Trên blog này trong một số entry có rải rác về công thức thành công. Đó là một người nếu chọn được công việc là giao của 1. Cái mình yêu thích 2. Cái mình làm giỏi và 3. Công việc mang lại giá trị cao thì sẽ thành công. Cách thức này là theo chiến lược con Nhím của quyển Từ tốt tới vĩ đại áp dụng cho các công ty.
Tuy nhiên trong lịch sử thì cha ông ta cũng đã đúc rút được bí quyết thành công của một người hay một tổ chức đó là “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nếu hội tụ được cả 3 yếu tố này thì sẽ làm lên nghiệp lớn.
Thực tế là chúng ta cũng thấy đầy người thực sự giỏi nhưng không làm lên trò trống gì mà cũng rất nhiều người không thực sự xuất sắc lại làm lên nghiệp lớn. Nếu như thành công của một người chỉ bắt nguồn từ bản thân năng lực của người đó thì chắc hẳn đã có một công thức sẵn để cho những ai muốn thành công mà kiên trì có thể học theo.
Nhìn lại giai đoạn qua chúng ta cũng thấy rõ điều này và có thể đúc rút như sau:
1. Thiên thời:
Thiên thời là sinh ra đúng thời. Năm 1986 VN bắt đầu mở cửa rồi phát triển nhanh chóng từ 1990 tới 1998. Giai đoạn phát triển này có rất nhiều việc làm, cơ hội và tiền. Những người thành công ở giai đoạn này chủ yếu là những người đi xuất khẩu lao động nước ngoài trở về và ở độ tuổi khoảng 35.
Tuổi 35 có nghĩa là sinh khoảng 1955; tới năm 1973 họ được 18 tuổi thì đất nước đã sắp tới hồi độc lập đang trong giai đoạn chính phủ ưu tiên cho đào tạo nhân lực nhằm phát triển trong thời bình. Giai đoạn này thanh niên được cử đi học tập nước ngoài hoặc là đào tạo trong nước mà ít bị gọi ra chiến trường.
Giai đoạn 1998 có khủng hoảng nhưng Việt Nam không bị hề hấn gì nhiều nên mặc dù kinh tế có thụt lùi một ít thì cũng vẫn tiếp tục ngóc đầu dậy tới 2008. Một người ra trường năm 2008 (sinh 1986) tới hiện nay 2013 (1991) rõ ràng là không hợp thời vì kinh tế đang đi xuống họ không thể cạnh tranh với lớp đàn anh trước đó.
Tuy nhiên do chu kỳ kinh tế đi lên ở dài hạn nhưng lại tăng giảm ở ngắn hạn nên không phải toàn bộ lứa tuổi sinh trước 1986 đều thành công mà phải phụ thuộc vào lứa tuổi đó ra trường có đúng vào thời điểm đi lên không.
Ta có thể tự quyết định từ lúc sinh ra nhưng không thể quyết được giai đoạn trước đó vì vậy thiên thời nằm ngoài tầm với của chúng ta.
2. Địa Lợi
Sinh ra gặp thời nhưng cũng còn phải chọn đúng vị trí mà đứng.
Nhìn biểu đồ cho thấy giai đoạn này nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng tăng rất nhanh vì vậy nếu ai làm trong ngành xây dựng thì hợp. Ngược lại ngành nông, lâm thủy sản lại đi xuống vì vậy ai làm trong ngành này thì cũng không hợp.
Một người kém cỏi nhưng nếu đúng ngành xây dựng thì sẽ thành công hơn một người giỏi làm việc trong ngành nông lâm.
Trong cùng một ngành đang tăng trưởng không phải công ty nào cũng thành công. Nếu bạn làm việc ở một công ty trên đà phát triển nó cũng khác với bạn làm việc ở một công ty trên đà đi xuống.
Trong mỗi giai đoạn luôn có một tài sản nào đó được thổi bong bóng. Nếu bạn làm trong ngành đang kinh doanh tài sản được thổi đó thì bạn sẽ ổn; nhưng nếu bạn không kịp nhảy sang nhóm khác khi quả bóng vỡ thì bạn sẽ nổ theo cùng quả bóng. Các ví dụ về những người làm trong ngành chứng khoán, địa ốc thời gian qua rất rõ ràng.
Mặc dù kinh tế có lúc lên lúc xuống, ngành kinh doanh cũng trồi sụt nhưng có những ngành thì không bao giờ đi lên mà chỉ bình bình rồi đi xuống. Sẽ là sai lầm lớn nếu đâm đầu vào các ngành đó và hy vọng là một lúc nào đó nó sẽ lên.
Địa lợi còn là theo đúng nghĩa đen về việc bạn sinh ra và lớn lên ở đâu. Nếu bạn sinh ra ở thành thị thì cơ hội của bạn sẽ lớn hơn là sinh ra ở nông thôn, …Cùng một con người bạn nhưng sinh ra ở TP HCM chắc chắn sẽ khác hẳn với sinh ra ở một huyện vùng sâu vùng xa nào đó.
3. Nhân Hòa:
Nhân hòa bao gồm bản thân người đó và những người có liên quan tới họ về mặt họ hàng, đồng môn, đồng nghiệp, khách hàng,….
Nhân hòa xếp cuối bảng nhưng không phải là yếu tố kém quan trọng nhất. Hai yếu tố kia mặc dù quan trọng nhưng hầu hết lại nằm ngoài khả năng kiểm soát của con người trong khi Nhân Hòa là yếu tố hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát.
Xét về yếu tố bản thân người đó thì thành công tập hợp vào một số người có những phẩm chất cốt lõi bao gồm:
– Trí tuệ và tính chủ động trong nâng cao trí tuệ.
– Uy tín với mình, với mọi người.
– Có tính tự kỷ luật: tự quản lý được mình mới có thể quản lý người khác.
– Dũng cảm theo kiểu dám nghĩ dám làm.
Thông thường thì những người này có xu hướng kết bạn với những người có phẩm chất tương tự họ và vì vậy sẽ đạt cả yếu tố hòa hợp với những người xung quanh. Thế nên nếu đặt toàn bộ các vị lãnh đạo lên bảng mà so sánh thì ta sẽ thấy họ đều có những phẩm chất chung như vậy.
Những người không có nhân hòa mà thành công thì là do Thiên thời và Địa lợi; nhưng thiên thời và địa lợi lại khách quan và thay đổi nên thường sẽ khó bền lâu.
Ngoài việc phụ thuộc vào việc ra trường đúng vào chu kỳ kinh tế tăng trưởng và chọn đúng ngành mà học thì môi trường xã hội cũng đóng một vai trò quan trọng. Giai đoạn 1994 đổ về nay con cái của những người đã chịu khổ trong thời kỳ chiến tranh và bao cấp thường được chìều chuộng. Nếu thời điểm từ 6 tuổi trở đi là thời điểm hình thành nhân cách thì có nghĩa là lứa tuổi đó thuộc nhóm sinh từ 1990.
Các ông bố bà mẹ có con sinh 1990 hết lòng vì con cái, muốn con không khổ như mình thành ra lại làm hại con. Một thế hệ không hề phải trải qua giai đoạn khó khăn, không phải lo nghĩ về tiền bạc, ăn sung mặc sướng ra trường đúng vào thời điểm chu kỳ kinh tế đi xuống (2008 tới nay) gặp khó khăn hơn cả lứa sinh 1986 tới 1990. Tất nhiên cũng có những người sinh trong giai đoạn này tận dụng được cơ hội học tập tốt hơn để vươn lên nhưng là thiểu số vì ta đang bàn tới điểm chung của một thế hệ.
Khi kinh tế đi lên từ 2016, lúc đó họ đã 26 tuổi sẽ không cạnh tranh được với lứa tuổi mới ra trường là 1994 đổ lại. Như vậy nhóm sinh từ 1990 tới 1994 cơ bản là cực kỳ không hợp thời và vì vậy xác xuất thành công thấp.
Sinh ra vào giai đoạn nào trong năm cũng quyết định tới thành công. Một đứa bé sinh ra vào lúc mà tâm trạng của người mẹ lúc mang thai tốt thì đương nhiên là tốt hơn trong trường hợp ngược lại. Tâm trạng của người mẹ thì phụ thuộc vào khí hậu, công việc.., Một đứa bé sinh ra vào tháng 12 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn một đứa bé sinh ra vào tháng 1 của cùng năm đó vì nó sẽ trưởng thành sinh lý hơn 12 tháng so với bạn của nó.
Nếu xét một trường hợp cụ thể là nhóm sinh 1979. Nhóm này ra trường vào 2002; giai đoạn này có một số đặc điểm sau:
– Công nghệ thông tin bắt đầu phát triển mạnh từ 1998 và vì vậy họ khó cạnh tranh được với nhóm sinh 1975 là thời điểm 1998 ra trường.
– Viettel phát triển mạnh mẽ từ 1994 tới 2004; đặc biệt vào giai đoạn từ 2001 đổ về. Giai đoạn tăng trưởng nóng Viettel đương nhiên cần nhiều nhân lực; tạo nhiều cơ hội cho lứa 1979.
– Kinh tế thế giới và VN vừa khôi phục không lâu sau khủng hoảng 1998. Các ngành nói chung từ đất đai, ngân hàng, tiêu dùng,…. đều tăng trường. Vì vậy cũng khá thuận lợi trong việc tìm cho mình một việc làm.
– Họ sống qua một phần thời bao cấp đủ lâu để hiểu thế nào là khó khăn. Nhờ vậy họ biết quý trọng hơn những cái có được sau thời kỳ mở cửa.
– Năm 2008 có nghĩa là sau những 6 năm kể từ ngày ra trường thì kinh tế mới đi xuống. Lúc này thì những người sinh 1979 cơ bản là cũng đã có được một vị trí nhất định. Tuy nhiên không may là giai đoạn này đúng vào thời kỳ phát triển nhất của sự nghiệp con người vì vậy họ sẽ gặp nhiều khó khăn vì khi kinh tế phục hồi thì họ cũng đã bước chân vào ngưỡng tuổi 40; không cạnh tranh được với thế hệ sinh từ 1980 tới 1986.
– Chúng ta cũng không quên từ 2001 tới 2008 là thời gian mà chúng ta bội chi liên tục ngày càng tăng, nợ công từ không có trở thành mức báo động. Đây là là thời điểm mà ai có đà thì sẽ tích lũy được rất nhiều của cải.
Tôi nghĩ thế hệ sinh sau 1986 tới 1994 có một số vấn đề rất hay gặp phải như sau:
– Suy nghĩ lệch lạc về thị trường lao động: do được bao bọc bởi thế hệ bố mẹ nên vào các trường đại học thường là do bố mẹ quyết định và cho tới khi sắp ra trường cũng không rõ mình sẽ làm nghề gì khi ra trường. Nếu biết nghĩ thì ngay tại thời điểm đang học họ đã phải chịu khó xác định mình sẽ làm gì và xem mô tả công việc tại vị trí đó cũng như những đòi hỏi tại vị trí đó để mà chuẩn bị. Thông tin tuyển dụng có nhan nhản trên các trang tuyển dụng, không hề khó tiếp cận.
– Từ 1998 đổ lại đây mô hình tăng trưởng kinh tế đi theo hướng phát triển nhờ tiêu dùng trong đó càng tiêu dùng nhiều thì càng thúc đẩy kinh tế. Nó trùng với giai đoạn hình thành nhân cách của thế hệ 86 tới 94 vì vậy họ có xu hướng hưởng thụ chứ không phải là hy sinh.
– Từ 1998 đổ lại đây cũng là giai đoạn bùng nổ thông tin. Trước đó kiếm được một cuốn sách để học cũng là quý; nay thì nhan nhản cả sách in lẫn ebook. Bên cạnh thông tin có ích thì vô vàn những thông tin vô ích. Vì vậy hình thành lên một lớp người thiếu khả năng tập trung vào bất cứ cái gì.
– Bố mẹ của giai đoạn này như đã nói ở trên là những người sinh năm 1965 họ sống quá lâu trong khó khăn và muốn con mình được no đủ vì vậy chiều chuộng con cái hết lòng. Cộng với việc thế hệ này thường không có cơ hội để học quá trung học nên cũng khó khăn trong việc dạy con.
Nói chung những người sinh trong giai đoạn này thực sự không đúng thời và trở nên lạc lõng không cạnh tranh được với thế hệ trước 1986 và cũng không cạnh tranh được với thế hệ sau 1994.
Cơ hội của thế hệ này:
Từ 86 tới 94 là một khoảng thời gian dài, mặc dù có những khó khăn về mặt thiên thời, địa lợi, nhân hòa nhưng trong khó khăn có thể nhìn rõ cơ hội. Chúng ta thấy thực ra thế hệ này có những hoàn cảnh thuận lợi nhưng thay vì biến nó thành công cụ để vươn lên phía trước thì họ lại bị nó làm cho yếu đi. Vì vậy những người nào ý thức được tình hình và biết hành động đúng thì lại dễ thành công.
Nhà tuyển dụng không thể không tuyển từ 86 tới 94 và vì vậy người biết vượt lên sẽ dễ dàng thể hiện mình vượt lên hẳn những người cùng trang lứa.
Đối với thế hệ sinh sau 1994:
Thế hệ này được sinh bởi bố mẹ được sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số 1976, khi mà những người lính trở về quê hương đoàn tụ với gia đình. Các ông bố bà mẹ của thế hệ này không sống quá lâu trong khó khăn để mà chiều chuộng con một cách quá đáng và cũng đủ học vấn để dạy con mình sao cho đúng.
Thế hệ 1994 ra trường vào sau năm 2016; lại đúng vào thời kỳ kinh tế bắt đầu hồi phục. Như vậy thế hệ này hội tụ được cả ba yêu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Thế hệ này mới chắc chắn là sẽ giúp Việt Nam thay đổi.
Rủi ro của thế hệ này:
Một người trung bình ở thế hệ này có thể dễ dàng cạnh tranh với thế hệ 86-94 nhưng lại không thể cạnh tranh được với chính thế hệ của mình, những người đều có hoàn cảnh thuận lợi.
Đối với thế hệ sinh 82 tới 85: ( từ 31 tới 28 tuổi)
Hồi xưa hay truyền nhau câu tới 25 tuổi mà chưa thành sự nghiệp kể ra muộn. Câu đó đúng với hồi xưa chứ ngày nay, thời đại tri thức tình hình đã khác. Nếu biết bồi đắp thì càng có tuổi thì càng chín chắn. Người nào có năng lực vượt lên những người khác thì người đó sẽ thành công bất kể tuổi già hay trẻ.
Mỗi độ tuổi lại phù hợp với việc tiếp thu những tri thức nhất định và phù hợp với những công việc nhất định. Từ 18 tới 22 là giai đoạn tích lũy kiến thức; từ 22 tới 25 tuổi là giai đoạn lăn lộn va chạm với công việc thực tế để tích lũy kinh nghiệm; từ 26 tới 29 là giai đoạn bắt đầu có xu hướng suy nghĩ sâu sắc hơn, làm việc có độ sâu hơn là giai đoạn gia tăng năng lực bản thân. Từ 30 tới 38 là giai đoạn phù hợp cho các nỗ lực thăng tiến trong sự nghiệp. Từ 39 đổ đi là giai đoạn thích ổn định, ngại thay đổi.
Lứa tuổi 82-85 không thực sự có nhiều lợi thế so với thế hệ trước đó nhưng lại có lợi thế so với thế hệ liền kề sau nó. Vì vậy họ sẽ khá thuận lợi trong giai đoạn 2016 tới 2020 lúc mà họ không còn phải cạnh tranh với thế hệ già cỗi đang thích ổn định trước đó trong khi thế hệ 8 năm liền kề đang yếu. Giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn kinh tế phục hồi và cũng là giai đoạn họ đang ở độ tuổi chín về nghề nghiệp.
Với tình hình nợ công cao, hiệu quả đầu tư thấp, DNNN được ưu ái thì cũng khó nói trước được thời điểm nào kinh tế bắt đầu phục hồi. Và khi phục hồi thì liệu nó còn lên được như giai đoạn trước 2008 không. Vì vậy chiến lược sinh tồn là tốt nhất coi tình hình hiện tại sẽ là phổ biến và hoàn toàn bình thường; nhiệm vụ là thích nghi chứ không phải sống bằng hy vọng một ngày nào đó sẽ tốt lên.
Nguồn: Viet Dung Blog
0 Nhận xét :
Đăng nhận xét