Cổ phiếu các ngân hàng tại Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn trong việc thực hiện áp dụng Basel II. Trong năm 2016, sẽ có 10 ngân hàng được thí điểm áp dụng Basel II đó là BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB trong đó có những ngân hàng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán như BIDV, Vietinbank, Vietcombank, ACB và Sacombank.
Một tiêu chí quan trọng trong việc áp dựng Basel II đó là chỉ số an toàn vốn CAR phải đạt tối thiểu theo chuẩn của Basel II. Mặc dù mức CAR đưa ra của Basel II chỉ là 8% tuy nhiên có quy định rõ ràng về cách tính cũng như tỷ lệ của vốn chủ sở hữu và vốn cấp 1 cũng như cấp 2 của ngân hàng.
So với cách tính CAR của Basel II, các tính CAR của Việt Nam đang áp dụng có sự khác biệt: Cách tính tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Basel II yêu cầu cao hơn. Ở Việt Nam, cách tính CAR hiện nay là Vốn tự có/Tài sản rủi ro. Nhưng với Basel II, CAR là Vốn tự có/(Tài sản rủi ro +12,5 *(COP + CMR)). Trong đó, tài sản rủi ro là tài sản có rủi ro * Hệ số rủi ro. COP là yêu cầu vốn đối với rủi ro hoạt động. CMR là yêu cầu vốn đối với rủi ro thị trường. Điều này cho thấy mẫu số của công thức tính CAR theo Basel II lớn hơn nhiều theo cách tính của Việt Nam hiện nay và điều đó sẽ khiến cho các chỉ số CAR của các ngân hàng tại Việt Nam giảm sút đáng kể.
Chỉ số CAR theo cách tính của Việt Nam được công bố bởi NHNN tại thời điểm tháng 11/2015 cho thấy các ngân hàng thương mại nhà nước đang có chỉ số thấp nhất với mức bình quân là 9,12 và của các ngân hàng cổ phần là 12,75. Và đặc biệt với BID và CTG thì chỉ số này chỉ lần lượt là 9% và 10,3% và theo ước tính thì nếu áp dụng CAR của Basel II thì các chỉ số này sẽ giảm đi 1% và dường như nằm vừa đủ với tiêu chí của Basel II.
Việc chỉnh sửa thông tư 36 cũng sẽ tác động mạnh đến chỉ số CAR của các ngân hàng và việc các ngân hàng chủ động tăng vốn chủ sở hữu hay vốn cấp 1 là điều chắc chắn sẽ phải thực hiện trong những tháng tới, nếu họ không muốn bị ra khỏi cuộc chơi Basel II.
Một điều khiến chỉ số của các ngân hàng ở Việt Nam bị ảnh hưởng đó là việc tăng tổng tài sản quá nhanh so với tăng vốn. Như trong bài viết về Top 100 ngân hàng tại Đông Nam Á, các ngân hàng tại Việt Nam đang tăng quá mạnh về tổng tài sản nhưng quá thấp về vốn chủ sở hữu.
Điều này sẽ khiến cho các cổ đông của ngân hàng tại Việt Nam tiếp tục nhận cổ tức bằng cổ phiếu cũng như sẽ bị pha loãng cổ phiếu khi ngân hàng tiến hành bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược, các đối tác nước ngoài. Và đối với một số ngân hàng có mức lợi nhuận khiêm tốn trong năm 2015, việc không có nguồn lợi nhuận giữ lại sẽ là điều khó khăn khi họ muốn tăng vốn cấp 1. Việc tìm kiếm các đối tác bên ngoài để phát hành thêm và pha loãng lợi nhuận cho các cổ đông hiện tại sẽ trở nên khó khăn. Và người bị thiệt đó là những cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ các cổ phiếu này.
Do vậy với các ngân hàng tham gia thí điểm Basel II, 2016 sẽ là năm cực kỳ khó khăn và cổ đông của họ sẽ phải gánh chịu rất nhiều rủi ro và yếu tố khó có thể tự quyết. Tuy nhiên, với những ngân hàng có lợi nhuận tốt trong năm 2015, việc này sẽ trở nên dễ thở hơn so với các ngân hàng còn lại.
Lê Quang Hải – Kiểm toán PRO.
0 Nhận xét :
Đăng nhận xét