Trên thị trường chứng khoán (TTCK), việc giao dịch cổ phiếu ở thị trường niêm yết diễn ra theo quy luật cung cầu, sức khỏe nền kinh tế, các chính sách kinh tế tác động đến chỉ số VN-Index hoặc HaSTC-Index là điều không bàn cãi. Tuy nhiên, đằng sau sự chiến đấu giằng co của “con bò tót” (thị trường tăng điểm) và “con gấu” (thị trường giảm điểm) vẫn không loại trừ những trường hợp cho chúng sử dụng "doping" trong phiên giao dịch.
Đấu trí từ những chiêu thông thường
Trước hết, chiêu thức "rải đinh" trên sàn được nhà đầu tư (NĐT) "già dặn" áp dụng nhiều nhất để làm giá trên thị trường. Trên bảng giao dịch chỉ thể hiện 3 giá mua cao nhất của các loại cổ phiếu. Khi đó, dù là NĐT có số vốn dồi dào hay NĐT có số vốn ít đều có thể lợi dụng điều này để trục lợi trên sàn giao dịch.
Ở đây, yếu tố trục lợi được xem là hợp pháp khi NĐT có thể có cổ phiếu với giá mua là thấp nhất khi không muốn mua với giá trần. Điều này đã làm những lệnh mua khác hoàn toàn bị khuất dạng.
Và từ đây, NĐT đấu giá với nhau không còn bị chi phối bởi bảng giao dịch. Khi sử dụng cách thức này, chưa hẳn những NĐT chủ động đưa những lệnh mua giả có thể mua được cổ phiếu với giá ưng ý. Kế hoạch hoàn toàn bị phá sản khi NĐT có số vốn lớn nhảy vào đặt lệnh mua với số lượng cổ phiếu lớn.
Theo quy tắc khớp lệnh trên sàn chứng khoán, mức giá đạt được khi khối lượng giao dịch lớn. Do đó, những cây "đinh nhỏ" lúc này được xếp vào hàng "đinh gỉ" và nhường chỗ cho những cây "đinh lớn" ở những mức giá nhỏ hơn. Đó là thủ thuật làm cho nhiều đối thủ khác không thấy được giá mua thật.
Còn ngược lại, để che đi giá bán thật của một loại cổ phiếu, NĐT vẫn sẽ đặt bán ở 3 mức giá sàn thấp nhất. Để che đi lệnh bán, NĐT có thể đặt ở 3 mức giá bán, mỗi một lô vẫn chỉ 10 cổ phiếu. Lúc này, lệnh bán thật hoàn toàn bị phủ sau tấm bảng giao dịch.
Chiêu thức "rải đinh" được NĐT áp dụng trên sàn giao dịch nhiều nhất khi không muốn bán cổ phiếu ở mức giá sàn và kỳ vọng bán được cổ phiếu ở mức cao hơn. Phương pháp "rải đinh" sẽ bị vô hiệu hóa khi NĐT nào đó đặt bán hoặc mua cổ phiếu ngay giá trần hoặc ngay giá sàn thì xem như phương pháp trên mất tác dụng.
Nếu tinh ý, hiện nay, một số NĐT đưa ra cách đối phó để tránh "dẫm đinh" khi muốn mua vào hoặc bán ra 1 cổ phiếu. Lời khuyên được đưa ra là khi muốn bán cổ phiếu, nên đặt giá bán dưới giá khớp lệnh dự kiến để có thể bán được như mong muốn. Và khi muốn mua, có thể đặt giá mua cao hơn giá khớp lệnh dự kiến.
Song, không phải vì bị "bắt giò" trong những kỹ xảo giao dịch mà nhiều NĐT lại đành thúc thủ. Sự tìm tòi và phát huy những chiêu thức mới trên sàn lại tiếp tục được phát triển để phục vụ cho mục đích đầu tư trên sàn của mình. Chiêu "rải đinh" tiếp tục được cải tiến và có thể áp dụng hữu hiệu hơn.
Nắm bắt nguyên tắc so sánh số lệnh để khớp lệnh ở mức giá gần nhất, NĐT tung ra một chuỗi lệnh với khối lượng giao dịch lớn từ thấp đến cao, ở nhiều mức giá. Khi đặt lệnh giao dịch này, NĐT không cần phải đặt mua cả một khối lượng lớn cổ phiếu của một mức giá.
Để mua được giá sàn, bên mua phải "rải đinh" ở từng mức giá với khối lượng giao dịch tương ứng. Cụ thể, phải đặt lệnh mua vào khối lượng 6.000 cổ phiếu với mức giá 110.000 đồng/cổ phiếu, 800 cổ phiếu ở mức giá 109.600 đồng/cổ phiếu, kế tiếp là 800 cổ phiếu với giá 109.200 đồng/cổ phiếu và 400 cổ phiếu đặt mức giá sàn 99.600 đồng/cổ phiếu.
Một bất lợi khi áp dụng chiêu này, thời điểm thị trường giao dịch sôi động như vừa qua, dùng kỹ xảo này xem như mất tác dụng. Nguyên tắc khớp lệnh này được thực hiện dựa trên sự so sánh những lệnh khớp ở mức giá gần nhất.
Nếu như có cách "rải đinh" để thực hiện khớp lệnh mua giá thấp, chắc chắn phải có nguyên tắc "rải đinh" để thực hiện khớp lệnh bán giá cao. Ví dụ, khi cổ phiếu XYZ khớp lệnh ở mức giá 100.800 đồng/cổ phiếu.
Nếu lúc này, trên bảng giao dịch vẫn còn dư mua tại giá 132.300 đồng/cổ phiếu thì người NĐT bán ra cổ phiếu trên vẫn có thể sử dụng chiêu thức "rải đinh" ở mức giá 132.300 đồng/cổ phiếu. Ngay lập tức, cổ phiếu XYZ sẽ nhảy sang giá khớp lệnh là 132.300 đồng/cổ phiếu.
Vì vậy "rải đinh" được xem là một trong những cách giao dịch phổ thông để mang lại lợi nhuận từ việc đầu tư cổ phiếu tốt nhất. Chuyên gia tài chính Nguyễn Hải Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ Chứng khoán TP HCM đánh giá: "Kỹ xảo "rải đinh" trên TTCK phải đòi hỏi ở NĐT sự nhanh mắt, trí nhớ tốt để có thể thực hiện một cách chính xác nhất. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những chiêu thức không gây tác hại đối với TTCK".
Đến những chiêu thức "hạng nặng"
Dựa vào tâm lý đám đông, NĐT "thủ vai ác" trên sàn giao dịch thường dùng cách thức gây tâm lý hoang mang dư luận để thâu gom về cho mình những cổ phiếu giá rẻ. Để sử dụng cách thức này, một số NĐT liên minh lại với nhau hoặc sử dụng nhiều tài khoản, chủ động bán ồ ạt ở mức giá sàn ra thị trường để tạo tâm lý bán tháo, gây hoang mang cho những NĐT còn lại trên sàn.
Trước sự tranh nhau bán ở mức sàn, tâm lý NĐT nhỏ lẻ thường bị dao động và có những suy luận tiêu cực về công ty niêm yết trên thị trường nói riêng cũng như TTCK nói chung.
Thế là, hàng loạt các NĐT nhỏ lẻ đua nhau bán ra thị trường như thời điểm năm 2008 vừa qua. Lúc này, NĐT với mong muốn thao túng thị trường như "ngư ông" chỉ việc ngồi "lụm" từng cổ phiếu như những "con cá" đang mắc vào lưới. Cách thức này có thể thực hiện bằng cách một NĐT với số vốn lớn có thể mở một lúc hai tài khoản giao dịch tại hai công ty chứng khoán khác nhau.
Hoặc, nhiều NĐT lớn có thể liên kết lại với nhau để trục lợi thị trường. Cũng với mục đích mua cổ phiếu giá rẻ, song nhẹ tay hơn, với chiêu "ăn nhín". Ngay từ đầu giờ mở cửa phiên, trên bảng giao dịch xuất hiện hàng loạt các cổ phiếu với tham chiếu.
Tại một tài khoản nào đó, NĐT liên minh với nhau hoặc có nhiều tài khoản, muốn trục lợi thị trường sẽ bán ra một lượng lớn cổ phiếu ngay tại mức giá tham chiếu hoặc thấp hơn.
Nhà đầu tư rất dễ trở thành “con mồi” vì những chiêu thức trong chứng khoán.
Tại một tài khoản khác, sẽ có những lệnh mua vào đặt ở dưới mức giá tham chiếu. Lúc này, NĐT nhỏ khác hoảng loạn khi thấy cổ phiếu mình đang nắm giữ bỗng nhiên rớt giá ngoài dự đoán, mặc dù tình hình công ty niêm yết cổ phiếu đang "ăn nên làm ra".
Và thế là họ phải bán ra ở mức thấp hơn giá tham chiếu để "cắt lỗ". NĐT nhỏ mừng như bắt được vàng nhưng đâu ngờ rằng mình đã "sụp bẫy" một cách ngọt ngào. Liền theo đó, lệnh bán ngay phiên mở cửa được hủy và cổ phiếu này lại có đợt tăng giá trở lại.
Những khi TTCK có vẻ yên ắng, NĐT cứ ngỡ rằng đó là thời điểm an toàn. Nhưng không, thời điểm này vẫn còn luẩn quẩn đâu đó nhiều NĐT trục lợi trên sàn: "Để nhận biết và phân tích thị trường qua chiêu "đè giá" và "kích giá", NĐT nhỏ lẻ cần có sự tự tin và bản lĩnh của mình. Thực tế, với chiêu trên, chỉ có những NĐT lướt sóng ngắn hạn và nhỏ lẻ là "dính đòn".
Thời gian TTCK bị thực hiện kỹ xảo làm giá được diễn ra trong thời gian ngắn, khoảng từ 6 ngày đến 3 tuần. Nhất là trong thời điểm thị trường đang ở những phiên điều chỉnh, đang trong giai đoạn giảm nhưng tăng nhẹ trở lại bất thường. Hoặc ngược lại, thị trường đang trong xu thế tăng nhưng đột ngột giảm.
Ngoài những kỹ xảo thông thường thì việc giới hạn T+3 còn làm rào cản và khiến một số cá nhân trục lợi. Theo phân tích của giới chuyên môn, đơn cử khi cổ phiếu XYZ đang tăng cao thì trước sức cầu của thị trường lớn thì lập tức những NĐT trong tay có sẵn cổ phiếu liền bán hàng loạt khiến những NĐT nhỏ và những NĐT nắm giữ cổ phiếu đến hạn T+3 lại "chết yểu", nhất là những NĐT có thú vui “lướt sóng” cùng thị trường.
Chính vì yếu tố này khiến NĐT càng thích "lướt sóng" hơn khi nắm giữ những cổ phiếu đang ở mức giá thấp bỗng tăng mạnh sau phiên T + 3. Hơn hết, chỉ những NĐT nhỏ trên TTCK là những người chịu thiệt thòi. Có ý kiến cho rằng, thực hiện thanh toán chứng khoán và tiền theo phương thức T+3 để thị trường tăng không quá nóng và giảm sút không quá nhanh.
Thao túng thị trường xuất phát từ nhiều bất cập
Năm ngoái, nhiều tin đồn "nhảm" cũng như thông tin thất thiệt liên tiếp được tung ra nhằm đánh vào TTCK. Đây là một trong những yếu tố lợi dụng tâm lý hoang mang, lo lắng của những NĐT khác còn lại trên thị trường. Năm 2008, một trong những năm TTCK chịu nhiều những tin đồn ác ý nhất.
Ngoài việc cung cấp những tin đồn để làm giá TTCK một cách "chớp nhoáng" thì việc giao dịch nội gián làm cho thị trường thêm thiếu sự minh bạch. Hiện nay, một số công ty niêm yết vẫn chưa hoàn thiện cơ chế bảo mật thông tin nên đã có những thông tin bị rò rỉ ra ngoài do "nội gián" ngay từ trong công ty.
Hiện nay, các chiêu thức, kỹ xảo làm giá đang ngày một cải tiến.
Quả thật, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại có rất nhiều lớp học về cách thức và những thủ thuật làm giá trên TTCK. Hằng ngày, những lớp học mới đua nhau mở ra, đồng hành theo nó là những bài giảng về các kỹ xảo cũng như kỹ thuật "làm giá" càng được nâng cấp hơn.
Đối với giới đầu tư lành mạnh, đây là một trong những công cụ để nhận biết và phòng tránh những cổ phiếu đang bị dùng những "xảo thuật" để làm giá. Thế nhưng, nguy hại hơn, đối với giới đầu tư nhằm trục lợi thị trường, càng hiểu rõ, hiểu kỹ về những cách thức này, TTCK tiếp tục phải đối phó từ nguy cơ bị thao túng
6/7/11
Thủ thuật trên sàn chứng khoán và những chiêu thức làm giá
Thứ Tư, tháng 7 06, 2011
2
comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
ghê gớm thât.
Trả lờiXóabiết vậy mà vẫn bị dính, đúng là ngu quá đi. Bị đè giá rùi lại còn bị che giá....một kinh nghiệm đắt giá
Trả lờiXóa