13/7/11

Học lãnh đạo từ Abraham Lincoln


Hơn 100 năm kể từ ngày mất (15.4.1865), Abraham Lincoln vẫn còn được nhắc đến rất nhiều ở Mỹ. Ngoài những tư tưởng tiến bộ, di sản ông để lại còn có các bài học lãnh đạo tuyệt vời.




Từ một người thuộc tầng lớp bình dân trong xã hội, Abraham Lincoln (sinh năm 1809, còn được biết đến với cái tên Abe Lincoln), đã trở thành một trong những tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ. Ảnh của ông được in trên mặt đồng 1 cent và đồng 5 USD. Cả cuộc đời Abraham Lincoln giống như một cuốn sách, trong đó, người ta có thể khám phá ra vô vàn bài học lãnh đạo bổ ích.



Đắc nhân tâm


Trong một tác phẩm của mình (Team of Rivals, tạm dịch: “Nhóm những địch thủ”), nhà sử học Mỹ Doris Kearns Goodwin đã phân tích được phần nào chân dung của Abraham Lincoln. Theo tác giả, thành công của vị cựu tổng thống được tạo dựng từ cách hành xử “đắc nhân tâm” đã được tôi luyện qua nhiều trải nghiệm.


Lincoln rất giỏi tự đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu động cơ và mong muốn của họ. Khả năng đồng cảm này giúp Lincoln tạo ra một nội các bất thường nhất trong lịch sử nước Mỹ, bằng cách tập hợp các đối thủ lại và sắp xếp trọng trách theo khả năng của họ.


Lincoln luôn được đánh giá là người thấu hiểu người khác và được lòng người. Trong công việc, ông luôn dùng sự thuyết phục thay vì ép buộc để đạt mục tiêu. Theo ông, “một giọt mật ong bắt được nhiều ruồi hơn một gallon mật đắng” (1 gallon theo cách tính của Mỹ tương đương 3,7 lít). Trong thời kỳ nước Mỹ rơi vào cảnh đình trệ, khó khăn do cuộc nội chiến kéo dài, Lincoln vẫn luôn vui vẻ và sẵn sàng khuyến khích, khen ngợi mọi người.


Ông còn có thể dễ dàng tha thứ lỗi lầm của người khác. Thay vì trừng phạt những kẻ bại trận (Liên minh miền Nam ủng hộ chế độ nô lệ), trong buổi lễ sau khi cuộc nội chiến Mỹ kết thúc, ông đã phát biểu: “Chúng tôi không ác tâm với bất kỳ ai, hãy để chúng tôi nỗ lực làm trọn công việc của mình để hàn gắn đất nước”.


Phong cách MBWA


Những nhà lãnh đạo theo phong cách MBWA (management by walking around) luôn bắt đầu ngày làm việc của mình bằng cách đi lòng vòng thăm hỏi và quan sát nhân viên. Lincoln cũng vậy, bất cứ khi nào có điều gì tồi tệ xảy ra trong cuộc nội chiến, ông đều tìm đến, thăm hỏi và động viên tinh thần binh lính. “Tuyên dương là thứ có hiệu quả và sức thuyết phục mạnh nhất”, ông nói.


Ngoài làm việc trong văn phòng, tham dự duyệt binh, phần lớn thời gian ở bên ngoài của Lincoln là các chuyến thăm hỏi tại các bệnh viện và những cuộc họp khẩn cấp. Ông quan niệm, trong những thời điểm cam go và khó khăn nhất, thái độ của người lãnh đạo sẽ quyết định tinh thần của cả tập thể.


Sự gần gũi với nhân viên còn giúp Lincoln lắng nghe được rất nhiều điều. Trong cuộc nội chiến giữa 2 miền Nam - Bắc (1861-1865), mặc dù là người miền Bắc nhưng ông lại rất thấu hiểu tình cảnh khổ cực những người miền Nam phải chịu đựng. Điều này cho thấy, để người khác nghe bạn và khơi dậy được cảm xúc nơi họ, hãy tìm hiểu xem đối tượng mình nhắm tới là ai. Muốn vậy, chỉ có cách duy nhất là lắng nghe. Mặt khác, có thấu cảm bạn mới hiểu được tại sao người ta lại làm cái điều mà mình không đồng tình.


Luôn kiên định


Trong những tình huống cam go nhất của lịch sử nước Mỹ, chính Abraham Lincoln là người đơn thương độc mã duy trì quan niệm xây dựng chính phủ kiểu Mỹ: Bãi bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ. Nếu ông không làm như thế thì có lẽ cuộc ly khai năm 1860 đã khiến nước Mỹ bị chia cắt thành những lãnh thổ nhỏ và nhiều nơi còn trong tình trạng nô lệ. Ông đã hoàn thành nhiệm vụ của mình bằng trực giác tự nhiên.


Những ý tưởng của Abraham Lincoln đã đi trước thời đại ít nhất 1 thế kỷ. Mặc dù bị công kích rất nhiều nhưng ông luôn coi đó chỉ là những lời phê bình phải tiếp thu chứ không hề bị lung lạc.


Giao tiếp tuyệt vời


Có thể nói, Abraham Lincoln là một nhà văn xuất sắc và là nhà diễn thuyết tuyệt vời. Với chất giọng cao, dáng người lênh khênh và bình dị, ông không tạo được ấn tượng khi mới tiếp xúc. Tuy nhiên, vào cuối buổi nói chuyện, người nghe thường bị ông thuyết phục.


Theo ông, để thuyết phục người nghe, chỉ nói đúng không thôi chưa đủ. Tất cả những con số, sự kiện quan trọng sẽ trở nên vô nghĩa nếu không biết gắn chúng với những điều gần gũi và đơn giản. Vì thế, khi diễn thuyết, ông thường thêm vào các giai thoại, câu chuyện hay lời nói đùa. Nhắc đến Abraham Lincoln, người ta sẽ nhớ đến “Bài diễn thuyết Gettysbung” (1863) đầy chất văn chỉ với khoảng 300 từ, được trình bày trong 2-3 phút. Hay như “Lá thư gởi thầy giáo con trai mình”, dù còn gây nhiều tranh cãi nhưng vẫn được ngành giáo dục Mỹ đưa vào giảng dạy như một bài học chính thức.


Lincoln có cách dụng người rất đặc biệt. Nếu biết mình yếu về lĩnh vực nào, ông sẽ chọn một người giỏi về lĩnh vực đó để làm đối trọng và quân sư cho ông trong lĩnh vực đó. Ông đưa tất cả đối thủ của mình vào làm việc trong Nội các do ông lãnh đạo. Điển hình là Edwin M. Stanton, người đã công khai coi thường ông. Ông đề bạt Stanton lên làm Bộ trưởng Bộ Chiến tranh vì nhận thấy Stanton là người thích hợp nhất với công việc và cương vị này. Lincoln cũng biết rằng mình là một nhà lãnh đạo, vì vậy, ông luôn tự nguyện nhận trách nhiệm về những hậu quả mà nhân viên của mình đã gây ra.
                                                      Theo: Taichinhthegioi.com

0 Nhận xét :

Đăng nhận xét