27/4/12

Quản trị rủi ro ngân hàng: “Né” chuẩn quốc tế

Theo các chuyên gia, con số nợ xấu của hệ thống NHTM vừa được công bố chưa phản ánh đúng chất lượng tín dụng và hoạt động của NHTM.

Ngại gia tăng chi phí
Tín dụng là một trong những hoạt động quan trọng, chiếm 60-70% tổng thu nhập của nhiều NHTM nước ta hiện nay. Vì thế, quản trị rủi ro tốt sẽ mang lại sự an toàn cho hoạt động NH, phòng ngừa được những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai.
Theo số liệu của NHNN, nợ xấu của các NHTM hiện nay chiếm 3,39%/tổng dư nợ, tương đương 85.300 tỷ đồng. So với mức 2,19% năm ngoái, nợ xấu đã tăng 1,2%, tương đương 35.000 tỷ đồng - mức tăng được coi là đột biến.
So với thông lệ quốc tế, tỷ lệ nợ xấu trên được coi vẫn an toàn khi không quá 5%/tổng dư nợ xấu. Tuy nhiên, NHNN thừa nhận con số trên chưa phản ánh đúng thực chất rủi ro tín dụng của các NH, do tiêu chuẩn phân loại nợ hiện nay còn bất cập và các NHTM thường không phân loại đúng theo quy định.
Sở dĩ các NHTM chưa hạch toán theo chuẩn quốc tế vì nếu hạch toán đúng nợ xấu tăng cao, buộc NH phải trích lập dự phòng rủi ro cao theo quy định của NHNN, làm tăng chi phí, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của NH. Ngoài ra, nếu hạch toán theo chuẩn quốc tế, nợ xấu tăng cao, các NHTM khó được NHNN cấp phép trong việc mở rộng mạng lưới hay thành lập công ty, phát triển thêm dịch vụ mới.
 Theo một lãnh đạo NH quốc doanh, quy trình giới hạn tín dụng ở các NHTM hiện nay chủ yếu bằng định tính, mang tính chủ quan, trong khi công tác kiểm tra nội bộ chưa phát huy hết khả năng, chủ yếu kiểm tra sau.
Thông tin được cập nhật từ Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) của NHNN chưa có độ chính xác cao. Cán bộ tín dụng là người trực tiếp giải quyết việc cho vay nên khó tránh khỏi những tiêu cực dẫn đến rủi ro cao. Điều đó dẫn đến các khoản vay tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chưa áp vì chưa bị ép
Hiện nay, các NH nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam quản trị rủi ro khá chặt chẽ. Việc xếp hạng tín dụng đối với khách hàng là doanh nghiệp được thực hiện theo định kỳ để đưa ra giới hạn tín dụng phù hợp nhằm hạn chế rủi ro. Công tác báo cáo thống kê và dự báo hỗ trợ tích cực cho công tác quản trị điều hành được thực hiện thường xuyên.
Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu của các NH nước ngoài luôn thấp hơn NHTM nội địa. Thế nhưng, các NHTM nội địa chưa mặn mà triển khai thực hiện quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế vì ngại tốn kém chi phí để đầu tư công nghệ, con người khi quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế.
Những chuẩn quản lý rủi ro theo Basel, OECD… vẫn chưa được nhiều NHTM quan tâm, hoặc trì hoãn thực hiện vì cho rằng chỉ phù hợp ở nước ngoài, khó áp dụng với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Thậm chí có NHTM mạnh miệng tuyên bố quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế như việc xây dựng sổ tay tín dụng quản lý rủi ro tín dụng, thực tế cũng chỉ là hình thức. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng bản thân NHNN chưa quyết liệt trong việc yêu cầu các NHTM thực hiện cũng như chưa có chế tài việc này.
Xung quanh việc phân loại theo chuẩn nợ mới và quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần yêu cầu NHNN phải chấn chỉnh, xử lý dứt điểm nợ xấu và các NH yếu kém. Một tiến bộ gần đây là NHNN đã tích cực áp dụng hệ thống quản trị NH theo những chuẩn mực quốc tế.
Cụ thể, ban hành Thông tư 35 quy định việc công bố và cung cấp thông tin của NHNN, trong đó quy định danh mục các thông tin sẽ được công bố trên website của NHNN với định kỳ và thời hạn công bố cụ thể.
So với những thông tin đang công bố hiện tại, danh mục này bổ sung gần 20 loại thông tin về diễn biến tiền tệ và hoạt động của hệ thống NH, trong đó có những chỉ số cốt lõi trong bộ chỉ số lành mạnh tài chính của mỗi quốc gia theo tiêu chuẩn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Bộ chỉ số của IMF gồm 40 chỉ số tài chính, trong đó có 25 chỉ số phản ánh tình hình tài chính của khu vực nhận tiền gửi; 12 chỉ số cốt lõi và 13 chỉ số khuyến khích. 5/12 chỉ số cốt lõi sẽ được NHNN công bố gồm: tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ; dư nợ của từng lĩnh vực trong tổng dư nợ; doanh thu trên tổng tài sản và doanh thu trên vốn chủ sở hữu của hệ thống NH Việt Nam.
Bên cạnh đó, mới đây NHNN đã ban hành Thông tư 39 quy định về kiểm toán độc lập với các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài. Tuy nhiên, điều quan trọng là NHNN phải có biện pháp mạnh hơn yêu cầu các NHTM áp dụng chuẩn kế toán mới.
Theo đó, tất cả NHTM phải được kiểm toán bằng công ty kiểm toán quốc tế, có thể do NHNN chỉ định. Có như vậy mục tiêu tái cấu trúc hệ thống NHTM mới thực sự đạt được hiệu quả mong muốn. 
Thanh Như
Sài Gòn Đầu tư

0 Nhận xét :

Đăng nhận xét