Việc hình thành một “chủ thuyết phát triển kinh tế” riêng cho Việt Nam trong đó ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu và xuyên suốt sẽ là tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong những giai đoạn (chu kỳ) tiếp theo.
Kiến nghị này của Ủy ban Kinh tế khóa 12 vừa được gửi đến Quốc hội khóa 13, trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô đã trở thành thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2011, theo nhận định của Chính phủ.
10 kiến nghị là kết quả được đúc rút từ nhiều diễn đàn quan trọng với những trao đổi đa chiều về những định hướng chiến lược và khuyến nghị cụ thể để kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển nhanh, cân bằng, bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Kiến nghị 1: Để nền kinh tế phát triển bền vững trong trung và dài hạn cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc và coi đây là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.
Phân tích nghịch lý ngược chiều giữa tăng trưởng và ổn định vĩ mô, cơ quan đưa ra kiến nghị cho rằng “lạm phát và bất ổn vĩ mô đã mang tính cơ cấu và lặp lại theo chu kỳ”.
Vì vậy, mặc dù vẫn đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra nhưng lạm phát cao và bất ổn vĩ mô với tần suất dày hơn, mức độ gay gắt hơn kéo dài trong nhiều năm đã làm giảm đi những thành tựu mà tăng trưởng mang lại.
Bởi thế, việc hình thành một chủ thuyết phát triển kinh tế riêng như đã nói trên đã được nhấn mạnh tại kiến nghị đầu tiên này.
Kiến nghị 2: Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững là một yêu cầu cấp bách để giải quyết tận gốc rễ các nguyên nhân gây ra bất ổn vĩ mô trong ngắn hạn.
Nhận định được đưa ra tại kiến nghị là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế khi đối diện với tình trạng bất ổn và khủng hoảng như nhìn nhận lại mô hình tăng trưởng, nhận diện điểm yếu và xác định đúng các giải pháp, tiến hành điều chỉnh cơ cấu thể chế đã bị bỏ qua.
Một trong các nội dung cụ thể được kiến nghị là cần tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng, loại bỏ những ngân hàng quá yếu kém, là tác nhân của các cuộc đua lãi suất, gây bất ổn và rủi ro cho toàn hệ thống.
Kiến nghị 3: Thay đổi chiến lược phát triển công nghiệp dựa chủ yếu vào khu vực kinh tế nhà nước mà không xét tới yếu tố lợi thế so sánh, khuyến khích các ngành và khu vực có lợi thế so sánh và hiệu quả hơn.
Với nội dung này, Ủy ban Kinh tế tiếp tục nhấn mạnh ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, rằng với chính sách công nghiệp đang theo đuổi, các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước nhận được nhiều ưu đãi về tín dụng và chiếm tỷ trọng chi phối trong các dự án đầu tư công lớn.
Trong khi đó, khu vực tư nhân dù được đánh giá là hiệu quả hơn so với khu vực Nhà nước trong tạo việc làm và xuất khẩu, lại đang bị “lấn át”.
Kiến nghị 4: Để giải quyết triệt để thâm hụt thương mại, một trong những cân đối vĩ mô quan trọng trong nền kinh tế, bên cạnh chính sách tỷ giá, công cụ hành chính hay phát triển công nghiệp hỗ trợ thì vấn đề mấu chốt cần xử lý trong trung và dài hạn là chênh lệch tiết kiệm và đầu tư trong nền kinh tế.
Một trong những mất cân đối vĩ mô nghiêm trọng trong 10 năm qua là thâm hụt thương mại. Với nhìn nhận này, cơ quan gửi kiến nghị đến Quốc hội cho rằng, chừng nào chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư - gốc rễ của thâm hụt - chưa được thu hẹp thì vấn đề nhập siêu chắc chắn sẽ tiếp tục kéo dài.
Kiến nghị 5: Kiên quyết cắt giảm đầu tư công và tăng cường kỷ luật tài khóa để giảm thâm hụt ngân sách và ổn định nợ công là yếu tố quan trọng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn.
Khẩn trương xây dựng Luật Đầu tư công - đề nghị mạnh mẽ của một số thành viên ủy ban tại diễn đàn Quốc hội - đã tiếp tục được nhấn mạnh tại bản kiến nghị.
Bởi, thâm hụt ngân sách và lãi suất cao cũng đã thu hẹp khá nhiều dư địa điều chỉnh của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, khiến các biện pháp điều hành của Chính phủ khó phát huy hiệu quả trước những cú sốc bất lợi của nền kinh tế.
Kiến nghị 6: Xây dựng nguyên tắc và cơ chế phối hợp trong việc hoạch định và thực thi chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách nhất quán và cùng hướng tới các mục tiêu ưu tiên của đất nước.
Môi trường chính sách luôn ẩn chứa nhiều bất ổn và gây suy giảm niềm tin là hậu quả khi tính nhất quán, phối hợp trong các chính sách kinh tế vĩ mô vẫn là khâu yếu, bản kiến nghị nêu rõ.
Và, yêu cầu đặt ra hiện nay được nhấn mạnh là cần lấy lại niềm tin đối với quản lý kinh tế vĩ mô.
Kiến nghị 7: Tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước để bảo đảm nhiệm vụ cơ bản là khắc phục những khiếm khuyết của thị trường và cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cộng thay vì đóng vai trò “chủ đạo” bằng cách đầu tư dàn trải và kém hiệu quả như hiện nay.
Luật Quản lý kinh doanh vốn Nhà nước được cho là đã hết sức cần thiết để quản lý mọi hoạt động kinh doanh sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước.
Khi, trên thực tế hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế còn nhiều bất cập do sự can thiệp của Nhà nước chưa phù hợp với sự vận động của thị trường.
Kiến nghị 8: Phát triển đồng bộ và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, giảm thiểu rủi ro qua hệ thống giám sát an toàn thị trường tài chính nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng là nền tảng cơ bản để ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.
Ở nội dung này, bản kiến nghị đã phân tích những rủi ro lớn mà hệ thống tài chính - ngân hàng đang phải đối diện. Đó không chỉ là rủi ro thanh khoản, rủi ro đạo đức, mà còn là rủi ro chéo với các thị trường tài sản, như tín dụng bất động sản hay rủi ro chéo liên quan đến thị trường chứng khoán.
“Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay trở nên rất nhạy cảm và dễ tổn thương trước những cú sốc vĩ mô bất lợi”, bản kiến nghị đưa ra nhận định.
Kiến nghị 9: Kiểm soát hiệu quả các dòng vốn vào - ra (FDI, ODA, FII) là yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm ổn định vĩ mô cũng như giảm thiểu rủi ro khủng hoảng tài chính trong trung và dài hạn.
Bên cạnh những tác động tích cực, Ủy ban Kinh tế cũng phân tích những tác động tiêu cực đến ổn định vĩ mô và triển vọng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế từ các dòng vốn nói trên.
Và một trong các kiến nghị cụ thể được nêu ra là sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu giám sát tài chính cho Việt Nam để phát hiện kịp thời những rủi ro liên quan đến khu vực tài chính và sự dịch chuyển của các dòng vốn vào nền kinh tế.
Kiến nghị 10: Trong trung và dài hạn, phát triển nông nghiệp, nông thôn cần được coi là chính sách ưu tiên trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tổng thể.
Với nội dung cuối cùng, bản kiến nghị đã đề xuất một số chính sách hỗ trợ cụ thể từ chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại.. cho nông nghiệp, nông thôn. Trong đó có việc tăng tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho đầu tư khu vực này.
28/7/11
10 kiến nghị ổn định kinh tế vĩ mô
Thứ Năm, tháng 7 28, 2011
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 Nhận xét :
Đăng nhận xét