(NDHMoney) Những ý tưởng cho việc trả lời câu hỏi về điểm yếu của bản thân trong buổi phỏng vấn tuyển dụng sẽ giúp bạn tự hình thành câu trả lời phù hợp nhất cho mình.
Đừng học theo "điểm yếu" của người khác! - Thành thật và khôn ngoan với câu trả lời về điểm yếu của bản thân mình. (ảnh minh họa: Internet)
“Điểm yếu và điểm mạnh của bạn là gì?” - một trong những câu hỏi phổ biến nhất trong các buổi phỏng vấn. Bạn có thể tự mình chuẩn bị suôn sẻ cho câu hỏi về điểm mạnh nhưng với điểm yếu thì nhiều khi sẽ gặp khó khăn. Với câu hỏi về điểm yếu, bạn vừa phải xử lý một cách khôn khéo vừa thành thực nếu muốn ghi điểm trước mắt nhà tuyển dụng.
Những người tuyển dụng sẽ là ông chủ mới của bạn (nếu bạn trúng tuyển) và hoàn toàn có thể kiểm chứng điểm mạnh, điểm yếu của bạn sau này nên bạn không thể nói dối họ. Nhưng nếu bạn hoàn toàn thành thật với nhà tuyển dụng về tất cả điểm yếu của mình thì nhiều khả năng bạn sẽ bị loại trước tiên. Có nhiều cách để bạn có thể vừa hoàn toàn thành thật với bản thân mình trong khi vẫn giữ cho những điểm yếu sẽ không làm mất điểm trước nhà tuyển dụng. Hãy tham khảo những điểm yếu sau để rút ra kinh nghiệm và cách xử lý phù hợp nhất với bản thân mình.
Có những điểm yếu bạn dùng trong phỏng vấn lại không làm bạn yếu thế hơn so với các ứng viên khác.
“Tôi luôn muốn hoàn thành công việc thật nhanh và có thể sẽ nổi cáu nếu như đồng nghiệp không chịu tập trung vào nhiệm vụ chính của mình”
Đây là một trong những điểm yếu thường thấy ở các buổi phỏng vấn nhưng vẫn đem lại nhiều hiệu quả cho bạn. Nó vừa thể hiện bạn là người không ưa và không ủng hộ những thói xấu trong công việc như làm việc riêng trong giờ mà còn thể hiện rằng bạn sẽ hoàn thành công việc đúng thời hạn.
“Tôi không có tố chất của một nhà xã hội. Mặc dù tôi vẫn làm việc hài hòa trong nhóm nhưng hiếm khi có thể kết bạn thân được với ai ở công sở”
Điều này thể hiện rằng bạn là một kiểu người khép kín nhưng điều đó cũng không ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của bạn. Mặc dù những nhà tuyển dụng ràng buộc nhân viên của họ bằng hợp đồng và đòi hỏi hiệu quả công việc nhưng họ càng không muốn nhân viên của mình trở thành đôi bạn thân và lãng phí thời gian vào việc đùa vui hay chuyện phiếm.
“Điều hơi khác thường là tôi không muốn bắt tay vào làm bất kì thứ gì trước khi hoàn thành xong công việc hiện tại”
Điều này có vẻ như nói rằng bạn không thể đảm đương được nhiều công việc cùng một lúc nhưng thực tế không hẳn như vậy. Nó chỉ nêu bật cách làm việc của bạn là hoàn thành tốt nhiệm vụ thứ nhất rồi mới đến những nhiệm vụ tiếp theo. Một phong cách làm việc hợp lý! Tuy nhiên, điểm yếu này sẽ trở nên trầm trọng khi công việc bạn đang ứng tuyển đòi hỏi khả năng làm nhiều việc cùng lúc.
“Tôi có đôi lúc không ngăn nắp nhưng điều này xảy ra bởi vì lúc đó tôi đang quá chú tâm vào công việc, nhưng tôi vẫn hoàn thành nó”
Ngược lại với nội dung của điểm yếu nhưng lại được nhấn mạnh trong câu trả lời này là việc bạn rất “chú tâm” vào công việc, hăng say với công việc. Điều này cũng có nghĩa là bạn thực sự tập trung vào công việc của mình, và cho dù người tuyển dụng có để ý đến việc “thiếu ngăn nắp”, thiếu trật tự trong quá trình làm việc của bạn thì bạn vẫn đã đề cập được rằng mình “vẫn hoàn thành”.
“Đôi khi tôi có hơi lấn sân sang phần việc của đồng nghiệp và làm những phần việc đó như thể chính là việc của mình”
Hãy nói ra điều này chỉ khi nó là sự thật bởi vì nó cần phải được xem xét một cách nghiêm túc bản thân bạn. Mặc dù nghe có vẻ như bạn là một thành viên tốt của nhóm làm việc và biết quan tâm đến công việc chung nhưng một công ty sẽ không chấp nhận quá nhiều nhân viên “ôm đồm” công việc như vậy.
Điểm mấy chốt mà bạn có thể rút ra từ những câu trả lời minh họa ở trên cho buổi phỏng vấn là việc làm cho điểm yếu của bạn, theo một cách nào đó không còn là điểm yếu mà có thể mang lại lợi ích cho công việc. Một kinh nghiệm mà bạn phải nhớ kĩ là – đừng bao giờ đề cập đến những điểm yếu mà ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của bạn. Thành thật là điểm mấu chốt cùng với những điều kiện tiên quyết cho buổi phỏng vấn như: tự tin, thoải mái, trang phục phù hợp, khả năng giao tiếp tốt, có hiểu biết về lịch sử công ty, thành tích đã đạt được… Hy vọng những minh họa về câu trả lời cho điểm yếu của bản thân ở trên sẽ giúp bạn hình thành một số ý tưởng và vạch ra được những điểm yếu của bản thân mình cho buổi phỏng vấn.
0 Nhận xét :
Đăng nhận xét