27/10/14

ETF và những tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam

(Tài chính) Thập kỷ gần đây giới đầu tư toàn cầu chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ETF-exchange traded fund. ETF được xem như một phát minh thành công nhất trong lịch sử đầu tư tài chính. ETF đã đến Việt Nam từ năm 2008 với sự xuất hiện của các quỹ ETF ngoại. Nhiều bài báo đã giới thiệu về đặc điểm công cụ này do đó bài viết dưới đây sẽ đưa ra góc nhìn khác về ETF, đó là tác động của các quỹ này đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

    Toàn cảnh ETF
    ETF hiểu đơn giản là một quỹ đầu tư theo dõi các chỉ số chứng khoán, hàng hóa hoặc một rổ tài sản như một quỹ chỉ số nhưng lại giao dịch như một cổ phiếu niêm yết. Giá của ETF thay đổi hàng ngày khi chúng được mua bán, giao dịch. Các đặc điểm nổi bật của ETF thường được nhắc đến như: Vốn đầu tư thấp, nhà đầu tư có thể sử dụng đòn bẩy tài chính, có thể bán khống, chi phí giao dịch không cao, tính thanh khoản, tính đa dạng và tính minh bạch (Vanguard, 2013).

    Ngoài ra, ETF hoạt động theo cơ chế quản lý bị thụ động nên chi phí quản lý quỹ luôn thấp hơn các quỹ tương hỗ. Theo thống kê gần đây, mức phí trung bình hàng năm của quỹ tương hỗ khoảng 1,23% trong khi ETF chỉ khoảng 0,55% (MBS Talk 3, 2013).
    Hiện nay, quỹ ETF xuất hiện tại Việt Nam đều là các quỹ ngoại, cho đến thời điểm hết năm 2013 vẫn chưa có sự xuất hiện của quỹ ETF nội địa. Các quỹ ETF ngoại sử dụng các mã chứng khoán đang niêm yết trên hai sàn giao dịch HoSE và HNX để xây dựng bộ chỉ số (basket securities). Các ETF này đều được giao dịch thứ cấp tại các sàn giao dịch nước ngoài và niêm yết bằng ngoại tệ.

    Tính đến thời điểm tháng 1/2014, đã có bốn quỹ ETF nước ngoài đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam (DB X- Tracker FTSE Vietnam UCITs ETF, Market vector Vietnam ETF, MSCI Frontier Markets index ETF, Ishares MSCI Frontier 100 index fund). Bên cạnh đó, Ishares MSCI Vietnam Investable market index fund ETF hiện đang chờ phê duyệt của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC). Quỹ ETF này sẽ mô phỏng theo MSCI Vietnam Investable Market Index - chỉ số được thành lập từ ngày 01/12/2010 nhằm theo dõi diễn biến của 25 cổ phiếu có vốn hóa lớn, vừa và nhỏ trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
    Trong số 4 quỹ kể trên, 2 quỹ lớn đang ảnh hưởng đến diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam đó là DB X- Tracker FTSE Vietnam UCITs ETF và Market vector Vietnam ETF. Hai quỹ còn lại có tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam rất thấp chỉ khoảng 200.000 USD với tổng tài sản của hai quỹ chỉ khoảng 10 triệu USD (MSCI, 2014).
    Hai quỹ lớn lần lượt được niêm yết và giao dịch thứ cấp trên sàn giao dịch chứng khoán Luân Đôn và sàn giao dịch chứng khoán New York.
    Ảnh hưởng từ các quỹ ETFs đến thị trường chứng khoán Việt Nam
    Động thái của các quỹ ETF bắt đầu được các nhà đầu tư (NĐT) trong nước quan tâm từ năm 2011 và sự quan tâm này đang được đặc biệt chú ý trong năm 2013. Xét về quy mô tài sản của hai quỹ chính là Market Vector và FTSE, với tổng tài sản khoảng 800 triệu USD, có thể được xếp vào quy mô lớn trong khối các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

    Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố then chốt, tạo tác động đến thị trường mà chính tính minh bạch thông tin về quỹ ETF, những động thái có thể dự đoán từ chu kỳ rà soát danh mục của quỹ ETF đã phần nào chi phối thị trường.
    Tác động của chu kỳ rà soát danh mục của quỹ ETF lên thị trường chứng khoán
    Mỗi quỹ ETF đều được xây dựng dựa trên một chỉ số tham chiếu nhất định. Chỉ số tham chiếu thông thường được xây dựng trước khi quỹ ETF đi vào hoạt động. Ví dụ chỉ số Market Vector được thiết lập tháng 5/2007 và đến tháng 1/2008 quỹ ETF này mới chính thức hoạt động. Các chỉ số tham chiếu được xây dựng trên nhiều nguyên tắc khác, trong đó có bốn nội dung chính: Tính thanh khoản, tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài, quy mô vốn hóa và tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free-float). Các quỹ ETF định kỳ rà soát danh mục nhằm đảm bảo các cổ phiếu thuộc chỉ số luôn tuân thủ các nguyên tắc. Bảng dưới đây tổng hợp các điều kiện để được ở lại/thêm vào Vietnam Market Vector trong đó cổ phiếu thành viên là cổ phiếu đã thuộc chỉ số cần thỏa mãn các điều kiện để không bị loại khỏi chỉ số.
    Đối với các cổ phiếu không là thành viên (tức chưa thuộc chỉ số tham chiếu) cần thỏa mãn các điều kiện đã nêu để được đưa thêm vào chỉ số. Thông thường, điều kiện bổ sung một cổ phiếu mới khó hơn là điều kiện giữ lại một cổ phiếu trong chỉ số. Nếu cổ phiếu thành viên không được giao dịch trong vòng 10 ngày liên tiếp hoặc bị ngừng giao dịch 10 ngày liên tiếp được xem là mất thanh khoản và bị loại ra khỏi chỉ số.
    Bên cạnh các điều kiện trên, lịch rà soát danh mục của các quỹ ETF cũng được công bố rộng rãi (hay còn gọi là lịch đảo danh mục). Lịch công bố đảo danh mục của VNM trong năm 2014 đã công bố vào đầu tháng 1/2014 (www.vietstock.com). Trong khi đó, lịch đảo danh mục 2014 của FTSE đã có từ tháng 12/2013. Chính vì vậy, trước mỗi chu kỳ rà soát danh mục, các NĐT có thể dự đoán cổ phiếu bị loại, cổ phiếu thêm vào danh mục cũng như điều chỉnh tỷ trọng. Đây cũng là thông tin NĐT trong nước cần cân nhắc để có chiến lược phù hợp.
    Ngoài ra, vào thời điểm rà soát danh mục, giao dịch của quỹ khá sôi động làm gia tăng tính thanh khoản trên thị trường. Gần đây nhất là từ 16 - 20/12/2013, đây là tuần cuối cùng hai quỹ lớn ETF là VNM và FTSE hoàn tất tái cơ cấu danh mục khiến khối lượng giao dịch tăng mạnh, đặc biệt là phiên cuối tuần cả ở hai sàn HoSE và HNX
    Tác động của hoạt động arbitrage đến dòng vốn ngoại
    Bên cạnh những hiệu ứng vào các đợt chốt danh mục, hoạt động arbitrage chứng chỉ quỹ ETF tác động đến dòng vốn ngoại vào Việt Nam. Cơ chế hoạt động của ETF sẽ giải thích sự ra vào của dòng vốn ngoại này.
    Chứng chỉ quỹ được giao dịch tại cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Tại thị trường sơ cấp, các thành viên lập quỹ sẽ mua cổ phiếu tạo thành một danh mục nhất định và hoán đổi danh mục này lấy các lô chứng chỉ quỹ (CCQ) ETF. Các thành viên lập quỹ thông thường là các công ty chứng khoán. Chỉ có các thành viên lập quỹ mới được mua trực tiếp CCQ từ quỹ, sau đó thành viên lập quỹ sẽ niêm yết, bán trên sàn giao dịch và phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân/tổ chức (giao dịch thứ cấp).
    Bên cạnh việc tạo lập CCQ trên, các thành viên lập quỹ có thể hoàn trả các CCQ theo cơ chế như sau: Sau khi gom đủ trên thị trường thứ cấp một số lô CCQ, các thành viên lập quỹ có thể hoàn trả CCQ này cho quỹ ETF và lấy danh mục chứng khoán. Thành viên lập quỹ có thể xé lẻ chứng khoán bán trên sàn giao dịch. Hoạt động tạo lập hay hoàn trả CCQ của thành viên lập quỹ chính là hoạt động arbitrage dựa trên so sánh giá CCQ và giá trị tài sản ròng (NAV). Bản thân CCQ ETF là một chứng khoán niêm yết giao dịch trên thị trường, giá của CCQ do cung cầu quyết định. Do đó sẽ có sự chênh lệch giữa NAV và giá thị trường.
    - Trạng thái Premium khi giá CCQ > NAV: Các thành viên lập quỹ sẽ mua chứng khoán cơ cấu để đổi lấy CCQ rồi bán lại CCQ trên thị trường để ăn chênh lệch (trong trường hợp này quỹ ETF sẽ phải phát hành thêm CCQ).
    - Trạng thái Discount khi giá CCQ < NAV: Các thành viên lập quỹ sẽ mua CCQ trên thị trường thứ cấp rồi đổi lấy danh mục chứng khoán cơ cấu, xé lẻ và bán lại chứng khoán này để kiếm lời (trong trường hợp này số lượng CCQ sẽ giảm đi).
    Cơ chế arbitrage đảm bảo luôn có sự cân bằng giữa giá CCQ trên thị trường và giá trị tài sản ròng của CCQ. Quan sát trạng thái Premium/Discount sẽ cung cấp các tín hiệu, dòng tiền đang đổ vào hay rút ra khỏi các quỹ ETF. Đồ thị 1 sẽ cung cấp trạng thái CCQ VNM từ 02/01/2013 đến 19/02/2014.
    Quan sát số liệu cho thấy, đầu năm 2013 và đầu năm 2014, CCQ luôn ở trạng thái premium, tín hiệu cho thấy dòng vốn liên tục đổ vào quỹ VNM. Ngay thời điểm đầu năm 2014, cao điểm ngày 13/02/2014, VNM có mức premium lên đến 11.03% (VanEch Global). Với đặc điểm là các ETF offshore, tức là rổ chứng khoán cơ sở thì xây dựng tại Việt Nam, trong khi CCQ lại được niêm yết và giao dịch tại sàn giao dịch chứng khoán New York nên quá trình điều chỉnh trạng thái Premium hay Diccount sẽ có một độ trễ nhất định so với các ETF nội địa.
    Tính thanh khoản của các cổ phiếu thuộc quỹ ETFs (basket securities)
    Liệu một cổ phiếu khi được bổ sung vào một quỹ ETF có tăng tính thanh khoản, hay một cổ phiếu khi bị loại ra khỏi danh mục quỹ có giảm tính thanh khoản và liệu có thể xác định tách bạch ảnh hưởng của quỹ ETF lên các chứng khoán thuộc rổ? Câu trả lời định lượng sẽ được trình bày trong các nghiên cứu tiếp theo.

    Hiện tại, có thể khẳng định việc một chứng khoán được bổ sung thuộc một quỹ ETF đã tăng tính thanh khoản cho chứng khoán đó thông qua tăng kỳ vọng của nhà đầu tư. Không phải tự nhiên, các sàn giao dịch trên thế giới luôn tồn tại nhiều bộ chỉ số khác nhau. Các chỉ số chứng khoán khác nhau phản ánh các góc nhìn khác nhau về TTCK, bên cạnh đó còn tạo ra thương hiệu cho mã chứng khoán thuộc chỉ số, do đó làm tăng tính hấp dẫn cho cổ phiếu nói riêng và tăng tính thanh khoản cho thị trường nói chung.
    Các chứng khoán thuộc FTSE Vietnam Index hay Vietnam Market Vector Index cũng gia tăng tính thanh khoản do tác động từ dòng vốn khối ngoại và do cả hiệu ứng truyền thông. Trong tương lai, khi các quỹ ETF nội địa xây dựng trên các bộ chỉ số như VN30 hay HNX30 sẽ càng làm gia tăng tính hấp dẫn của các chứng khoán thuộc rổ chỉ số tương ứng.
    Câu chuyện về ETF nội địa dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm 2014. Về mặt pháp lý, ETF được quan tâm nhiều hơn so với chứng khoán phái sinh. ETF xuất hiện sau nhưng đã đầy đủ các cơ chế pháp lý, trung tâm lưu ký và cơ chế thanh toán bù trừ cho sản phẩm ETF cũng như xử lý các rủi ro liên quan đến việc hủy thanh toán ETF. Dự kiến việc thử nghiệm sẽ hoàn tất trước quý III/2014 và sau đó thị trường sẽ đón nhận quỹ ETF nội địa đầu tiên.
    Với ưu thế về minh bạch thông tin, các quỹ ETF ngoại đã có những ảnh hưởng đáng kể đến TTCK Việt Nam trong thời gian thông qua chu kỳ rà soát danh mục, hoạt động arbitrage qua đó gia tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu thuộc chỉ số quỹ ETF. Sự ra đời các quỹ ETF nội địa chắc chắn sẽ làm thị trường ETF thêm sôi động và tăng tính hấp dẫn cho thị trường vốn Việt Nam.

    0 Nhận xét :

    Đăng nhận xét