Cách đây 1 tháng, VN Index dao động quanh mức 440 điểm, cuối tuần qua chỉ số này đạt 462,52 điểm. Ngưỡng 450 điểm của VN Index đã được chinh phục và trụ vững trong 5 ngày. Nếu tính đơn thuần, mua CP 1 tháng trước nắm giữ đến bây giờ sẽ có lãi, nhưng thực tế lại không như vậy.
Nhìn từ REE và nhóm CP khoáng sản
Từ ngày 20-3 đến 26-3, REE có 5 phiên tăng giá liên tục, từ 13.100 đồng/CP lên 14.500 đồng/CP. REE là một blue chip của thị trường, CP này có diễn biến khá ổn định nên chỉ cần tăng giá khoảng 10% hoặc 1.000 đồng/CP là rất nhiều NĐT đã hài lòng và tiến hành chốt lời.
Từ ngày 27-3 đến 30-3, REE có một số phiên điều chỉnh và đã có lúc xuống mức 13.600 đồng/CP, nhiều người đã nghĩ rằng CP này khó có thể tăng lại. Nhưng điều rất bất ngờ là trong những phiên đầu tiên của tháng 4, REE lại tăng mạnh mẽ trở lại, từ 13.900 đồng/CP lên 17.000 đồng/CP sau 7 phiên.
Trong khoảng thời gian REE tăng giá mạnh (từ ngày 5 đến 12-4), đã có một loạt thông tin được xem là tích cực đối với CP này xuất hiện. Đầu tiên là việc REE phát hành trái phiếu chuyển đổi với giá chuyển đổi lên đến 2.2, tức cao hơn hẳn mức giá của REE hiện nay.
Vì vậy đã có những suy đoán về khả năng REE sẽ phải chạy tiếp lên mức giá tương đương 2.2 cho xứng. Thông tin kế tiếp là việc Platinum Victory Pte. Ltd trở thành cổ đông lớn của REE với tỷ lệ sở hữu trên 5% và đăng ký mua tiếp 5 triệu CP.
Sự “ngoạn mục” của REE như đã nói ban đầu, REE thường không “phi” quá nhanh, nhưng giai đoạn vừa qua REE đã tăng giá hơn 20%, vượt xa tỷ lệ chung của thị trường. Mặt khác, quy luật “tin ra là bán” vẫn được áp dụng khá phù hợp trong nhiều CP, nhưng lại không đúng với REE khi tin tốt của CP này xuất hiện giá vẫn tiếp tục tăng.
Cũng trong khoảng thời gian REE tăng giá, một CP nhận được rất nhiều kỳ vọng của giới đầu cơ là KTB (Khoáng sản Tây Bắc) chỉ quanh quẩn ngưỡng 9.000-10.000 đồng/CP. CP này sau khi tăng trần được vài phiên lại quay đầu giảm mạnh.
Bởi khi KSH, KSS tăng khoảng 100%, nhiều kỳ vọng dành cho KTB sẽ là CP họ “K” (khoáng sản) tiếp theo tạo nên kỳ tích. Nhưng ngôi sao sáng nhất của nhóm CP khoáng sản lại chính là KSA (Bình Thuận Hamico) khi CP này tăng từ 4.000 đồng/CP lên gần 14.000 đồng/CP, tương đương tỷ lệ tăng 250%.
Mặc dù Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của KSA lý giải về việc CP của công ty mình tăng trần là do tỷ lệ cổ tức tiền mặt 10%, nhưng tỷ lệ này chỉ có thể tăng vào tầm 0.8-1.0, một khi vượt qua khu vực này việc mua CP để hưởng cổ tức không phải là cách lý giải hợp lý.
Có thể KSA tăng giá mạnh, nhưng số người lãi lớn với CP này lại không nhiều. Lý do, với một công ty làng nhàng nhưKSA lại chưa có “số” trong họ khoáng sản như KSS hay KSH, không mấy ai dám tin CP này lại có thể tăng “phi mã” như vậy, nên việc bán không đúng đỉnh sẽ khá nhiều.
Ảo ảo, thực thực
Theo quan sát của một NĐT có nhiều kinh nghiệm, trong khoảng 2-3 tháng vừa qua, NĐT nếu “lỡ” mua đúng đỉnh thì hãy kiên nhẫn chờ đợi giá CP sẽ về đỉnh cũ, thậm chí tăng hơn. Còn nếu chọn các phương án như cắt lỗ, đảo hàng thì khả năng thua lỗ chồng thua lỗ, cho dù thị trường có diễn biến tích cực rất dễ xảy ra.
Trở lại với khoảng thời gian từ ngày 27-3 đến 6-4, tức trước khi TTCK bùng nổ trở lại trong tuần qua, có thể thấy không ít trường hợp NĐT bị thua lỗ nặng. Ngày 27-3, khi TTCK vẫn đang “ngon trớn” vào buổi sáng thì một lượng cung khổng lồ đã được tung ra vào phiên chiều, nhấn chìm rất nhiều CP từ màu tím (tăng trần) xuống màu đỏ (giảm giá), thậm chí xanh tái.
TTCK bước vào một giai đoạn cực kỳ khó chịu khi VN Index hôm tăng thì điểm số tăng rất ít, trong khi giảm lại khá mạnh. Hiện tại, NĐT thường lấy diễn biến của VN Index để làm tham chiếu cho quyết định đầu tư và áp dụng rất chặt chẽ.
Điều này dẫn đến tình huống nhiều NĐT thấy CP mình giảm xuống 10% lập tức bán ra cắt lỗ vào buổi sáng, đến chiều thấy giá CP trở về tham chiếu, lại được “kích” để tăng giá, sợ “lỡ sóng” nên lập tức mua vào. Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó, đến ngày T+4, khi CP về, giá lại chưa tăng, trong khi thị trường chung cũng chưa có dấu hiệu khả quan, NĐT tiếp tục chờ.
Chờ thêm vài ngày, CP vẫn chưa tăng, trong khi thị trường chung đã hồi phục, một số mã khác tăng giá, thì phương án lại được lựa chọn là bán ra CP để đua lệnh ở các mã khác. Rốt cuộc, khi NĐT vừa bán thì giá CP lại tăng trở lại.
Một điểm khác khiến cho NĐT cực kỳ khó chịu chính là việc CP tăng được đến ngày T+4 (tức tăng 4 phiên liên tiếp) càng ngày càng hiếm hoi, thường chỉ là T+3, T+2 thậm chí T+1,5. Điều này có nhiều cách lý giải, nhưng lý giải theo một số nhân viên môi giới kỳ cựu trên thị trường nguyên nhân nằm ở chỗ một số “tay to” đã chủ động nguồn cung CP.
Chỉ cần “đánh” cho CP bắt đầu “chạy” thu hút NĐT mua vào, sau 1-2 phiên, một lượng hàng sẽ được cung ra để chốt lời. Sau đó giá CP giảm, đến ngày T+4 của một số NĐT thì giá CP đã giảm hơn so với ngày T. Vì vậy, khi NĐT quyết định cắt lỗ, các “tay to” lại gom trở lại và tiếp tục đánh lên.
Điều này dẫn đến việc thị trường tăng hoặc đi ngang, nhưng NĐT vẫn lỗ 5-10% thậm chí hơn nữa là bình thường. Chính vì vậy, để đối phó với cách đánh sóng ngắn này, NĐT xem chừng phải có “gan” và tự tin chọn đúng những CP có nền tảng tốt và kiên nhẫn chờ đợi thay vì nóng vội, để khi có cơ hội với lợi thế hàng đã có sẵn, có thể chốt lời sau vài phiên tăng mà không cần đến T+4.
Có thể nói, các thủ thuật giao dịch, diễn biến giá CP cũng như các chỉ số chứng khoán có rất nhiều thay đổi trong năm 2012. Nhiều NĐT đã thốt lên rằng, chưa bao giờ kiếm lãi 10-15% khó như hiện nay, còn tỷ lệ lãi từ 20% trở lên là rất khó khăn.
Thí dụ: Một CP giá 7.000 đồng/CP, để tăng được 20% lên 8.500 đồng/CP theo cách tính thông thường chỉ cần 4-5 phiên, có thể giai đoạn 2009 hoặc 2007 sẽ diễn ra đúng như vậy. Nhưng hiện nay, có khi phải chờ đến 10-15 phiên, giá CP từ 7.000 đồng/CP tăng lên 8.000 đồng/CP sau đó lại điều chỉnh về lại 7.500 đồng/CP, có khi là 7.000 đồng/CP rồi sau đó mới tăng tiếp.
Trong giai đoạn này, có lẽ hiếm có ai đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Điều này khiến nhiều NĐT mặc dù nhiều kinh nghiệm, nhưng nếu không kịp thích nghi sẽ bị “bứt xô” vì cách đánh “ảo ảo, thực thực”.
QUỐC HẢI - MINH HÀ
Theo: Stockbiz
0 Nhận xét :
Đăng nhận xét