Theo ADB, sau tháng 9, lạm phát bắt đầu giảm và trong 4 tháng còn lại của năm, mỗi tháng tăng trung bình 1,5%. Lạm phát cả năm 2011 sẽ khoảng 15%. |
Ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam trả lời phỏng vấn ĐTCK về những nỗ lực chống lạm phát của Việt Nam trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cho rằng lạm phát ở Việt Nam sẽ hạ thấp hàng tháng nhờ việc thực hiện thành công Nghị quyết 11.
Theo ông Ayumi Konishi, nếu nhìn vào mức lạm phát năm thì tỷ lệ lạm phát sẽ tiếp tục tăng cho đến tháng 8, ở mức khoảng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau tháng 9, tỷ lệ lạm phát bắt đầu giảm xuống và trong 4 tháng còn lại của năm, mỗi tháng tăng trung bình 1,5%. Lạm phát cả năm 2011 sẽ khoảng 15%.
Ông Ayumi Konishi cho rằng Việt Nam cần đưa ra nhiều nỗ lực hơn nữa để kiềm chế lạm phát.
Theo đó, việc đầu tiên rất quan trọng là phải nhẫn nại, nhất quán. Nghị quyết 11 buộc phải được thực hiện một cách hiệu quả trong tối thiểu 12 - 18 tháng tới, khi kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã quay trở lại tình trạng hài hòa hơn.
Thứ hai, trong quá trình đó phải tăng niềm tin của công chúng bằng cách cải thiện giao tiếp, trao đổi thông tin, đưa ra nhiều số liệu vĩ mô cho mọi người hiểu.
Chính phủ cần minh bạch trong ngân sách và minh bạch với việc có bao nhiêu tiền chuyển từ ngân sách sang doanh nghiệp nhà nước (DNNN), DNNN đang tiến hành kinh doanh như thế nào. Nếu người dân không biết những thông tin như vậy, họ sẽ có những suy nghĩ tiêu cực, gây ra lạm phát.
Thứ ba, Việt Nam cũng cần phải tiến hành những cải cách cơ cấu như cải thiện đầu tư công và DNNN như cho phép khu vực tư nhân cạnh tranh hơn với khu vực nhà nước.
Thứ tư, việc kiểm soát chặt giá cả sẽ không mang lại tác dụng trong ngắn hạn. Để đảm bảo bất ổn kinh tế vĩ mô không lặp đi lặp lại, Chính phủ đã sử dụng nhiều công cụ can thiệp thị trường, nhưng không nên lạm dụng.
Ông Ayumi Konishi nêu rõ, hiện nay, doanh nghiệp khó vay vốn. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng nhanh cũng là nguyên nhân gây ra lạm phát cao, nên nếu doanh nghiệp lại tiếp cận dễ dàng các nguồn vốn sẽ không thể chống lại được lạm phát.
Giai đoạn hiện nay cần ổn định kinh tế vĩ mô nên đương nhiên doanh nghiệp và người nghèo sẽ gặp khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay, các đối tác phát triển rất hoan nghênh ý định của Chính phủ để mở rộng bảo hiểm xã hội cho toàn dân vào năm 2014.
Chính phủ vẫn còn nhắc đến câu chuyện kiểm soát lạm phát song song với việc đặt mục tiêu tăng trưởng 6%, trong khi Nghị quyết 11 đã nói rất rõ về việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ cần khẳng định, ổn định kinh tế vĩ mô và chống lạm phát phải là mục tiêu chính.
Mặc dù các đối tác phát triển vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong trung hạn và dài hạn của Việt Nam, nhưng họ lo ngại về bất ổn kinh tế vĩ mô và cho rằng lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô không phải là vấn đề ngắn hạn.
Theo ông Ayumi Konishi, đây là những vấn đề mang tính nền tảng và cơ bản liên quan đến cơ cấu, đòi hỏi Chính phủ phải thực hiện những bước mang tính quyết định trong việc cải tổ nền kinh tế.
Tại Hội nghị Nhóm các nhà tư vấn tài trợ cho Việt Nam (CG) tháng 12/2010, các đối tác phát triển đã thúc giục Việt Nam công nhận sự ổn định kinh tế vĩ mô như là một điều kiện tiên quyết cho sự tăng trưởng bền vững.
Do đó, ADB hoan nghênh Nghị quyết 11 và một cam kết thực hiện đầy đủ, dài hạn nghị quyết này là cần thiết để khôi phục và duy trì lòng tin của thị trường. Mặc dù có khả năng điều này sẽ mất nhiều thời gian hơn so với hy vọng hiện nay của Chính phủ, đặc biệt là để loại bỏ áp lực lạm phát trong nền kinh tế.
(Theo: tamnhin.net) |
0 Nhận xét :
Đăng nhận xét