Hôm qua đọc được tin này: Thêm một ngân hàng nước ngoài đến Việt Nam. Lần này là Ngân hàng Rothschild. Tôi chợt nhớ đến một quyển sách mà mình đã đọc cách đây một thời gian, cuốn Currency Wars – Chiến tranh Tiền tệ. Giở quyển sách ra đọc lại, vẫn có cảm giác như lần đầu đọc: một sự pha trộn giữa ngạc nhiên, thán phục và sờ sợ.
Bỗng nhiên muốn viết một cái gì đó.
____
Chúng ta thường hay nghe nói đến Citybank, HSBC hay là… Vietcombank, nhưng chắc là không nhiều người biết đến cái tên NM Rothschild & Sons Ltd. Thật ra đây là một cái tên rất nổi tiếng trong ngành tài chính thế giới, tên của một gia tộc mà sự phát triển của gia tộc này gần như gắn liền với các sự kiện chi phối lịch sử thế giới mấy trăm năm nay.
Nếu chúng ta biết được Cục Dữ Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (FED) bị chi phối bởi những ngân hàng tư nhân, và biết được rằng ai là kẻ đứng đằng sau các cuộc chiến tranh, khủng hoảng tài chính… Như trong quyển Currency Wars đã nói, nếu chúng ta tin rằng Bill Gates là người giàu nhất thế giới thì chúng ta đã là một trong những khán giả của màn kịch lớn nhất thế giới.
Thời điểm đó những điều này làm tôi vô cùng hứng thú và say sưa tìm đọc tất cả những tài liệu liên quan đến vấn này.
…
Đọc những câu chuyện về sự hình thành của gia tộc Rothschild, một gia tộc đã âm thầm cai quản một ngai vàng quyền lực, chi phối tất cả mọi hoạt động của thế giới. Tất cả những vấn đề vĩ mô nhất, như chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, các chính sách phát triển kinh tế của các vị vua, tổng thống… đều bị sự chi phối của những kịch bản của các tập đoàn tài chính này, mà trong đó Rothschild như là một ông trùm của thế giới ngầm.
Vào đầu thế kỷ 19, khi cuộc chiến giữa Anh và Pháp đang dần đi đến hồi quyết định, trận quyết chiến giữa Napoleon và Wellington ở Waterloo đang bắt đầu diễn ra, kết quả của trận chiến này sẽ quyết định cục diện châu Âu khi đó, nước nào sẽ “thắng làm vua” và nước nào sẽ “thua làm giặc”. Đây cũng là câu chuyện mà tôi thích nhất khi đọc về gia tộc Rothschild. Trong trận chiến này, Rothschild đã xây dựng được những mạng lưới tình báo và gián điệp ở cả 2 phía, và trớ trêu mà mạng lưới tình báo của Rothschild còn hiệu quả hơn cả của quân đội.
Khi đã xác địch được kết quả chiến cuộc ở Waterloo (rằng Napoleon sẽ thua). Các gián điệp của Rothschild tức tốc đưa thông tin này về cho Nathan Rothschild – đầu não của gia tộc này ở London – từ đó ông biết thông tin quý báu này trước tất cả những nhà đầu tư khác ở thị trường chứng khoán London – khi đó đang hồi hộp ngóng chờ kết quả trận chiến. Chính vì sự đi trước này, kết hợp những kỹ năng, chiêu thức (và cả thủ đoạn) của mình, Rothschild đã làm cho mọi người tin rằng nước Anh đã thua trận, khiến người ta bán thốc bán tháo trái phiếu của Anh đi, trước khi chúng biến thành giấy vụn. Đúng thời điểm đó, người của Rothschild đã mua vào tất cả với giá gần như cho không. 1 ngày sau tin tức chiến thắng của Wellington mới về đến và lúc này Rothschild đã gần như thâu tóm tất cả trái phiếu chính phủ của Anh. Rothschild trở thành chủ nợ lớn nhất của nước chiến thắng. Wellington chiến thắng trên chiến trường để đưa Rothschild đi qua khải hoàn môn của quyền lực vô hình. Từ đó gia tộc này xây dựng một tập đoàn tài chính hùng mạnh cho tới tận ngày hôm nay. Và hôm nay, tập đoàn này đến Việt Nam.
…
Trước đây tôi thường thắc mắc không hiểu vì sao người ta lại có các khoảng vay ưu đãi cho các nước khác, rằng vì sao có những khoản viện trợ ODA, vì sao World Bank hay IMF lại thường đưa ra những khoản chi hào phóng cho các dự án của các chính phủ nước nghèo… Nhưng càng đọc càng hiểu hơn, và biết rằng đó là những cạm bẫy ngọt ngào mà các nhà tài phiệt thế giới ru ngủ các chính phủ. Để rồi đến một lúc nào đó những chính phủ này phải chịu sự chi phối của tổ chức này.
Không cần nhìn đâu xa, mới vừa đây thôi thị trường chứng khoán Việt Nam đã giáp mặt với một cuộc khủng hoảng tương tự. Khi mà người ta bơm tiền vào thị trường để gây nên những giá trị ảo cho các công ty, đẩy những cổ phiếu các công ty đi quá xa so với giá trị thực sự của nó, dẫn đến các nhà đầu tư Việt Nam bỗng một đêm trở nên giàu có – tôi có những người bạn chỉ dành ra 500 triêu để đầu tư và có thời điểm họ có trong tay đến hàng chục tỉ. Đẩy theo các giá trị khác tăng theo, mà điển hình nhất là các giá trị đất đai, khi mà người ta mua nhà ở không phải vì nhu cầu chỗ ở mà là vì những giá trị ảo do chính những người mua đẩy lên. Cho đến một thời điểm thích hợp, khi mà những bàn tay vô hình này rút vốn ra khỏi thị trường thì tất cả những giá trị đó rớt không phanh rơi rớt hơn cả giá trị thật sự của nó, dẫn đến làn sóng thua lỗ, phá sản của hàng loạt người, thậm chí người ta có cảm giác khiếp sợ về chứng khoán, nghĩa là đâm đầu vào thì chỉ có chết. Đó chính là thời điểm đỏ sàn vừa qua.
Thời điểm “huy hoàng ảo” của chứng khoán ấy, tôi từng thấy rất nhiều “nhà đầu tư” xuất thân từ đủ mọi thành phần, từ những công nhân viên văn phòng, những người dân buôn bán rút tiền dành dụm ra đầu tư, đến cả những bà nội trợ cũng đi cầm cố tài sản đi chơi chứng khoán, vì chơi là thắng, mà thắng một thắng mười. Lợi nhuận quá lớn này làm người ta quên đi một điều đơn giản, rằng những khoảng đầu tư nào mà lợi nhuận quá lớn đều có những uẩn khúc của nó, rằng thị trường chứng khoán chỉ là một thị trường luân chuyển tiền tệ, đồng tiền chuyển từ nơi này sang nơi khác, nếu bạn thắng tiền thì tiền đó đến từ đâu? Và ai sẽ mất đi những đồng tiền đó?
Tôi có quen một số người làm việc ở các ngân hàng, một số trong bọn họ đang chinh chiến ở các thị trường như Hongkong, New York… họ được công ty mẹ cử về Việt Nam chỉ để làm một việc là tham gia vào các hoạt động đầu tư của thị trường chứng khoán, dùng các quỹ khổng lồ để kích thích đầu tư. Ngồi nghe họ nói chuyện, tôi tham gia nhiều nhưng chợt rùng mình khi nghĩ đến một điều đơn giản: làm sao những bà nội trợ, những anh công nhân viên chức có thể chiến thắng được những cái đầu này ngay trên chính sân chơi của họ? Thế mà người ta vẫn nghĩ rằng chứng khoán là một mỏ vàng và tất cả mọi người ồ ạt đổ xô đến… nhặt về.
Và kết quả ở thời điểm này, tôi đã chứng kiến không ít bạn bè trắng tay sau canh bạc chứng khoán, và sau đó là địa ốc.
Tôi đứng ngoài những làn sóng này, vì tôi tự xét mình không phải là một chuyên gia tài chính, và tôi nghĩ đơn giản: tôi không thể chiến thắng những cái đầu kia. Tôi dùng tiền của mình để đầu tư vào những lĩnh vực mà tôi hiểu rõ. Có đôi lúc tôi cũng ghen tị khi bạn bè bỗng dưng lên vùn vụt, nhà cửa 2-3 cái, xe cộ bạc tỉ… Nhưng cuối cùng nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn đứng ngoài. Thế nên bây giờ tôi vẫn sống tương đối khỏe, tôi không phải lo lắng, trầm uất, tiếc nuối…
…
Nghĩ xa hơn một chút, hàng ngày xem tin tức cứ nhìn thấy những buổi ký kết nhận những khoản vay của chính phủ, những khoản viện trợ mà chính phủ đã nhận từ các nước, các tổ chức trên thế giới. Bỗng thấy lo! Tôi không phải là nhà kinh tế, tôi không hiểu tường tận về kinh tế vĩ mô. Nhưng tôi biết một quy luật đơn giản: không ai cho không ai cái gì, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính. Chiến lược của các nhà tư bản không phải là vài năm, vài chục năm mà có khi là hàng trăm năm.
Liệu rồi đến một lúc nào đó con cháu chúng ta sẽ chịu sự chi phối của họ? Đến một lúc mà các khoản vay sẽ trở thành khoản vay vĩnh viễn – như vua William Đệ Nhất đã nợ gia tộc Rothschild, để rồi tất cả những khoản đóng thuế của toàn dân Anh chỉ để làm một việc là trả lãi cho Rothschild, để rồi nhà vua đã buộc phải ra những quyết định có lợi cho họ.
(Trích từ một tác giả giấu tên)
có 1 thế giới ngầm đang chi phối cả thế giới
Trả lờiXóa