17/5/12

JP Morgan lỗ gần 2 tỷ USD trong quý 1/2012

Tập đoàn tài chính danh tiếng JP Morgan Chase đã đánh mất 15 tỷ USD giá trị thị trường cũng như bị hạ mức tín nhiệm sau khi gây sốc bằng khoản lỗ 2 tỷ USD. Một loạt các nhà hoạch định chính sách và chính trị gia đã đòi hỏi Chính phủ Mỹ phải quản lý ngành ngân hàng chặt chẽ hơn.
Trong bản báo cáo công bố ngày 10/5, JPMorgan cho biết đã mất khoảng 2 tỷ USD ở danh mục đầu tư tín dụng tổng hợp do hoạt động kinh doanh “sai lầm” với lý giải: danh mục này rủi ro và nhiều biến động nhưng lại hoạt động kém hiệu quả so với dự tính ban đầu. Theo phát ngôn từ ngân hàng này, thậm chí đây chưa phải là tất cả những gì xấu nhất vì họ có khả năng còn phải đối mặt với khoản lỗ 1 tỷ USD tính tới tháng 6/2012 do biến động của thị trường.
Thêm lo ngại ngân hàng lớn
Khoản lỗ từ một trong những ngân hàng uy tín nhất phố Wall đã làm xấu mặt CEO Jamie Dimon của ngân hàng này, người vốn được nể phục sau khi đã chèo lái tập đoàn vượt qua khủng hoảng năm 2008 mà không hề thua lỗ.
Theo tờ New York Times, Ủy ban Chứng khoán và hối đoái đã mở cuộc điều tra về các hoạt động kế toán của JP Morgan cũng như việc họ công bố khoản lỗ ra công chúng. Chủ tịch ủy ban Mary Schapiro cũng khẳng định với báo giới: “Không còn nghi ngờ gì nữa, tất cả các quan chức đều đang tập trung vào vụ việc này”.
Sự kiện này đã làm dấy lên lo ngại về các ngân hàng lớn, khiến Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang tại Dallas, ông Richard Fisher, người từng lên tiếng đòi chia tách 5 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, một lần nữa bày tỏ quan ngại rằng các ngân hàng lớn nhất rất có thể đã không quản lý rủi ro đúng cách.
Không chỉ JP Morgan mà toàn ngành tài chính ngân hàng cũng bị ảnh hưởng khi các cổ phiếu trong nhóm này đồng loạt giảm trong ngày thứ sáu (11/5) vừa qua. Trong số đó, Citigroup đánh mất 4,2% giá trị, Goldman Sachs giảm 3,9% và Bank of America giảm nhẹ 1,9%.
Hãng Fitch cho biết, xếp hạng tín nhiệm dài hạn của JPMorgan -ngân hàng lớn nhất nước Mỹ bị hạ xuống A+ từ AA-, xếp hạng ngắn hạn cũng giảm xuống F1 từ F1+. Fitch cũng đặt mọi xếp hạng dài hạn chính và phụ khác của JPMorgan vào diện cảnh báo. Hãng này cũng cho rằng khoản lỗ cùng với diễn biến thường thấy của chúng sẽ có thể khiến thị trường thiếu thanh khoản.
Standard & Poor cũng đặt JP Morgan và bộ phận ngân hàng của họ vào danh sách theo dõi nhưng vẫn giữ mức xếp hạng như cũ.
Hạ bậc tín nhiệm có thể làm tăng chi phí vay và khiến ngân hàng tốn thêm chi phí thế chấp hay thanh lý các hợp đồng phái sinh. Các khoản thế chấp được coi là một trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vì làm cạn kiệt tiền mặt và khiến doanh nghiệp phá sản.
Khoản lỗ chưa rõ ràng
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), cơ quan trực tiếp quản lý ngân hàng này khẳng định họ đang có những động thái nhằm giải quyết tình trạng này. Mục tiêu của FED là đảm bảo cho các ngân hàng có đủ nguồn tài chính để đối phó với những lỗi giao dịch như vậy, một quan chức của cơ quan này cho biết.
Dù thực chất khoản lỗ vẫn còn chưa rõ ràng, một số nguồn tin cho biết nhiều nhà quản lý tài sản, quỹ đầu tư đang nhìn nhận vấn đề theo cách khác. Họ coi đây là lúc để cổ phiếu JP Morgan trở về mức giá tốt và là cơ hội để hoàn thiện danh mục đầu tư của mình.
Rõ ràng là trong cuộc họp cổ đông thường niên được tổ chức vào thứ Ba tới (15/5) tại Tampa, Florida, CEO Dimon sẽ chịu không ít áp lực từ phía các nhà đầu tư, những người đang rất nóng lòng muốn biết chân tướng rõ ràng của sự việc.
Trong khi đó, nhiều cổ đông đang lên tiếng kêu gọi nhiều người chấp thuận giải pháp bổ nhiệm riêng vị trí Chủ tịch tại JP Morgan. Hiện tại, ông Dimon đồng thời nắm cả hai vị trí lãnh đạo tại JP Morgan là chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc điều hành.
Bên cạnh đó, bộ phận quản lý tài chính của tập đoàn cũng bị chỉ trích là đã được tự do giao dịch với khối lượng lớn cũng như tham gia vào nhiều danh mục khác nhau, ngoại trừ hàng hóa. Nhiều nhà đầu tư có uy tín cũng cho rằng ở các ngân hàng khác cũng có thể xảy ra các hoạt động tương đương. Citigroups, Deutsche Bank hay UBS đều là những ví dụ điển hình về việc tham gia vào thị trường với vị thế lớn.
Chủ tịch ngân hàng dự trữ Dallas Fisher phát biểu: “Điều tôi quan tâm nhất hiện nay là quản lý rủi ro, quy mô, phạm vi ảnh hưởng mà thua lỗ do JP Morgan gây ra”. Vì thế, một chính sách giám sát chặt chẽ hơn các ông lớn trên thị trường tài chính cùng tiêu chuẩn quản lý rủi ro là điều mà các nhà đầu tư đang chờ đợi từ Chính phủ Mỹ.
Thu Trang

0 Nhận xét :

Đăng nhận xét