Đầu năm cổ phiếu ngân hàng vẫn được mua bán nhộn nhịp trên thị trường OTC nhưng kể từ khi có tin sáp nhập ngân hàng, mọi trạng thái lệnh đóng băng nghe ngóng.
Chúng tôi có dịp gặp gỡ và nói chuyện với một “trùm” OTC vào một ngày cuối đông năm 2011. Chơi chứng khoán từ năm 2004, 7 năm tham gia thị trường OTC nhưng anh tâm sự chưa năm nào thị trường lại “thảm bại như năm nay”.
Chỉ còn 5% bám trụ
Anh cho biết thị trường OTC phân hóa mạnh giữa hai miền Hà Nội và TP.HCM. Hà Nội chuyên giao dịch cổ phiếu ngân hàng trong khi TP.HCM chủ yếu giao dịch cổ phiếu doanh nghiệp. Trước đây Hà Nội có khoảng 300 môi giới OTC thì hiện tại bám trụ được khoảng 10 người (chưa đến 5%), Sài Gòn có khoảng 400 người thì hiện còn khoảng 40-50 người bám trụ.
Nhưng bản thân những người trụ lại cũng chỉ có khoảng 5-10 người là thực sự hoạt động. Nghĩa là lượng khách cũ vẫn gọi điện, một số đầu mối vẫn kết nối với nhau, thỉnh thoảng khởi động lại nhưng không thường xuyên, “còn lại hầu hết đều giải tán”.
OTC năm 2011: Nóng cổ phiếu ngân hàng đầu năm
Thị trường 6 tháng đầu năm 2011 không quá bi đát, thậm chí còn sôi động hơn niêm yết, bởi một số cổ phiếu ngân hàng được mua mạnh như Techcombank, VPBank.. Thị trường bắt đầu “chết” từ giữa tháng 5 và đến thời điểm này thì mất thanh khoản hoàn toàn.
Cổ phiếu doanh nghiệp thì “chết” từ đầu năm nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC đầu năm 2011 giao dịch khá sôi động. Một số cổ phiếu ngân hàng như Techcombank có giá khoảng 17.000 - 22.000 đồng/cp, VPBank lên 12.000 đồng/cp vào thời điểm quý 1/2011. Hiện giá VPBank vào khoảng 7-8 nghìn đồng/cp, giá Techcomabnk khoảng 12.000 đồng/cp trong khi giá một số cổ phiếu ngân hàng trên sàn đều giảm trên 50% như Habubank (HBB) xuống sát 4.000 đồng/cp, SHB xuống 6.000 đồng/cp.
Đến tháng 11/2011, thị trường bắt đầu phân hóa và đánh sập rất nhiều mã, cầu khách lẻ không xuất hiện. Thị trường chính liên tiếp thủng đáy khiến giá OTC bắt buộc phải xuống. Trong tiềm thức người bán hàng không bao giờ muốn bán rẻ trong khi người mua không muốn mua đắt do đó dẫn đến tình trạng mất thanh khoản toàn cục trên thị trường OTC. “Khách hỏi VP (VPBank) có ai bán giá 5 không em mua, tất nhiên mình có đi hỏi nhưng 7.6 không có ai muốn bán rồi”.
Đối với các cổ phiếu hàng tiêu dùng được cổ đông nước ngoài mua mạnh, nhưng trên thị trường OTC giá các cổ phiếu đó quá cao, như Halico giá khoảng 200.000 đồng/cp, nhà đầu tư nhỏ lẻ không muốn mua.
Điểm đặc biệt trên thị trường OTC năm 2011 là không có sóng cổ phiếu sắp niêm yết. Trước đây các cổ phiếu sắp niêm yết đều được mua bán nhộn nhịp nhưng năm 2011 dường như điều đó không xảy ra.
Việc sáp nhập 3 ngân hàng khiến cổ phiếu ngân hàng OTC ngừng hẳn giao dịch
Tháng 11/2011 gần như thị trường OTC ngừng hết các lệnh. Từ khi có thông tin sáp nhập 3 ngân hàng, nhà đầu tư lúc nào cũng trong tình trạng nghi ngờ ngân hàng nào sẽ sáp nhập do đó ngưng hẳn các lệnh, kể cả nhà đầu tư tổ chức.
Cổ phiếu của ngân hàng Đệ Nhất và Tín Nghĩa không có giao dịch ngay từ đầu năm, trong khi cổ phiếu của ngân hàng Sài Gòn (SCB) thanh khoản khá tốt, nhưng giao dịch không diễn ra tháng sau sáp nhập mà diễn ra khoảng tháng 7/2011.
Năm 2011 thị trường gần như không có thanh khoản nếu không có sự thôn tính. Trên thị trường OTC cổ phiếu ngành ngân hàng luôn có tín hiệu M&A tính độ thấp, giống như mua tích lũy, mua đến 4,9% thì ngừng lại rồi bán cho nước ngoài hoặc bán cho cổ đông chiến lược.
Tình hình OTC năm 2012
Về mức sống, thu nhập năm 2011 trên thị trường OTC theo anh chỉ bằng 20% so với năm 2010, có tháng kiếm được có tháng không, đôi khi làm cho vui, không đủ tiêu, phí môi giới quanh 10 triệu là nhiều.
Anh nhận định trong 7 năm bám thị trường chưa có năm nào kém như năm nay, không chỉ thất bại đối với bản thân anh mà đối với toàn bộ dân chứng khoán – những ai còn ở lại với nghề. TTCK dường như quét toàn bộ thành quả trước đây mà các anh gây dựng.
Nhận định thị trường năm 2012 anh cho rằng OTC khó có thể lên được vì khi OTC đóng băng mặt bằng giá vẫn cao hơn thị trường niêm yết. “OTC muốn hoạt động trở lại thì phải kéo vực thị trường niêm yết, mà khả năng thị trường chính ít nhất cũng phải đợi đến tháng 2, tháng 3 mới nhúc nhắc khi tín dụng được nới lỏng. OTC sẽ chậm hơn niêm yết một nhịp”.
Đến tháng 6/2012 chúng ta mới có thể hình dung được thị trường sẽ ra sao.
Phương Mai – Khánh Linh
Theo cafef.vn
0 Nhận xét :
Đăng nhận xét