5/9/11

John Meriwether và sự đỗ vỡ của LTCM


Trong thế giới đầu cơ John Meriwether thường được đưa ra làm ví dụ chứng minh cho lời răn “leo càng cao, ngã càng đau”. Nhà đầu cơ này được coi là hiện thận của sự tham lam và liều lĩnh.
Quỹ phòng ngừa rủi ro (Hegde Fund) vốn là công cụ đầu cơ được nhiều nhà đầu cơ ưa thích. John Meriwether cũng vậy. Cái khác ở nhà đầu cơ này chỉ là cách sử dụng. Đối với Meriwether, quỹ bảo lãnh đầu tư chỉ có chức năng và giá trị duy nhất là giúp huy động được vốn của kẻ khác một cách hợp pháp.

Cùng công cụ, khác cách dùng
Meriwether sinh ra trong gia đình không nghèo ở Mỹ, nhưng cũng chẳng phải thuộc diện giàu sang. Theo học ở những trường đại học có tên tuổi ở Mỹ, nhưng bản thân ông ta cũng không có tiền để đầu cơ mà phải tính kế dùng tiền của người khác theo kiểu “tay không bắt giặc”.
Ba lần khởi hành chinh phục thế giới đầu cơ, cả ba lần ông ta đều thành lập quỹ phòng ngừa rủi ro: Long-Term Capital Management (LTCM) năm 1994, JWM Partners năm 1999 và JW Advisors năm 2010. Ngay từ đầu và kể cả sau hai lần thất bại cay đắng, Meriwether đều chỉ đánh bạc may rủi và đều chỉ muốn làm chơi ăn thật! Tung hoành ngang dọc trên thị trường tài chính thế giới thật đấy, nhưng mọi quỹ phòng ngừa rủi ro của Meriwether đều được đăng ký chính thức ở “những thiên đường trốn thuế” như đảo Cayman, nơi thuế lợi tức thấp và kiểm soát tài chính lỏng lẻo.
Mặc dù vậy, thời điểm hoàng kim, LTCM của Meriwether là quỹ phòng ngừa rủi ro lớn nhất thế giới: năm 1998, LTCM huy động được 4,7 tỷ USD tiền gửi và vay thêm được 120 tỷ USD. Tổng giá trị của tất cả các loại chứng khoán, công cụ và sản phẩm tài chính có liên quan đến LTCM lên tới 1500 tỷ USD - lớn hơn cả GDP của Áo hay Tây Ban Nha. John Meriwether thành công với LTCM tới mức được tạp chí Forbes gắn cho cái tên “Archimedes”, còn tạp chí Business Week gọi ông là “siêu nhân trong kinh doanh chứng khoán”.
Bí quyết thành công của Meriwether trước hết là tài thuyết phục được người có tiền nhàn rỗi và ham được lợi tức cao tin vào chiến lược đầu cơ của mình. (Con người dù khôn ngoan và tỉnh táo đến mấy, dù đã nếm trải biết bao kinh nghiệm thành công và thất bại, đã được bao lần cảnh báo và nhắc nhở vẫn rất dễ bị xiêu lòng trước những viễn cảnh đẹp và lời đường mật, cam kết và hứa hẹn của những kẻ không có tiền nhưng lại không thiếu tham vọng như Meriwether!). Nhưng cũng còn có một nhân tố khác nữa khiến người ngoài dễ bị Meriwether thuyết phục là ông ta đã thành công trong việc lôi kéo được rất nhiều nhà kinh doanh chứng khoán tài ba, nhiều giáo sư đại học và nhà khoa học nổi danh trên lĩnh vực khoa học tài chính cũng như nhiều chuyên gia tiền tệ về làm việc cho mình. Câu chuyện ngụ ngôn “cáo mượn oai hùm” đã chứng tỏ sự thâm thúy của nó ngay trên thương trường.
Trong số “hùm” ấy, đáng kể nhất là Myrton Scholes và Robert Merton. Hai nhà kinh tế học này được trao Giải thưởng Nobel về khoa học kinh tế năm 1997 về một phương trình và công thức dùng để phân tích và dự báo biến động trên thị trường tài chính. Meriwether sử dụng chính công thức ấy làm triết lý và sự đảm bảo đầu cơ. Trong thế giới đầu cơ cho tới nay chưa có nhà đầu cơ nào sùng bái toán học để thực hiện các hoạt động đầu cơ của mình như Meriwether. Công thức ấy giúp Meriwether thành công, nhưng cũng làm ông ta lụn bại.
Scholes và Merton cùng nhau tìm ra được một công thức biểu hiện sự biến động về giá giữa hai loại chứng khoán khác nhau. Nếu như có được một chương trình máy tính theo dõi những biến động đó và phát hiện ra rằng chúng khác biệt so với bình thường thì có nghĩa là đã xuất hiện một trạng thái mới, nhưng sẽ không mãi như vậy, vì đến một lúc nào đó chúng sẽ lại phải trở về trạng thái cũ. Đúng vào lúc ấy, nếu biết cách đầu cơ thì sẽ lãi lớn. Đó chính là cách tư duy, suy tính và gốc rễ sâu xa của mọi quyết định đầu cơ của Meriwether. Meriwether không đầu cơ vào cổ phiếu, mà vào các loại chứng khoán được cấu trúc rất phức tạp trên thị trường tài chính. Ông ta đầu cơ vào sự biến động bất bình thường của mối quan hệ về giá của hai loại chứng khoán khác nhau. Meriwether thành công với LTCM suốt bốn năm trời chỉ nhờ cách thức đầu cơ ấy.
Giải phẫu thất bại 
Cuối năm 1998, đồng Rúp của Nga bị phá giá và Chính phủ Nga buộc phải hoãn trả nợ. Thị trường chứng khoán thế giới trở nên hỗn loạn và chẳng còn theo bất cứ quy luật nào, bởi trước hết, nhân tố tâm lý và hiệu ứng đầu cơ từ đó cũng… chẳng theo bất cứ quy luật nào!
Nếu như không có động đất và giông tố trên thị trường tài chính thế giới thì tượng đài mà Meriwether tự xây dựng cho mình có thể đã không bị đổ vỡ
Và thế là tất cả những mô hình tính toán của LTCM đều mất tác dụng, thậm chí còn phản tác dụng. Quá tin vào công thức toán học, Meriwether và LTCM xuống dốc không phanh, chỉ riêng trong mấy tháng cuối năm 1998 đã bị mất trắng hơn 3 tỷ USD. Khi đó, với quy mô vốn và vay của LCTM, quỹ bảo lãnh đầu tư này đã ăn sâu bén rễ vào thị trường tài chính thế giới đến mức sự sụp đổ của nó sẽ kéo theo sự sụp đổ của cả hệ thống. Cho nên Cục Dự trữ liên bang Mỹ và một loạt ngân hàng lớn khác ở Mỹ và châu Âu đã phải bỏ ra hơn 3,6 tỷ USD để khắc phục hậu quả của việc LTCM bị phá sản. Chỉ đến khi đó, người ngoài mới có được đầy đủ thông tin về mức độ liều lĩnh trong các hoạt động đầu cơ của Meriwether: số vốn thật của LTCM rất nhỏ so với số nợ và không cần phải chờ đến khủng hoảng mà vào bất kỳ thời điểm nào trong thời gian tồn tại của quỹ này những thành quả đầu cơ của Meriwether cũng không bao giờ đủ để trả nợ.
Vậy mà chỉ một năm sau, Meriwether lại thành lập ra một quỹ mới là JWM Partners. Bình mới đựng rượu cũ. Tất cả vẫn như xưa, từ triết lý đầu cơ đến phương cách thực hiện, từ cái vỏ bên ngoài đến tổ chức bộ máy nhân sự ở bên trong. Bi kịch của Meriwether có lẽ ở chỗ tham quá và liều quá. Đầu năm 2008, Meriwether tập trung đầu cơ vào trái phiếu chính phủ của Nhật thì cuối năm đó bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. JMW Partners kết thúc không khác gì LTCM đã kết thúc.
Đam mê đầu cơ, cuồng vọng làm giàu và bản chất liều lĩnh ở con người này lớn đến mức không chịu dừng bước. Năm 2010, Meriwether thành lập quỹ phòng ngừa rủi ro mới là JM Advisors, vẫn bình mới rượu cũ như hai lần trước…
Thế giới đầu cơ về sau đã tổng kết 5 nguyên nhân thất bại của Meriwether để cảnh tỉnh hậu bối. Đó là quá tin tưởng vào kết quả phân tích kỹ thuật và không để ý thỏa đáng đến những nhân tố khác như chính trị và tâm lý; là bỏ qua những nguyên tắc sơ đẳng nhất về thận trọng trong đầu cơ; là lừa cả khách hàng, bạn hàng lẫn cơ quan kiểm soát ngân hàng và chứng khoán; là không có chiến lược kiểm soát rủi ro đầu cơ và không biết điểm dừng. Thế nhưng trong thế giới đầu cơ có không ít kẻ cho rằng Meriwether được coi là “nhà đầu cơ trứ danh” bởi chính 5 sai lầm đó!
 
Bắc Hà

1 Nhận xét :

  1. Làm liều cộng với thiếu hiểu biết thành phá hoại.
    George Soros làm liều nhưng có hiểu biết nên quỹ đầu cơ của ông ta tồn tại trên 30 năm mà vẫn phát triển.
    Bulls make money and Bears make money but Pigs don't.

    Trả lờiXóa