18/4/13

Ngành mía đường năm 2013 xuống dốc


Giá đường năm 2013 tiếp tục chịu nhiều áp lực giảm do tồn kho trong nước đang ở mức báo động còn trên thị trường thế giới lại đang thặng dư.
Cung đang vượt cầu, giá mía nguyên liệu rớt mạnh
Vụ mùa 2012 – 2013, diện tích mía cả nước đạt hơn 300.000 héc-ta, tăng hơn 16.700 héc-ta so với vụ 2011 – 2012, sản lượng mía dự kiến đạt 18,9 triệu tấn. Lượng đường sản xuất ước đạt 1,59 triệu tấn, thặng dư 200.000 tấn so với nhu cầu tiêu dùng (khoảng 1,39 triệu tấn/năm), chưa kể lượng đường bắt buộc phải nhập khẩu theo hạn ngạch (khoảng 75.000 tấn cho năm 2013) và đường lậu tràn về theo đường tiểu ngạch (khoảng 400.000 – 500.000 tấn/năm). Như vậy, nguồn cung đường trong nước lớn hơn tương đối so với nhu cầu tiêu thụ sẽ gây áp lực khiến đường giảm giá.
Ngoài việc cung – cầu trong nước mất cân bằng, giá đường trong nước còn chịu áp lực giảm giá từ thế giới. Với mức thặng dư đường toàn cầu, giá đường thế giới được dự báo sẽ tiếp tục giảm sau khi đã giảm 16% trong năm 2012. Vụ mùa 2011 – 2012, thặng dư đường toàn cầu là 10 triệu tấn và vụ đường 2012 – 2013, sản lượng đường được dự báo ở mức 174 triệu tấn, trong khi lượng tiêu thụ toàn cầu khoảng 163 triệu tấn. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WorldBank), mức thặng dư đường hơn 11 triệu tấn có thể sẽ làm giá đường thế giới năm 2013 suy giảm khoảng 7% so với năm 2012.
Hiện đã tới cuối vụ thu hoạch, giá mía đang rớt mạnh. Các năm trước, khi vào giai đoạn cuối vụ thì giá mía nguyên liệu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng cao từ 1.200 - 1.300 đồng/kg. Năm nay mọi chuyện trái ngược, giá mía hiện thời giảm còn 700 - 800 đồng/kg. Tại Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nông dân thu hoạch mía cuối vụ, dù mía đạt 11 chữ đường (CCS), bán tại ruộng có 850-950 đồng/kg. Ghe thương lái đến mua cộng thêm cước phí vận chuyển 100-110 đồng/kg chở về tới các nhà máy đường tại Hậu Giang thu mua 1.000.000 đến 1.050.000 đồng/tấn (mía 10 CCS).
Trong khi đó, ở miền Đông các nhà máy thu mua 1.150.000 đồng/tấn. Do vậy, hiện thời giá mía ở ĐBSCL còn thấp hơn 150 đồng/kg so với niên vụ trước (2011-2012), nông dân trồng mía (tính theo giá thành 700-750 đồng/kg), chỉ lãi khoảng 20 triệu đồng/ha và giảm lãi so với mùa mía trước khoảng 10 triệu đồng/ha. Đây cũng chính là lý do báo động vùng trồng mía ở Hậu Giang và một số tỉnh trong vùng có thể giảm diện tích, vì hiện đã có nông dân bỏ mía chuyển sang trồng lúa.
Tồn kho đường ở mức cao
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), các doanh nghiệp mía đường đang lâm vào cảnh vô cùng khó khăn khi lượng đường tồn kho tại thời điểm đầu tháng 3/2013 lên tới khoảng 392.000 tấn, trong khi giá đường giảm còn 13.300 - 14.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất nhưng vẫn khó bán. Trong tháng 3 này, sản lượng đường tiếp tục cao, vào khoảng 300 ngàn tấn. Vì thế, nhiều khả năng mức tồn kho kỷ lục sẽ lên tới trên 400 ngàn tấn. 
Các nhà máy đường nhìn nhận, chưa bao giờ giá đường giảm liên tục như vụ này. Lúc các nhà máy bắt đầu vào vụ mới hồi tháng 8.2012, thì đường có giá 16.700 đồng/kg, nay còn 13.300 - 14.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất 13.500 - 14.000 đồng/kg, nhà máy chẳng được gì? Song hành cùng giá đường giảm, thì vấn đề lo ngại là tiêu thụ rất khó dù một số nhà máy chấp nhận bán lỗ.
Tồn kho cao là do ảnh hưởng đường cát Thái Lan nhập lậu qua biên giới Tây Nam ước khoảng 500.000 tấn/năm. Đường lậu bán giá thấp (nhờ trốn thuế) đã thao túng thị trường, “ép” đường nội không ngoi lên được.
Trong nước sản xuất ra tiêu thụ không hết, giá nội địa lại cao hơn giá quốc tế, thêm 500 ngàn tấn nhập lậu giá rẻ, thêm mấy chục ngàn tấn nhập theo hạn ngạch thuế quan… Chưa kể lượng đường tạm nhập tái xuất, mượn đường Việt Nam để xuất qua Trung Quốc nhưng thấy vào mà chẳng thấy ra.
Tiêu thụ đường đình đốn, nên nhiều ngày qua Nhà máy đường Long Mỹ Phát (Hậu Giang) đã ngừng hoạt động; 2 nhà máy đường Cà Mau và Kiên Giang sản xuất cầm chừng và dự định nghỉ sớm.
Người nông dân dọa bỏ cây mía
Khó khăn thế nhưng hiện chưa có cơ chế tạm trữ đường. Dù không bán được đường tồn kho nhưng các nhà máy vẫn phải nhập mía cho nông dân. Mía là loại cây thời vụ, không tồn trữ được nên đến đợt  “chín” thì phải đốn và ép. Các nhà máy cố gồng lên mà chịu đựng chứ cũng không giảm giá thu mua được nữa. Thấp hơn thì người nông dân dọa bỏ cây mía, khi đó ngành mía đường còn thảm hơn. 
Hiện chính sách cho cây mía chưa có. Cây mía nước ta chất lượng kém nhất thế giới (năng suất kém, chất lượng đường kém) nhưng giá mía được mua cao nhất thế giới. Vì vậy, cây mía đã không đem lại nhiều thứ cho nông dân như họ mong muốn.
Nhìn sang nước láng giềng Thái Lan, họ có hẳn một bộ Luật mía đường từ năm 1984 với những chính sách rất tốt. Trong luật có điều khoản dù bất cứ tình trạng nào, người nông dân trồng mía cũng không bao giờ bị lỗ. Các nhà máy đường thực ra là ăn theo nông dân, chủ đạo của ngành mía đường là nông dân chứ không phải nhà máy. Chính phủ họ không căn cứ theo giá thành sản xuất và giá bán nội địa mà lại căn cứ theo giá đường thế giới với chính sách giữ giá đường nội địa cao để hỗ trợ cho xuất khẩu (điều này đã thể hiện rõ khi cùng thời điểm khảo sát, giá đường tại các siêu thị, cửa hàng của Thái Lan khá cao khoảng 17.000 đ/kg, trong khi giá đường tại VN chỉ vào khoảng 11.000 đ/kg). Và đó là lý do gần đây nhiều DN chế biến thực phẩm của VN khi thấy giá đường trong nước cao luôn thúc giục nhà nước cho nhập khẩu đường từ Thái Lan do hưởng được thuế suất 5% theo AFTA, trong khi ngành mía đường nội địa đang phải gồng mình do hàng làm ra không tiêu thụ được, lượng hàng tồn kho rất lớn và còn phải chịu lãi suất “khủng” trên 20%.
Một mô hình sản xuất kinh doanh mía đường tại Quảng Tây – Trung Quốc cho thấy, việc tổ chức chặt chẽ, liên hoàn theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất nguyên liệu, thu mua, chế biến và thương mại sản phẩm toàn ngành là điều vô cùng quan trọng. Chuỗi giá trị ngành hàng đó vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng luôn có sự giám sát, tác động tích cực của nhà nước thông qua các công cụ kinh tế và cơ chế chính sách cụ thể để duy trì ổn định và phát triển ngành mía. Công tác quản lý nhập khẩu đường cũng khá chặt chẽ thông qua chính sách thuế và tạm trữ để ngăn chặn đường nhập lậu nên giá đường của Trung Quốc ít chịu tác động của giá đường thế giới, thường ở mức cao hơn các nước xung quanh và tương đối ổn định. Nhờ vậy, cả người trồng mía và các DN chế biến đường và nhà phân phối đều có lãi. Về chính sách thuế, đối với sản xuất đường thuế VAT là 17%, thuế thu nhập DN là 15%; thuế nhập khẩu được điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thị trường đường thế giới để bảo hộ sản xuất trong nước.
Còn tại Việt Nam chúng ta chỉ có những chính sách từng vụ từng năm không trọn vẹn. Thế nên ngành đường cứ bấp bênh với cơ chế “xin – cho” theo từng năm từng vụ.
Giải “cứu” ngành đường
VSSA cho rằng, giải pháp cấp bách lúc này là đẩy mạnh xuất khẩu đường nhằm “giải phóng” hàng tồn kho càng nhanh càng tốt, nhằm “cứu” doanh nghiệp và nông dân trồng mía. VSSA phân tích, niên vụ mía 2012 - 2013, các nhà máy đường trong nước sản xuất khoảng 1.539.081 tấn; đường tồn kho vụ trước chuyển qua 178.100 tấn, đường nhập khẩu theo hạn ngạch cam kết WTO hơn 70.000 tấn, nâng tổng sản lượng đường lên 1.787.181 tấn. Dự kiến mức tiêu thụ đường trong nước khoảng 1.300.000 - 1.350.000 tấn; thừa từ 437.180 - 487.180 tấn đường.
Do đường trong nước dư thừa lớn (chưa kể đường nhập lậu), giá giảm mạnh và khó tiêu thụ gây thiệt cho nông dân và doanh nghiệp. Vì vậy, VSSA kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép các doanh nghiệp được xuất khẩu linh hoạt mặt hàng đường.
Giải quyết việc này, đầu tháng 2.2013, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc “xuất khẩu mặt hàng đường”. Phó Thủ tướng giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng Bộ NNPTNT rà soát, nắm tình hình sản xuất, tiêu thụ đường để giải quyết xuất khẩu đảm bảo cung cầu trong nước và kịp thời giải phóng lượng đường tồn kho, gỡ khó cho doanh nghiệp...
Ngoài ra VSSA đề nghị ngành chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn đường nhập lậu; đồng thời bảo vệ sản xuất trong nước.
Mới đây, ông Nguyễn Cẩm Tú - Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 127 T.Ư - có công văn gửi VSSA yêu cầu cung cấp thông tin về số lượng, chủng loại đường nhập lậu trong thời gian 3 năm (từ 2010 đến 2012); nêu đối tượng tham gia buôn lậu đường, phương thức, thủ đoạn, phương tiện và thời gian vận chuyển hàng lậu... để Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 127 T.Ư, làm việc với VSSA xây dựng phương án chống buôn lậu mặt hàng đường.
Về lâu dài, hơn một thập niên qua, ngành mía đường VN vẫn đang giải quyết 3 bài toán khó, đó là: Xây dựng và phát triển được vùng mía nguyên liệu ổn định, đảm bảo cho các nhà máy đủ nguyên liệu để sản xuất, qua việc liên kết, ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm giữa nhà máy và người trồng mía nhằm đảm bảo đạt lợi nhuận cao trên mỗi diện tích đất nông nghiệp và ổn định thì người trồng mía sẽ tích cực tham gia. Tiếp đến là các DN trong ngành phải đầu tư cải tiến công nghệ, thiết bị, giảm tổn thất ở các khâu ép, lọc bùn, chế luyện…, nhằm nâng cao hiệu suất tổng thu hồi, giảm tỉ lệ tiêu hao để tăng sức cạnh tranh của ngành Mía đường. Và cuối cùng là tăng năng suất, chất lượng mía nguyên liệu qua việc liên kết với Viện – trường để đưa các tiến bộ KHKT tạo ra các loại giống mía cao sản, kỹ thuật thâm canh để cho ra năng suất chất lượng mía cao, năng suất bình quân đạt 70 tấn/ha, chất lượng mía bình quân đạt 10 CCS.
Đây được coi là cơ sở để các DN ngành mía đường VN tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, để thực hiện được vấn đề này, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nguyên liệu như giao thông, thủy lợi… nhằm cải thiện năng suất, chất lượng mía, đồng thời phải xây dựng được bộ giống mía riêng của VN phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng vùng. Song song đó, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật dành riêng cho cây mía qua cơ chế phù hợp để gắn hai lĩnh vực này lại với nhau tạo thành một chuỗi liên kết ngành hàng: Mía nguyên liệu – Chế biến đường - Chế biến thực phẩm. Bởi ngành mía đường giải quyết công ăn việc làm cho người lao động nông thôn và hiện nay là một trong những cây chủ lực giúp cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Về bản thân các DN, các DN phải tập trung đầu tư áp dụng giống mới và kỹ thuật thâm canh để tăng nhanh năng suất và chất lượng mía. Phải xác định các nhà máy chỉ làm động tác gia công để chế biến đường từ nguồn mía nguyên liệu do bà con nông dân sản xuất. Nếu mía nguyên liệu - đầu vào đạt chất lượng cao thì sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như năng lực cạnh tranh của ngành mía đường. Vấn đề thứ hai là phải hoàn thiện hệ thống thiết bị để giảm tổn thất ở các khâu như bã mía, bùn, mật rỉ để nâng cao hiệu suất tổng thu hồi, giảm tỉ lệ tiêu hao mía xuống dưới 10 mía/ 1đường. Ngoài ra, cần khai thác triệt để các phế phẩm trong sản xuất đường như lá mía, bã mía được làm các sản phẩm nguyên liệu XK chế biến thức ăn cho bò, nguyên liệu làm chất đốt cho các lò sản xuất điện hay sản xuất phân bón… Đó là quy trình khép kín đồng bộ từ vùng mía nguyên liệu cho đến sản xuất và tận dụng được những chất thải trong sản xuất. Một yếu tố quan trọng nữa là các nhà máy phải nâng công suất hiện hữu lên để tiết giảm các chi phí trong sản xuất thì vấn đề hội nhập của các DN ngành mía đường VN mới đủ sức để có thể cạnh tranh.
M.Anh

1 Nhận xét :