10/11/11

Tập đoàn Olympus che giấu thua lỗ nhiều thập kỷ


Xem hình
Hôm 8.11, tập đoàn công nghệ hàng đầu Nhật Bản Olympus thừa nhận đã có hoạt động che giấu các khoản thua lỗ trong đầu tư chứng khoán từ thập niên 1980. Tuyên bố trên lập tức khiến cổ phiếu hãng này rớt giá 30%, đồng thời khiến các GĐ cùng bộ phận kế toán phải đối mặt với cáo trạng hình sự.
Nghiêm trọng

Vụ bê bối này còn làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về tương lai của Olympus, tập đoàn máy ảnh hàng đầu tại Nhật. Chủ tịch đương nhiệm Olympus Shuichi Takayama đã đổ lỗi cho ông Tsuyoshi Kikukawa - người mới từ chức chủ tịch hôm 26.10, cùng Phó Chủ tịch Hisashi Mori và kiểm toán nội bộ Hideo Yamada về tội che giấu. Ông Takayama tuyên bố sẽ xem xét đệ đơn kiện hình sự đối với những người này.

“Tôi hoàn toàn không hề biết về những sự thực mà giờ đây tôi đang phải lý giải cho các bạn” - ông Takayama tuyên bố tại cuộc họp báo ngày 8.11 trước 200 phóng viên. Tuy nhiên, khi mới lên kế nhiệm ông Kikukawa hồi tháng 10, chính ông Takyama đã lớn tiếng bênh vực cho các hợp đồng này. Theo thông cáo của Olympus, hãng này chỉ phát hiện ra vụ gian dối khi hợp tác với một ủy ban thứ ba để điều tra về các giao dịch bất minh trên liên quan đến hợp đồng mua sắm thiết bị y tế của tập đoàn Anh trị giá 2,2 tỉ USD hồi năm 2008. Trong gói chi trả này bao gồm khoản tiền tư vấn khổng lồ 687 triệu USD cùng khoản tiền 773 triệu USD cho 3 công ty trong nước - thực chất được sử dụng để che giấu thua lỗ trong hoạt động đầu tư chứng khoán. Khoản đầu tư vào 3 công ty trong nước đã hầu như bị xóa đi chỉ vài tháng sau khi hợp đồng kết thúc.

“Đây là một vụ bê bối nghiêm trọng. Olympus thừa nhận đã tạo ra những khoản chi giả để che giấu cho thua lỗ trong suốt 20 năm qua. Tất cả những người liên quan đến các hoạt động này đều phải chịu trách nhiệm” - ông Ryosuke Okazaki, GĐ đầu tư tại Tập đoàn ITC Investment Partners nói.

Olympus mất 70% giá trị

Tuyên bố trên khiến cổ phiếu Olympus sụt giảm 29%, xuống mức thấp kỷ lục trong 16 năm qua. Tập đoàn này còn bị mất 70% giá trị, hay 6 tỉ USD, kể từ khi bất ngờ sa thải Tổng Giám đốc Michael Woodford hôm 14.10, với lý do thiếu hiểu biết về cách quản lý công ty hay văn hóa Nhật Bản. Song theo ông Woodford, ông đã bị buộc phải rời Olympus do đã chất vấn về khoản tiền 687 triệu USD phí tư vấn trong gói giao dịch 2 tỉ USD với Gyrus, mức phí cao nhất từng được ghi nhận. Ông Woodford cũng nghi ngờ về khoản đầu tư vào 3 công ty nhỏ tại Nhật. Ngày 8.11, ông Woodford tuyên bố toàn bộ ban quản trị Olympus nên từ chức.

Các luật sư cho biết, nếu Olympus bị phát hiện đã giả mạo cố ý các báo cáo tài chính, những đại điện của hãng có thể sẽ phải đối mặt với mức án 10 năm tù giam hoặc mức phạt 10 triệu yen. Công ty kiểm toán bên ngoài có thể cũng có thể liên đới hình sự. Theo thông tin từ Reuters, Olympus từng thay cơ quan kiểm toán KPMG bằng Ernst & Young hồi tháng 5.2009 sau một bất đồng về cách kê khai các khoản thu được. “Tác động của vụ bê bối này thực sự lớn, bởi Olympus được cho là một mẫu mực của các công ty Nhật” - ông Darrel Whitten - Giám đốc quản lý Hãng Investor Networks Inc, chuyên về tư vấn đầu tư.  

(Theo Đầu tư chứng khoán)

0 Nhận xét :

Đăng nhận xét