lao qua.
Trên thị trường chứng khoán, người này gặp may trúng lớn thì người khác sẽ gặp rủi thua đậm. Thời điểm nhận kết quả khác nhau nhưng nếu xét trong một khoảng thời gian đủ lớn thì thắng và thua là cân bằng.
Các sự kiện may rủi đến một cách cân bằng, chúng ta không cố gắng chống lại quy luật của tự nhiên và xã hội làm gì. Cái chúng ta có thể làm đó là biến những sự kiện cho dù rủi hay may thành những kết quả tốt nhất có thể, đó là ô III và ô IV.
3. Các quy tắc để có kết quả tốt từ những sự kiện may rủi.
( Cái này tôi lấy từ các nguyên tắc trong cuốn “Vĩ đại do lựa chọn” áp dụng cho DN. Thấy cũng đúng với cá nhân nên chuyển qua )
– Sợ hãi hữu ích:
Là việc chúng ta nhìn một tình huống ở góc độ biết sợ. Tôi không nói tới tâm trạng bi quan hay tư duy tiêu cực; chúng ta vẫn có thể có tư duy tích cực nhưng vẫn có sự đề phòng cần thiết.
Ta đang đi xe máy và đằng sau có một ô tô tải, con đường đông và hẹp. Nếu biết sợ ta sẽ chú ý nép vào cạnh đường thậm chí là dừng lại để cho xe tải vượt qua. Nếu không sợ thì không làm gì cả và có thể chẳng điều gì xảy ra nhưng biết đâu đấy.
Chúng ta sợ mình không xin được việc làm khi bị mất việc đột ngột nên chúng ta chịu khó học tập nâng cao năng lực. Có thể rằng mọi thứ vẫn ok cho tới khi ta về hưu nhưng biết đâu đấy.
Chúng ta sợ vợ/chồng chán ta nên ta quan tâm tới tình cảm của vợ/chồng và có những hành động thiết thực. Có thể rằng vợ/chồng ta cũng chẳng chán ta cho dù ta không làm gì nhưng biết đâu đấy.
Chúng ta sợ bị bệnh hiểm ngèo nên chịu khó tập tành thể dục thể thao, ăn uống điều đồ, hạn chế bia rượu. Có thể rằng cho dù không làm mấy điều đó thì ta cũng không bị bệnh hiểm ngèo nhưng biết đâu đấy.
Sợ hãi hữu ích không phải là cái gì cũng sợ, nếu thế thì ta sẽ bị mất tập trung vào những thứ quan trọng. Người thông minh, từng trải sợ những cái đáng sợ. Người ngu thì sợ những cái không đáng sợ và không sợ những cái thực sự đáng sợ.

– Nguyên tắc nhất quán
Chúng ta nhận được kết quả giống nhau khi làm những thứ giống nhau. Câu này thường được hiểu ở vế tiêu cực, thể hiện việc người ta không chịu thay đổi. Nhưng nếu như kết quả thực sự tốt thì cần gì phải thay đổi?
Ở trong bệnh viện một thời gian, tôi nghiệm ra rằng các tai nạn thường xảy ra trong những tình huống mà có sự thay đổi nào đó so với thường gặp. Thường là thay đổi về môi trường do không quen với các hiểm nguy ở môi trường mới nên gặp tai nạn. Cũng là hoạt động lợp mái nhà nhưng ở cái nhà mới tới có cái dây điện cao thế ngay cạnh, vác thang nhôm chạm vào đó nên bị giật điện. Cũng là hoạt động chơi của trẻ con nhưng về quê chơi bên đống rơm đang cháy nên bị bỏng. Bọn trẻ ở quê lại không bị vì nó biết chơi cạnh rơm cháy là rất nguy hiểm.
Nguyên tắc nhất quán không có nghĩa tiêu cực là bạn không bao giờ thay đổi hiện trạng. Nguyên tắc nhất quán ở đây được hiểu là bạn có một bộ các nguyên tắc ứng xử nhất quán đơn giản dễ thực hiện. Ví dụ:
  • Không về sau 9 giờ tối.
  • Không lái xe liên tục quá 4 giờ.
  • Không uống quá một lít rượu/tháng
  • Đi xe phải đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang.
  • Mỗi tháng đọc một cuốn sách
  • Mỗi năm tham gia 2 khóa học.
  • Mỗi ngày chạy 5 km.
Có những nguyên tắc giúp duy trì hiện trạng và cũng có những nguyên tắc khiến bạn tiến lên một cách chậm rãi.
– Sáng tạo từ sự trải nghiệm bản thân
quy tac
Rất nhiều người trong chúng ta hành xử theo kinh nghiệm của người khác. Lấy ví dụ như uống thuốc theo lời khuyên của bạn bè, chọn chồng theo lời khuyên của mẹ, chọn việc theo lời khuyên của bạn nhậu,…..Ngay cả trong những tình huống mà tự chúng ta cảm thấy có gì đó không ổn và muốn một lựa chọn khác thì chúng ta vẫn cứ bị cuốn theo những lời khuyên của người khác vì cảm thấy an tâm hơn.

Phản ứng đầu tiên của chúng ta ngày nay khi gặp bất cứ vấn đề gì là hỏi anh google. Hành vi này khiến chúng ta ngày càng phụ thuộc vào bên ngoài thay vì xây dựng củng cố từ bên trong. Mỗi chúng ta là một chủ thể độc lập và được tạo hóa ban cho một số khả năng nhất định, chúng ta đủ năng lực để tự quyết trong những tình huống khẩn cấp. Nếu như ta có nghe lời khuyên của người khác thì đó chỉ nên ở mức tham khảo mà thôi.
Người ta càng về già thì kinh nghiệm càng nhiều và càng biết cái gì là tốt cho bản thân. Người trẻ bên cạnh việc chưa có kinh nghiệm còn gặp khó khăn là sống lên trong thời mà cha mẹ rất quan tâm tới họ thường ban phát lời khuyên theo chủ quan của họ. Vì vậy thế hệ 9x sẽ khá thiệt thòi về điểm này.

Kết luận:
  • Trong cuộc sống có những quy luật nhân quả rất rõ ràng. Nếu bạn gieo một nhân tương ứng với một quả và nhận quả thì đó không gọi là may rủi, đó là tất định. Khó khăn là gieo nhân đòi hỏi sự nỗ lực lớn trong một khoảng thời gian dài nên con người dễ bỏ cuộc. Lấy ví dụ như ai cũng biết sức khỏe là quan trọng, để có sức khỏe thì phải tập tành thể thao đều đặn nhưng có mấy ai làm được. Hoặc ai cũng biết đọc sách là quan trọng nhưng có mấy ai đọc sách đâu.
  • Cuộc sống ban phát các sự kiện may rủi một cách đồng đều. Mức độ sẵn sàng tiếp nhận sẽ quyết định sự thành hay bại của mỗi người. Ví dụ mỗi người chúng ta đều sống trong đất nước Việt nam này nên chịu ảnh hưởng như nhau về các vấn đề môi trường, kinh tế, chính trị, xã hội. Mỗi người chúng ta cũng nằm trong một công ty nào đó mà tất cả mọi người khi bước chân vào công ty đều như nhau trước công ty nhưng theo thời gian chúng ta đi vào các cấp bậc khác nhau.
  • Vì các sự kiện may rủi không thể dự đoán, khách quan với chủ thể nên ta phải đưa mình vào trạng thái sẵn sàng để cho dù điều gì xảy ra ta cũng sẽ tiếp nhận tốt. Xây dựng cho mình một trạng thái biết sợ hữu ích, xây dựng một bộ nguyên tắc đơn giản để tuân thủ và biết dựa vào chính mình là những điều cần phải học và áp dụng.
  • Trong 3 điều thì tôi cho rằng Biết sợ hữu ích đóng vai trò rất lớn. Trong cuộc sống chúng ta thấy là chính rủi ro đôi khi mang lại niềm vui. Lấy ví dụ như những người đua xe, leo núi, lặn biển,….không phải là họ không ý thức được nguy hiểm mà chính nguy hiểm mang lại cho họ sự phấn khích. Trong kinh doanh có câu ” Lợi nhuận tỷ lệ thuận với mức độ rủi ro” hàm ý rằng an toàn và tiền bạc không đi đôi với nhau. Sợ hãi hữu ích không ngăn bạn làm những việc nguy hiểm, nó chỉ nhắc bạn là nếu bạn có leo núi thì hãy chuẩn bị sẵn các dụng cụ cần thiết để bất cứ rủi ro nào xảy ra bạn cũng sẽ vượt qua. Trong kinh doanh, cùng với sự nhạy cảm nó chỉ cho bạn những nơi đừng đụng vào, chuẩn bị sẵn cho những tình huống xấu nhất để bạn không lụi tàn ngay lần vấp đầu tiên.
  • Sợ hãi hữu ích cũng nhắc nhở bạn rằng cuộc sống này là vô thường. Mọi thứ luôn luôn vận động vì vậy rủi ro luôn luôn xuất hiện. Đừng như con nai vàng ngơ ngác cho tới tận khi vào bụng hổ rồi vẫn cứ ngơ ngác hỏi tại sao.

0 Nhận xét :

Đăng nhận xét