Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc Trung Quốc mới đây quyết định nới lỏng các quy định đối với thị trường vàng của nước này sẽ khiến giá vàng có cơ hội cất cánh trong thời gian tới.
Với sự xuống dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc và các biện pháp mà Bắc Kinh đã và đang áp dụng để kiểm soát đà tăng của giá địa ốc, vàng có thể sẽ trở thành kênh đầu tư hấp dẫn ở nước này.
Hiện Trung Quốc đang là nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới và tiêu thụ nhiều vàng thứ hai sau Ấn Độ. Giới quan sát nhận định, một lượng tài sản lớn ở Trung Quốc thời gian này đang được chuyển đổi sang vàng. Yếu tố nhu cầu từ Trung Quốc gần đây đã góp phần nâng đỡ giá vàng thế giới khỏi giảm sâu dưới ngưỡng 1.200 USD/oz sau khi đã giảm liên tục từ mức kỷ lục trên 1.265 USD/oz thiết lập hồi cuối tháng 6.
Nhân việc Trung Quốc tăng tính tự do cho thị trường vàng, mở ra cơ hội tăng giá mới cho kim loại quý này, hãng tin Reuters đã điểm lại những hình thức đầu tư vàng trên thế giới và các yếu tố chính tác động tới giá vàng.
Các hình thức đầu tư vàng
1. Đầu tư trên thị trường giao ngay (spot market)
Các nhà đầu tư lớn và nhà đầu tư tổ chức thường mua vàng từ các nhà băng lớn. London là trung tâm của thị trường vàng giao ngay toàn cầu, với giá trị giao dịch vào khoảng 30 tỷ USD được thực hiện thông qua hệ thống thanh toán của London mỗi ngày. Để tiết giảm chi phí và những rủi ro về an ninh, vàng thỏi thường không được di chuyển từ nơi này tới nơi khác. Thay vào đó, các vụ giao dịch đều được thực hiện thông qua giấy tờ.
Các thị trường vàng vật chất giao ngay quan trọng khác của thế giới bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Đông, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Mỹ.
2. Thị trường giao sau (futures market)
Các nhà đầu tư cũng có thể gia nhập thị trường vàng thông qua các giao dịch giao sau. Tại các sàn theo mô hình này, giới đầu tư giao dịch các hợp đồng để mua hoặc bán một loại hàng hóa cụ thể, chẳng hạn như vàng ở một mức giá cố định vào một ngày nhất định trong tương lai.
Bộ phận COMEX trên Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) là thị trường vàng giao sau lớn nhất thế giới xét về khối lượng giao dịch. Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) là thị trường giao sau lớn nhất ở châu Á.
Tháng 1/2008, Trung Quốc đã mở sàn giao dịch vàng giao sau đầu tiên. Nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Dubai và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã mở sàn vàng giao sau.
3. Các quỹ tín thác (ETF)
Các ETF phát hành chứng chỉ quỹ được đảm bảo bởi vàng vật chất. Các nhà đầu đầu tư sở hữu các chứng chỉ này sẽ được hưởng lợi/chịu thiệt từ sự tăng/giảm của giá vàng mà không cần phải trực tiếp nắm giữ vàng.
Quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới hiện nay là SPDR Gold Trust ở New York. Lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã đạt mức kỷ lục hơn 1.320 tấn vào tháng 6 vừa qua. Hiện tại, khối lượng vàng trong SPDR Gold tương đương với hơn một nửa sản lượng khai khoáng vàng toàn cầu hàng năm và có giá trị vào khoảng 52,6 tỷ USD.
Ngoài SPDR Gold, còn có các ETF vàng lớn khác như iShares COMEX Gold Trust, ETF Securities' Gold Bullion Securities, ETFS Physical Gold, và Zurich Cantonal Bank's Physical Gold.
4. Vàng miếng và đồng xu vàng
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể mua vàng miếng hoặc đồng xu vàng tại các cửa hiệu bán lẻ hoặc thậm chí là mua tại các cửa hàng trên mạng. Giá của vàng miếng hoặc đồng xu vàng có thể cao hơn từ 5-20% so với giá vàng giao ngay, tùy theo kích thước của sản phẩm hoặc nhu cầu đối với sản phẩm.
Các yếu tố tác động chính tới giá vàng
1. Các nhà đầu tư
Mức độ quan tâm gia tăng đối với các loại hàng hóa cơ bản - bao gồm vàng - từ các quỹ đầu tư trong những năm gần đây đã trở thành một nhân tố chính đẩy giá vàng lên những mức cao lịch sử. Đà lên giá của vàng trong những năm qua đã thu hút một số lượng lớn hơn các nhà đầu tư, cùng với dòng tiền lớn hơn, vào thị trường vàng.
2. Đồng USD
Mặc dù gần đây, mối liên hệ tỷ lệ nghịch giữa giá vàng và tỷ giá USD/Euro đã có lúc bị đứt đoạn, thị trường tiền tệ xét trong dài hạn vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập xu hướng của giá vàng. Vàng vốn được xem là một kênh đầu tư hiệu quả chống lại sự mất giá của đồng tiền. Đồng USD yếu cùng khiến giá vàng tính bằng đồng tiền này rẻ hơn đối với những ai nắm giữa các đồng tiền không phải là USD, và ngược lại.
Mối liên hệ giữa vàng và USD đôi khi ngắt quãng trong trường hợp thị trường tài chính trên diện rộng chịu mức độ căng thẳng lớn. Khi đó, cả giá vàng và USD cùng tăng vì hai kênh đầu tư này cùng được xem là an toàn. Chẳng hạn, sau khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ hồi cuối năm 2008 và trong thời gian khủng hoảng nợ leo thang ở châu Âu mới đây, cả vàng và USD cùng lên giá.
3. Giá dầu
Giá vàng và giá dầu thô từ lâu đã có mối quan hệ tỷ lệ thuận, vì vàng có thể được sử dụng như một công cụ chống lạm phát do giá dầu tăng gây ra. Mặt khác, giá dầu tăng cũng có thể làm gia tăng sức hấp dẫn của các loại hàng hóa cơ bản nói chung, bao gồm vàng.
4. Những căng thẳng về tài chính và chính trị
Vàng thường được xem là một “vịnh tránh bão” và được mua vào ồ ạt để đảm bảo giá trị tài sản một khi xảy ra những biến cố về kinh tế, chính trị.
Những cú sốc trên thị trường tài chính, chẳng hạn sau vụ phá sản của Lehman Brothers và gần đây hơn là khủng hoảng nợ châu Âu, thường có xu hướng làm dòng vốn chảy vào vàng tăng mạnh. Những sự kiện về địa chính trị như ném bom, tấn công khủng bố hay ám sát cũng có khả năng làm giá vàng tăng.
5. Dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương
Vàng là một phần trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương. Việc các ngân hàng này mua hay bán vàng có thể tác động tới giá vàng trên thị trường.
Hồi tháng 8/2009, một nhóm gồm 19 ngân hàng trung ương ở châu Âu đã nhất trí gia hạn thêm 5 năm một thỏa thuận hạn chế bán vàng ra mà họ đã ký lần đầu vào năm 1999. Lượng vàng bán ra hàng năm theo lần gia hạn này này được hạn chế ở mức 400 tấn, giảm từ mức 500 tấn ở lần gia hạn thứ hai của thỏa thuận. Tuy nhiên, từ đó tới nay, các ngân hàng tham gia thỏa thuận trên bán ra rất ít vàng.
6. Hoạt động mua bán của các nhà sản xuất vàng
Vào đầu thế kỷ 21, khi giá vàng còn ở quanh ngưỡng 300 USD/oz, nhiều nhà sản xuất vàng đã bán một phần sản lượng kỳ vọng của họ với cam kết sẽ giao hàng vào một ngày xác định trong tương lai, một dạng tương tự như đầu cơ giá xuống. Nhưng khi giá vàng tăng lên, các công ty đã bán vàng bị lỗ theo.
Khi đó, các công ty này tìm cách mua lại các hợp đồng bán vàng trước đó của họ với kỳ vọng giá tăng thêm thì mới bán ra. Hoạt động này, gọi là de-hedging, của các nhà sản xuất vàng lớn có thể làm gia tăng mức độ lạc quan của thị trường và hỗ trợ cho giá vàng. Tuy nhiên, tốc độ de-hedging đã chậm lại đáng kể trong những năm gần đây vì số hợp đồng bán vàng trước của các nhà sản xuất vàng co lại.
7. Tương quan cung-cầu
Yếu tố cung cầu thường không đóng vai trò lớn trong việc quyết định giá vàng như đối với các loại hàng hóa cơ bản khác, vì lượng vàng trên thế giới là rất lớn. Ước tính, lượng vàng được nắm giữ trên toàn cầu hiện lên tới 160.000 tấn, nhiều gấp trên 60 lần sản lượng vàng hàng năm của thế giới. Trong khi đó, vàng không phải là một hàng hóa mất đi theo quá trình tiêu thụ như đồng hay dầu thô.
Mùa cao điểm mua sắm nữ trang vàng ở các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc ít nhiều có tác động tới giá vàng, nhưng các yếu tố khác như tỷ giá USD và rủi ro tài chính vẫn có ảnh hưởng mạnh hơn tới giá kim loại này.
10/8/11
Thế giới đầu tư vàng bằng cách nào?
Thứ Tư, tháng 8 10, 2011
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 Nhận xét :
Đăng nhận xét