17/11/12

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc thời Tập Cận Bình


Thách thức lớn nhất mà lãnh đạo mới của Trung Quốc phải đối mặt là vận dụng chính sách đối ngoại để đảm bảo sự trỗi dậy của quốc gia, trong khi duy trì ổn định và ảnh hưởng của họ trên toàn thế giới. 

Kevin Rudd, người từng giữ chức thủ tướng Australia từ năm 2007 tới 2010, ngoại trưởng Australia từ năm 2010 tới 2012, và hiện là chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc cũng như chính sách đối ngoại của nước này, cho rằng sự mạnh lên nhanh chóng của cường quốc số hai thế giới nhiều khả năng sẽ bị tác động bởi những thách thức nảy sinh từ mối quan hệ của nước này với cộng đồng quốc tế.
Theo ông Rudd, Tập Cận Bình, người vừa nhậm chức tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, dường như được sinh ra để trở thành một nhà lãnh đạo. Rudd dự đoán về chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong một bài viết cho BBC, dưới đây.
Tập Cận Bình lên nắm quyền vào thời điểm Trung Quốc đang nổi lên như một nền kinh tế hàng đầu thế giới. Lần đầu tiên kể từ cuối thế kỷ 18, Trung Quốc, một quốc gia không sử dụng tiếng Anh và không thuộc về phương Tây, sẽ thống trị nền kinh tế thế giới.
Tổng bí thư mới của Trung Quốc có một gia thế hoàn hảo, với danh tiếng của cha ông, cựu phó thủ tướng Tập Trọng Huân, người đi đầu trong phong trào cải cách kinh tế ở Trung Quốc, cùng nhiều năm liền tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo và làm kinh tế ở các tỉnh thành lân cận Bắc Kinh. Từ 5 năm trở lại đây, cùng với việc giữ các chức vụ quan trọng trong đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình bắt đầu tích cực tìm hiểu về những vấn đề toàn cầu và quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia toàn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ.
Với quan điểm hiện đại hóa Trung Quốc trong khi vẫn duy trì sự ổn định chiến lược ở Đông Á, Tổng bí thư Tập Cận Bình chính là nhà lãnh đạo mà những người làm chính sách ở Mỹ rất muốn được hợp tác cùng.
Màn hình lớn truyền hình trực tiếp về Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh. Ảnh:AFP

Chủ nghĩa dân tộc Đông Á

Lịch sử hàng nghìn năm của nhân loại cho thấy, quyền lực chính trị luôn luôn xuất phát từ sức mạnh kinh tế, và theo thời gian, chính trị và an ninh quốc tế đã trở thành hai vấn đề luôn được liên kết chặt chẽ với nhau.
Tuy nhiên, sự lớn mạnh của Trung Quốc vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi những thách thức mà nước này và phần còn lại của thế giới phải đối mặt. Các trở ngại này thực chất lại đang đóng vai trò duy trì trật tự thế giới hiện tại, dựa trên sự ổn định chiến lược toàn cầu và đà tăng trưởng kinh tế quốc tế kể từ sau Thế chiến II.
Trật tự thế giới hiện tại phần nào đã thỏa mãn những nỗ lực của chính phủ và nhân dân Trung Quốc sau 30 năm tiến hành cải cách và hiện đại hóa đất nước. Nếu được duy trì trong tương lai, trật tự này vẫn sẽ tiếp tục đáp ứng được những lợi ích của Trung Quốc, bất chấp thực tế rằng nó không được xây dựng dựa trên đóng góp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mà là nhờ vào thắng lợi của các quốc gia phương Tây sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin.
Trái với sức mạnh kinh tế nổi trội, tiềm lực quân sự của Trung Quốc vẫn còn khá yếu nếu so sánh với Mỹ. Theo ông Rudd, Mỹ, cường quốc số một thế giới, vẫn sẽ tiếp tục duy trì vị trí độc tôn cho tới giữa thế kỷ 21, và đó là một tầm nhìn chiến lược toàn cầu mà Trung Quốc thực sự phải tính tới.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận một sự thật rằng, tại khu vực Đông Á hay cả một vùng rộng lớn trải dài từ Ấn Độ dương sang Thái bình dương, sức ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày một mạnh hơn. Từ tầm nhìn chiến lược, cấu trúc lực lượng cho tới học thuyết quân sự của nước này đều hướng tới một mục đích, đó là hỗ trợ “lợi ích cốt lõi” của quốc gia, mà ở đó, Trung Quốc tuyên bố muốn hợp nhất vùng lãnh thổ Đài Loan với đại lục, cũng như khẳng định chủ quyền với các vùng biển Hoa Nam (Việt Nam gọi là Biển Đông) và Hoa Đông.
Thách thức với Trung Quốc là một loạt tranh chấp về vấn đề lãnh thổ với các nước láng giềng. Trong khi đó, Mỹ, với sự chuyển hướng chiến lược từ Trung Đông sang châu Á – Thái Bình dương, vẫn kiên trì với những ý kiến trung lập. Vấn đề tranh chấp tại Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư/Senkaku chính là hai đại diện tiêu biểu cho những điểm nóng có thể bùng lên trong tương lai tại khu vực này.
Khác với ở phương Tây, chủ nghĩa dân tộc trong vấn đề chính trị vẫn đang tồn tại và phát triển khá mạnh ở Đông Á. Bất chấp thực tế về xu hướng hợp nhất các nền kinh tế trong khu vực, những ngọn lửa của chủ nghĩa dân tộc, nếu đặt trong một hoàn cảnh thích hợp, vẫn sẽ dễ dàng bùng lên và biến thành một đám cháy lớn. Đó chính là câu hỏi hóc búa mà các chính phủ phải đau đầu tìm lời giải đáp.
Thách thức lớn mà Trung Quốc cùng các quốc gia trong khu vực phải chung tay giải quyết, đó là xây dựng một nền an ninh tự chủ và có giới hạn. Đây được coi như một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất được đề cập tới trong Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, chương trình nghị sự về chính trị và an ninh mở rộng. Hội nghị này sẽ diễn ra sau loạt hoạt động của ASEAN tại Campuchia bắt đầu từ hôm qua.

Mở rộng thị trường quốc tế

Bên ngoài Đông bán cầu, một câu hỏi thường xuyên được đặt ra, là Trung Quốc sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình như thế nào với phần còn lại của thế giới.
Trong giai đoạn trước mắt, mục tiêu tối cao của Trung Quốc là hoàn thành nhiệm vụ hiện đại hóa nền kinh tế, phục vụ cho lợi ích quốc gia và người dân. Tính sống còn của nhiệm vụ này sẽ chỉ đạo chiến lược đối ngoại của Trung Quốc.
Trung Quốc tất nhiên muốn sự ổn định chiến lược toàn cầu bởi các tranh chấp sẽ chỉ làm suy yếu triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này.
Trung Quốc cũng muốn duy trì khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu, thứ đã giúp nước này đạt được những thành tựu kinh tế như hiện nay. Theo thời gian, lãnh đạo Trung Quốc hy vọng rằng, thay vì nhu cầu quốc tế, lĩnh vực tiêu dùng nội địa sẽ giúp họ điều chỉnh sự tăng trưởng kinh tế tốt hơn.

Việc trở thành một cường quốc hàng đầu mang lại cho Trung Quốc những lợi ích chính trị sâu sắc. Sức mạnh kinh tế giúp nước này giữ vai trò quan trọng hơn trong việc ổn định trật tự thế giới.
Sự mong manh của nền kinh tế quốc tế, với hai cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng nợ châu Âu, đã mang tới những kinh nghiệm cho Trung Quốc trong việc quản lý đất nước. Hiện nay, dòng chảy thương mại và đầu tư vẫn đóng vai trò rất quan trọng với tương lai trung hạn của nền kinh tế Trung Quốc.
Với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định vị thế lớn mạnh của họ trong vấn đề Syria, khi ba lần cùng Nga sử dụng phiếu phủ quyết để bác bỏ ý định can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này. Trung Quốc cũng kiên quyết khi ủng hộ và bảo vệ các chính quyền Damascus, Tehran và Bình Nhưỡng, dựa trên lập trường không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.
Mặt khác, Trung Quốc cũng đang thể hiện mình là một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế, khi tham gia vào nhiều tổ chức toàn cầu, từ xã hội, kinh tế, tới nhân đạo và môi trường.
Trung Quốc đang có rất nhiều đóng góp cho các tổ chức gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trên toàn thế giới. Nước này cũng đã phát triển một chính sách viện trợ toàn cầu mới, không phụ thuộc vào các nguyên tắc được điều hành bởi Ủy ban Hỗ trợ Phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ trở thành một thành viên nổi bật hơn trong lĩnh vực viện trợ ở các quốc gia đang phát triển.

Trung Quốc ở châu Phi

Hai cậu bé Liberia khoe tấm ảnh cựu tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Ảnh:Christopher Herwig
Rõ ràng là châu Phi có thể mang lại những lợi ích kinh tế và đối ngoại sâu sắc cho Trung Quốc. Theo ông Rudd, Trung Quốc hiện coi lục địa đen là nguồn cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô quan trọng, những thứ rất cần thiết cho quá trình tăng trưởng và hiện đại hóa.
Thực tế, dòng chảy đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc vào lục địa đen đang tăng mạnh. Xét trên phương diện tiêu cực, điều này lại đang gây ra nhiều cuộc tranh luận gay gắt trong nội bộ các quốc gia ở châu Phi, nơi đã phát sinh căng thẳng liên quan tới sự phát triển quá nhanh chóng của các mỏ khai thác khoáng sản quy mô lớn.
Châu Phi cũng sẽ là một nhân tố quan trọng đối với vị thế của Trung Quốc trong mắt các quốc gia đang phát triển. Hiện ở châu Phi đang nổi lên cuộc tranh luận về "mô hình phát triển của Bắc Kinh", theo đó sự phát triển và thành công về kinh tế thông qua cải cách thị trường có thể đạt được, mà không cần phụ thuộc vào tiến trình tự do hóa về chính trị theo kiểu các nền dân chủ Tây phương.
Do vậy , châu Phi đóng vai trò rất quan trọng đối với Trung Quốc. Và tại mỗi một thủ đô ở châu lục này, cũng như trên toàn châu lục, vai trò của Trung Quốc trong kinh tế và chính trị sẽ luôn được tính đến. Bắc Kinh mới đây đã tài trợ lớn cho việc xây dựng trụ sở của Liên minh châu Phi.
Cuối cùng, lời giải cho câu hỏi: trong thập niên tiếp theo, đâu sẽ là những thay đổi lớn về mặt đối ngoại của Trung Quốc? Revin Rudd cho rằng, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, xét trên bình diện rộng, vẫn sẽ là tiếp tục theo đuổi những mục tiêu đã đặt ra nêu trên, chứ không có những thay đổi sâu sắc về căn bản.
Quỳnh Hoa (theo BBC)

1 Nhận xét :

  1. My family members all the time say that I am wasting
    my time here at net, except I know I am getting know-how daily by reading such
    good content.
    My web site > football transfer news now

    Trả lờiXóa