17/7/11

Sẽ đến lượt các nước BRIC khủng hoảng

Khoản tiền vay tăng mạnh, giá nhà đất bị đẩy lên mức cao hơn rất nhiều so với thu nhập bình quân, nợ quốc gia ở mức cần phải cảnh giá. Đó không phải bức tranh về Tây Ban Nha, Hy Lạp hay Anh quốc mà là bức tranh về các nước đang trỗi dậy - BRIC (gồm Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc).

 
Ignacio de la Torre, Giám đốc các chương trình tài chính của IE Business School, nhận xét rằng các nước BRIC đã lặp lại nhiều sai lầm của châu Âu và Mỹ - những sai lầm đã đẻ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đó là:

1- “Bong bóng” tại thị trường bất động sản do chính sách tiền tệ tự do và tín dụng ngân hàng thổi nên.

2- Lạm phát không thể tránh khỏi do chu chuyển đồng vốn tăng quá mạnh hòng đuổi theo đà nhảy vọt của giá cả.

3- Sự phụ thuộc quá mạnh vào lĩnh vực tài chính. Nguyên nhân – thiếu khả năng kiềm chế mức tăng tín dụng theo tỷ lệ GDP, các tiêu chí cho vay không chặt chẽ, giá trị tài sản thế chấp mờ ám, riêng ở Trung Quốc là ảnh hưởng ngày càng mạnh của “khu vực ngân hàng đen”.

4- Sự bất bình đẳng tăng chưa từng có. Nguyên nhân – không chú ý tới các biện pháp chính trị cần thiết để đảm bảo sự đoàn kết xã hội ở mức tối thiểu. Cần kiềm chế lạm phát trên thị trường lương thực đang đè nặng lên vai người nghèo. Sự bất bình đẳng đang đào sâu thêm xung đột địa chính trị.

5- Đầu tư quá mức vào các dự án chưa rõ ràng về tác dụng. Người Nhật xây “những cây cầu không rõ dẫn đến đâu” còn tại Tây Ban Nha đã xuất hiện “những sân bay không có máy bay”.

6- Sự lệ thuộc vào những đồng tiền kiếm được dễ dàng.

Theo Ignacio de la Torre, các nước BRIC về mặt ý thức đang cố tránh những sai lầm của người khác. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc yêu cầu giảm 10% số hợp đồng bán nhà. Braxin áp dụng lãi suất chiết khấu 12,5%, Nga và Ấn Độ cũng nâng lãi suất chiết khấu. Tuy nhiên, các biện pháp nói trên đành chịu bất lực trước những ngọn sóng thần sắp ập đến. Nếu không áp dụng những bước đi kiên quyết thì thị trường bất động sản sẽ quá nóng và cơn khủng hoảng tín dụng – thế chấp tháng 2 năm 2007 sẽ lặp lại.

Sự sụp đổ của thị trường bất động sản và cơn khủng hoảng ngân hàng do nó tạo ra tác động tới các lĩnh vực kinh tế còn lại. Ignacio de la Torre cho biết: “Nhu cầu nguyên liệu sẽ giảm mạnh, cùng với nó là sản lượng xuất khẩu từ các nước cung cấp nguyên liệu và sản lượng xuất khẩu của 30 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE)”. Có nghĩa là sẽ bắt đầu một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới.

0 Nhận xét :

Đăng nhận xét