Nhiều ý kiến đều cho rằng, cần xử lý dứt điểm các hợp đồng hợp tác đầu tư thay vì để nó ngoài vòng kiểm soát của cơ quan quản lý và cho nhà đầu tư… tự chọn.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, sau khi cơ quan quản lý đã ban hành quy định về cho vay ký quỹ (margin), những CTCK đủ điều kiện thực hiện margin theo quy định sẽ phải chuyển hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư sang hợp đồng margin. Cùng với đó là nâng tỷ lệ ký quỹ lên cho phù hợp quy định mới. Với những CTCK không đủ kiện làm margin thì cần có thông báo với khách hàng để thu hồi nợ và chấm dứt hợp đồng đã ký trước đây.
Theo một luật sư có văn phòng tại Hà Nội, mặc dù hợp đồng hợp tác đầu tư giữa CTCK và nhà đầu tư là thỏa thuận dân sự, nhưng nếu trái với quy định về hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán thì cơ quan quản lý thị trường vẫn có thể yêu cầu chấm dứt. Theo luật sư này, một quan hệ hợp đồng được pháp luật bảo vệ khi nó phù hợp cả về nội dung và hình thức, trong đó quan trọng nhất là nội dung. Trong hợp đồng hợp tác đầu tư có sự chuyển quyền sử dụng vốn cho người khác. Mặt khác, dù về hình thức đó là hợp đồng hợp tác đầu tư nhưng CTCK lại không bị mất vốn nếu nhà đầu tư sử dụng khoản vốn này để kinh doanh và bị thua lỗ, lại được hưởng khoản thu nhất định, nên đây thực chất là hoạt động cho vay. Do đó, mặc dù về hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư là phù hợp, nhưng nội dung lại không phù hợp (CTCK cho nhà đầu tư vay chứ không phải cùng đầu tư), nên hợp đồng hợp tác đầu tư nhằm lách luật thực hiện margin không được pháp luật bảo vệ.
Trao đổi với ĐTCK, giám đốc một CTCK cho rằng, dịch vụ tài chính hỗ trợ cho nhà đầu tư trước đây vốn do các ngân hàng thực hiện. Sau đó, vì dịch vụ này mang lại lợi nhuận khá lớn nên các CTCK đã "dành" lấy để làm. Tuy nhiên, do quản trị rủi ro tại nhiều CTCK còn yếu nên đã phát sinh nhiều khoản nợ xấu, những khoản đầu tư tự doanh bất đắc dĩ. Mặc dù vậy, đây vẫn là một trong số ít mảng dịnh vụ mang lại nguồn thu chính cho nhiều CTCK. Nếu yêu cầu các đơn vị này chấm dứt thì sẽ xảy ra hai vấn đề. Một là áp lực bán tháo cổ phiếu với khối lượng lớn để thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư. Hai là nguồn thu của các CTCK bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong giai đoạn khối công ty này đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, để tránh gây sốc cho thị trường, việc chấm dứt loại hình cho vay này cần có lộ trình để thực hiện.
Bà Tạ Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cũng giống như vấn đề ủy quyền giao dịch, khi quy định mới về margin được ban hành, kể từ ngày văn bản có hiệu lực, các CTCK phải tuân thủ quy định mới. Đối với những giao dịch đã ký trước đây phải chấm dứt trong một thời hạn nhất định. Theo bà Bình, sở dĩ trước đây nở rộ việc lách luật để thực hiện margin là do chưa có quy định hướng dẫn, nay đã có thì các CTCK phải tuân theo. Nếu các CTCK và nhà đầu tư cố tình lách luật là việc của CTCK, nhưng những hợp đồng đó sẽ không được pháp luật bảo vệ do trái quy định.
"Chứng khoán là ngành kinh doanh có điều kiện nên UBCK hoàn toàn có thể buộc các CTCK ngưng hợp đồng hợp tác đầu tư với mục đích cho vay. Vấn đề là UBCK sẽ ‘siết’ như thế nào, bởi nếu tất cả các CTCK đều bán ra chứng khoán để tất toán hợp đồng thì TTCK sẽ xấu hơn rất nhiều. Chắc chắn đó là điều UBCK không muốn thấy trong bối cảnh hiện nay", nhà đầu tư Lê Ngọc Hoàng tại sàn giao dịch chứng khoán Tân Việt nói.
0 Nhận xét :
Đăng nhận xét