13/7/11

Cái ngông của Dietrich Mateschitz



Ngông, nhưng tài năng và lúc nào cũng giàu nhiệt huyết là những gì dễ nhận ra ở Dietrich Mateschitz, “cha đẻ” Red Bull, thương hiệu dẫn đầu dòng sản phẩm thức uống năng lượng.




Ở châu Âu, Mateschitz thường được so sánh với Richard Branson của Tập đoàn Virgin (Anh) về độ ngông. Là chủ một công ty có gần 8.000 nhân công tại 161 quốc gia nhưng ông không chọn những chốn phồn hoa đô hội làm trụ sở. Thay vào đó là một tổ hợp máy bay Hangar-7 đặt tại ngôi làng Fuschl nhỏ bé với chỉ 1.500 dân ở Áo, nơi ông đưa ra các sách lược trọng đại của Red Bull.



Đam mê thể thao, ông không ngần ngại chi hàng trăm triệu USD mỗi năm để tài trợ cho 4 đội bóng đá mang thương hiệu Red Bull, một đội đua xe Nascar và 2 đội đua xe Công thức 1. Những năm gần đây, ông đã đưa Red Bull lấn sân sang lĩnh vực truyền thông và đạt được nhiều thành công nhất định. Đơn cử là ấn phẩm Red Bulletin, chương trình No Limits trên kênh ESPN, bộ phim That’s It, That’s All, trang web hướng dẫn chế độ ăn uống phù hợp cho từng bộ môn thể thao, chương trình truyền hình thực tế Real World trên kênh MTV.


Không những thế, danh sách các vận động viên thể thao gắn bó với thương hiệu Red Bull hiện đã vượt hơn 500 người ở 97 bộ môn, trong đó nổi tiếng nhất là danh thủ bóng đá Thierry Henry và tay đua từng 10 lần vô địch giải đua Công thức 1 Gerhard Berger. Tất cả, dưới tay Mateschitz, đang góp phần xây dựng Red Bull thành một đế chế ngày càng lớn mạnh.


Nhìn vào những gì ông làm, nhiều người nghĩ ông “ngông” và chỉ làm những việc đình đám để dư luận chú ý. Nhưng, “ông là một doanh nhân người Áo có tư duy của người Mỹ, ông nhìn mọi việc ở phạm vi toàn cầu,” theo lời Arnold Schwarzenegger, ngôi sao điện ảnh Hollywood và Cựu Thống đốc bang California, Mỹ.


Hành trình tìm lời giải cho bài toán cuộc đời


Sinh trưởng tại Áo trong một gia đình công chức kiểu mẫu, bảo thủ và chủ trương ổn định nhưng Mateschitz sớm nhận ra cuộc sống an phận, ổn định không phải là điều ông mong muốn. Vì thế, thay vì theo học Đại học Graz gần nhà, Mateschitz chọn Vienna là nơi khởi đầu cuộc phiêu lưu. “Khi đó, ở đại học Vienna chỉ có một chuyên ngành mà Graz không có là đóng tàu. Thế là tôi thuyết phục mẹ mình tin rằng tôi ao ước trở thành kỹ sư đóng tàu để bà cho tôi đến Vienna học. Tôi chọn Đại học Vienna vì thành phố Vienna chứ không phải vì trường học”, Mateschitz tâm sự.


Ông phải mất 10 năm mới lấy được tấm bằng Cử nhân thương mại của Đại học Kinh tế và Thương mại Vienna. Trong ngần ấy thời gian, ông phải vừa học vừa làm huấn luyện viên trượt tuyết để có tiền trang trải chi phí học tập.


10 năm tiếp theo ông gắn bó với công việc nhân viên bán hàng tại Blendax, một công ty hàng tiêu dùng của Đức. Nhờ tài năng và nỗ lực, ông trở thành một trong những nhân viên bán hàng xuất sắc nhất của công ty. Tuy nhiên, “mọi thứ khi đó vẫn có vẻ xám xịt và nhàm chán, tôi muốn làm một điều gì đó thật sự khác biệt”, Mateschitz nhớ lại.


Thế rồi, chuyến công tác đến Thái Lan năm 1984 để tiếp xúc với một khách hàng của Blendax chính là sự kiện thay đổi cuộc đời ông. Mệt mỏi vì lệch múi giờ, ông tò mò thử uống thứ nước mà người Thái tôn sùng là thần dược, Krating Daeng, tiếng Thái có nghĩa “trâu nước”. Và quả là kỳ diệu, ông cảm thấy tỉnh táo hơn ngay sau đó. Như bừng tỉnh, ông nhanh chóng nhận ra kinh doanh loại thức uống đặc biệt này chính là lời giải cho bài toán cuộc đời mà ông đã tìm kiếm bấy lâu nay.


Ông tìm gặp Chaleo Yoovidhya, một doanh nhân người Thái đang bán sản phẩm này trong khu vực Đông Nam Á. Mateschitz nhanh chóng chinh phục được Yoovidhya bằng ý tưởng tiếp thị Krating Daeng đến phần còn lại của thế giới. Họ thỏa thuận mỗi người sẽ góp 500.000 USD thành lập một công ty mà mỗi người sẽ nắm giữ 49% cổ phần; 2% cổ phần còn lại dành cho con trai của Yoovidhya.


Kể từ cuộc gặp gỡ của số phận ấy, thương hiệu Red Bull ra đời, khai sinh một thị trường mới, thị trường các loại thức uống có tác dụng bổ sung năng lượng và không ngừng phát triển từ đó đến nay.


Chuyên gia quản trị khủng hoảng


Trong gần 30 năm dẫn dắt Red Bull, Mateschitz nhiều lần chứng tỏ mình là một chuyên gia quản trị khủng hoảng lão luyện.


Năm 1991, Red Bull phải một phen lao đao với vụ 2 thanh niên Thụy Điển tử vong vì uống Red Bull chung với rượu Vodka. 8 năm sau, một thiếu niên Ireland chết trên sân bóng rổ sau khi uống 3 lon Red Bull. Dù kết quả điều tra không hề cho thấy mối liên quan nào giữa 2 trường hợp tử vong trên với Red Bull nhưng khắp nơi bắt đầu gióng lên hồi chuông cảnh báo. Các nhà khoa học Pháp cũng tiến hành nghiên cứu chất taurine, thành phần quan trọng của Red Bull, và nhận thấy khi được cho ăn nhiều taurine, các con chuột có những hành vi kỳ lạ và ở trong trạng thái bứt rứt, chèn ép. Nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để chứng minh Red Bull là nguyên nhân gây ra 2 vụ tử vong trên.


Trong hoàn cảnh khó khăn, Mateschitz không chủ trương lấp liếm lời đồn đại về chất taurine mà còn cổ xúy cho chúng. Thậm chí tại các quán bar địa phương ở Tây Ban Nha, người ta đồn rằng chất taurine được chiết xuất từ pín bò có tác dụng tăng cường sinh lực. Lời đồn thu hút sự quan tâm của báo chí. Chiêu thức này của Mateschitz không những giúp Red Bull vượt qua khủng hoảng mà còn chuyển rủi ro thành cơ hội quảng bá không thể nào tốt hơn.


Hiểu rõ sản phẩm, giữ vững định hướng


Thành công của Mateschitz trước hết phải kể đến tính nhất quán trong việc định vị sản phẩm. Với Mateschitz, Red Bull là một loại thức uống năng lượng và chỉ là một loại thức uống bổ sung năng lượng cho những người phải làm việc cực nhọc. Ông vẫn giữ vững định hướng kinh doanh này ngay cả trong những hoàn cảnh cam go nhất.


Tại thời điểm Red Bull vừa ra mắt, các thương hiệu cà phê và nước giải khát, nhất là Coca-Cola, không ngừng tấn công Red Bull. Nhiều bài so sánh, chê bai mùi vị, hàm lượng caffeine của Red Bull không ngừng xuất hiện trên mặt báo. Thậm chí có tổ chức ở Anh còn thực hiện cả một báo cáo đồ sộ chỉ để đi đến kết luận rằng “chưa có loại thức uống nào có mùi vị thất bại thảm hại như Red Bull”.


Rất bình thản, Mateschitz nhận xét: “Mọi so sánh về mùi vị đều vô nghĩa bởi Red Bull là một loại thức uống năng lượng, giúp tăng cường độ dẻo dai, sự tập trung, tốc độ, sự tỉnh táo và sự phấn chấn cho người uống. Trước đây và về sau này vẫn sẽ là như thế”. Do đó, thay vì lao vào chiếc bẫy mà các đối thủ giăng sẵn, Red Bull âm thầm đáp trả bằng việc chiếm lĩnh thị trường Hungary, Anh, Đức rồi nhanh chóng chinh phục cả châu Âu và “lãnh địa” của Coca-Cola là Mỹ.


Thành công của Red Bull khiến những đại công ty chột dạ. Coca-Cola đã không ít lần đề nghị mua lại Red Bull nhưng lần nào cũng bị khước từ. “Đối với tôi, kinh doanh là niềm vui, chứ không phải để kiếm tiền,” Mateschitz quả quyết.


Gần 70, nhưng chưa bao giờ người ta thấy nhiệt huyết kinh doanh ở ông suy giảm. Red Bull luôn biết rõ điều họ đang làm, cũng giống như Mateschitz, luôn hiểu rõ chính mình, hiểu rõ sản phẩm và giữ vững định hướng.

0 Nhận xét :

Đăng nhận xét