Ngày 26/10/2012, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 7019/NHNN-QLNH yêu cầu các tổ chức tín dụng còn số dư huy động và cho vay vốn bằng vàng thực hiện một số nội dung để chấm dứt huy động vốn bằng vàng theo quy định tại Thông tư 12/2012/TT-NHNN.
Văn bản của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, các tổ chức tín dụng được tiếp tục phát hành chứng chỉ huy động ngắn hạn bằng vàng từ nay đến hết ngày 24/11/2012 theo nguyên tắc thời gian đáo hạn của các chứng chỉ huy động ngắn hạn bằng vàng được phát hành mới không vượt quá ngày 30/6/2013. Chứng chỉ huy động phát hành mới không được chi trả trước hạn.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng chỉ được phát hành thêm chứng chỉ huy động ngắn hạn khi số vàng tồn quỹ và thu nợ không đủ để chi trả, tổng khối lượng huy động tối đa không vượt quá tổng khối lượng vàng sử dụng (ngoại trừ các khoản chuyển đổi vàng thành tiền theo Thông tư 32/2011/TT-NHNN và các khoản bán vàng kỳ hạn) và theo nguyên tắc tổng khối lượng vàng huy động giảm dần.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải xây dựng và báo kế hoạch phát hành chứng chỉ huy động ngắn hạn bằng vàng từ nay đến ngày 25/11/2012 để Ngân hàng Nhà nước xem xét, phê duyệt đối với từng tổ chức tín dụng trước khi thực hiện.
Các tổ chức tín dụng cũng phải xây dựng kế hoạch thu hồi khối lượng vàng đã chuyển đổi thành tiền và sử dụng vào mục đích khác, trừ cho vay bằng vàng.
Văn bản nêu trên được Ngân hàng Nhà nước ban hành trong bối cảnh hiện vẫn còn 3 ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc tất toán ở mốc thời hạn 25/11, với quy mô khoảng 8 tấn vàng; còn toàn hệ thống hiện cần khoảng 20 tấn vàng.
Dữ liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 6 tháng qua, các ngân hàng thương mại đã mua ròng khoảng 60 tấn vàng từ dân cư. Trong khi đó, tính đến ngày 19/10/2012, tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng tới 14,02% so với cuối năm 2011; trong đó, huy động bằng ngoại tệ giảm 1,55%, còn huy động bằng VND tăng tới 17,52%.
Tính đến ngày 24/4 thì tổng số lượng vàng NHNN bán thông qua đấu giá mới đạt khoảng hơn 11 tấn, do đó có thể thấy nhu cầu vàng của các ngân hàng thương mại vẫn đang còn rất lớn. Kì hạn 30/6 thì đang đến gần dẫn đến các ngân hàng thương mại phải mua và gom vàng với một mức giá cao hơn thị trường. Điều này cũng dẫn đến làm cho cầu vàng trong nước tăng mạnh khiến cho chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế có lúc lên tới gần 7 triệu/lượng.
0 Nhận xét :
Đăng nhận xét