31/10/17

Cách tính tỷ trọng cổ phiếu trong VN30

Không phải ai cũng hiểu cách chỉ số được tính toán, cách các cổ phiếu thành phần tác động lên điểm số của chỉ số VN30, cũng như những rủi ro đi kèm theo. Bài viết này xin mô tả sơ lược đôi nét về chỉ số VN30.
VN30 là một trong các chỉ số thuộc bộ chỉ số HOSE-Index được xây dựng và quản lý bởi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Đây là chỉ số của các công ty có giá trị vốn hóa lớn, gồm 30 công ty có giá trị vốn hóa và thanh khoản hàng đầu niêm yết trên sàn HOSE đáp ứng tư cách tham gia vào chỉ số và các điều kiện sàng lọc theo quy định. Ngoại trừ các quy định về tư cách tham gia như không thuộc diện cảnh báo, thời gian niêm yết trên 6 tháng, thanh khoản…, hai chốt chặn quan trọng là điều chỉnh vốn hóa theo tỷ lệ lưu hành tự do (Free float rate) và giới hạn vốn hóa tối đa của mỗi cổ phiếu thành phần ở mức 10%.

Việc bổ sung hai điều kiện trên nhằm hạn chế khả năng bị thao túng, tức là tác động giá của một hay một vài cổ phiếu có thể tác động đến điểm số của VN30-Index. Thay vì áp dụng phương pháp tính toán chỉ số VN-Index dùng toàn bộ khối lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường đối với một cổ phiếu cụ thể, việc sử dụng tỷ lệ Free float trong tính toán chỉ số VN30 cho phép loại bỏ tầm ảnh hưởng của một số cổ phiếu lớn có thanh khoản thấp, không phản ánh chân thực diễn biến thị trường. Tỷ lệ free float được tính theo công thức sau:


Trong đó “cổ phiếu không tự do chuyển nhượng” được định nghĩa là cổ phiếu của các đối tượng đang trong thời gian hạn chế chuyển nhượng, thuộc sở hữu của cổ đông nội bộ và người có liên quan, cổ phiếu thuộc sở hữu của cổ đông chiến lược, nhà nước… Dưới đây là danh mục cổ phiếu cấu thành chỉ số VN30 mới nhất được cập nhật, trong đó 3 cổ phiếu được thêm vào rổ là NVL, SAB và ROS và 3 cổ phiếu bị loại khỏi rổ là HAG, HNG và ITA.


Lấy ví dụ VNM, tỷ lệ lưu hành tự do (free float) chỉ là 45%, tức là vốn hóa của cổ phiếu này khi tính VN30-Index chỉ bằng 45% tổng vốn hóa bình thường khi tính trong VN-Index. VNM lại bị giới hạn vốn hóa – chốt chặn thứ hai của VN30, và do đó chỉ được tính 35.17%. Chốt chặn thứ hai, tức “Giới hạn tỷ trọng vốn hóa của cổ phiếu thành phần” được thiết lập nhằm tránh tình trạng một hay một vài cổ phiếu trong chỉ số chiếm tỷ trọng vốn hóa quá lớn. Tỷ trọng này được giới hạn ở mức 10% nhưng có thể thay đổi được tùy vào từng chỉ số. Công thức tính giới hạn tỷ trọng khá phức tạp nên chúng tôi xin phép nêu ra mà chưa giải thích, để nhường lại cho một bài viết cụ thể hơn về các bộ chỉ số sàn HOSE.


Tương tự VNM, cổ phiếu VIC cũng bị giới hạn tương tự với tỷ lệ lưu hành tự do (free float) là 35% và chỉ được tính 90.6% vốn hóa đã điều chỉnh. Trong VN30-Index, vốn hóa của VIC thực ra là lớn nhất (theo giá đóng cửa ngày 04/08/2017). VNM, HPG, SAB và MBB là các cổ phiếu lớn tiếp theo. Vì vậy cùng một mức phần trăm tăng giảm giá ở các cổ phiếu này sẽ ảnh hưởng đến VN30-Index nhiều hơn các cổ phiếu còn lại.

Tuy nhiên, để tác động đến chỉ số này, vấn đề không chỉ dừng lại ở việc cổ phiếu nào có tiềm năng ảnh hưởng mạnh nhất (vốn hóa lớn nhất), mà còn ở biên độ giao động giá – thứ sẽ ảnh hưởng đến “chi phí” để tác động đến chỉ số. Vai trò của SAB lúc này cực kỳ nổi bật vì thanh khoản rất kém (khối lượng giao dịch khớp lệnh). Điều này có nghĩa là chỉ cần một lượng tiền nhỏ cũng có thể khiến giá dao động tăng giảm đủ mạnh. Thống kê cho thấy trung bình 20 phiên gần nhất, giá trị khớp lệnh hàng ngày của SAB chỉ đạt gần 21 tỷ đồng, thậm chí trong 5 phiên vừa rồi giá trị giao dịch chỉ đạt trung bình 13.7 tỷ đồng/ngày. Có những ngày SAB thanh khoản còn tệ hơn nữa mà giá nhảy “điên loạn”. Trong 20 phiên gần nhất biên độ giao động của SAB là 2.8%. Hay đặc biệt như hôm thị trường giảm điểm kỷ lục gần 18 điểm ngày 09/08 giữa tuần trước, SAB đã giảm tới 11% dù giá trị giao dịch chỉ đạt 15 tỷ đồng. Như đã đề cập, khối lượng dùng để tính toán VN30 không phải khối lượng giao dịch trong phiên đó mà là khối lượng điều chỉnh sau hai chốt chặn: Tỷ lệ lưu hành tự do và Giới hạn tỷ trọng. Thực tế trên sẽ không có ý nghĩa nếu bỏ qua việc giá của SAB hiện tại đang ở mức cao nhất nhì thị trường và do đó là nguyên nhân khiến cho thị trường chao đảo mỗi khi cổ phiếu này “trở mình”.

Trong khi đó, để thao túng VNM, VIC khó hơn nhiều và chi phí đắt đỏ hơn vì giá trị giao dịch hàng ngày rất cao. Trong đó, trong 10 phiên gần nhất (tính tới ngày 04/08/2017) thì khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất của VNM là 532,000 cổ phiếu (tương đương giá trị giao dịch mỗi phiên hơn 80 tỷ đồng). Không mấy ai đủ mạnh để bỏ ra hơn 80 tỷ để “chơi 1 phiên” như vậy. Đó là chưa kể đến rủi ro có thể mất trắng bởi thanh khoản cao đồng nghĩa với việc cổ phiếu sẽ được khớp lệnh tại bất cứ mức giá nào nhà đầu tư coi là “hời” và do đó hạn chế khả năng điều khiển giá theo ý muốn của những người có ý định thao túng.

Như vậy khả năng lớn là SAB có thể gây xáo trộn chỉ số VN30-Index rất nhiều nếu bị thao túng. Và điều này sẽ ảnh hưởng tương đối lớn tới kết quả đầu tư chứng khoán phái sinh của các nhà đầu tư do VN30-Index chính là sản phẩm Hợp đồng tương lai đầu tiên của thị trường phái sinh.

Nguồn: https://vfin.vn/cach-tinh-ty-trong-co-phieu-vn30/

0 Nhận xét :

Đăng nhận xét