12/6/11

Trung Quốc giảm dự trữ ngoại hối để đối phó với lạm phát



    Ngân hàng nhân dân Trung Quốc ( NHTW) cho biết đến cuối tháng 3 năm 2011, dự trữ ngoại hối đã đạt mức 3.044,7 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngoại hối dự trữ của Trung quốc chiếm hơn 1/3 dự trữ ngoại hối của thế giới (dự trữ ngoại hối của thế giới khoảng 9.000 tỷ USD).


   Bình luận về số ngoại hối dự trữ to lớn của Trung quốc, các chuyên gia nước ngoài cho rằng với số ngoại hối hiện nay Trung quốc có thể mua cả nước Italy (toàn bộ nghĩa vụ nợ bao gồm nợ gốc và lãi của Italy đến năm 2062 là 3.031 tỷ USD). Chỉ cần sử dụng 50% dự trữ ngoại hối của Trung Quốc có thể giải quyết triệt để vấn đề khủng hoảng tài chính của các nước châu Âu. Sử dụng 1/3 số dự trữ ngoại hối có thể mua được 4 hãng máy tính lớn nhất thế giới. Sử dụng 1/6 số dự trữ ngoại hối có thể mua hết bất động sản của 2 thành phố lớn nhất nước Mỹ…
   Gần đây, dư luận ở Trung quốc tỏ ra lo lắng về việc Trung quốc nắm giữ một khối lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ. Ngân hàng Trung ương sẽ xử lý thế nào số tài sản trái phiếu chính phủ Mỹ trong trường hợp giá trái phiếu chính phủ Mỹ bị giảm. Việc tăng mua ngoại tệ bổ xung cho ngoại hối dự trữ buộc ngân hàng trung ương phải bơm thêm tiền vào lưu thông sẽ trực tiếp ảnh hưởng và gây nên lạm phát. Do đó, đằng sau con số trên 3.000 tỷ USD ngoại hối dự trữ còn nhiều vấn đề cần được giải đáp.
     Trung Quốc đã trở thành nước nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ lớn nhất. Tính đến cuối tháng 2 năm 2011, Trung Quốc đã mua trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá khoảng 1.150 tỷ USD, song nếu tính cả số trái phiếu chính phủ Mỹ mua ở các thị trường khác như London, Hông kông…con số này lên đến 1.300 tỷ - 1.500 tỷ USD, chiếm khoảng 43-49% tổng số ngoại hối dự trữ. Trong khi đó đồng USD liên tục mất giá so với các ngoại tệ khác, chỉ số đồng đôla Mỹ đã giảm xuông mức thấp nhất trong vòng 3 năm lại đây, ngày 28/4/2011 chỉ số đồng đôla Mỹ tụt xuống còn 72,8 – 73,1 điểm, gần bằng mức thấp kỷ lục vào tháng 3/2008 là 70,69 điểm. Gần đây công ty xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P đưa ra nhận xét thiếu lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ, có thể ảnh hưởng đến giá của trái phiếu, điều này làm cho dự trữ ngoại hối của Trung quốc càng thêm rủi ro.
      Ngày 21/4/2011, ông Chu Tiểu Xuyên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung quốc thừa nhận: “ quy mô dự trữ ngoại hối của Trung quốc đã vượt quá mức hợp lý của nền kinh tế, dự trữ ngoại hối lớn làm cho thanh khoản dư thừa gây sức ép cho ngân hàng trung ương, chính phủ đã có chỉ thị cần giảm bớt quy mô dự trữ ngoại hối và phải đa dạng hóa ngoại tệ dự trữ ”  
     Vậy quy mô dự trữ ngoại hối của Trung quốc bao nhiêu là hợp lý và làm thế nào để hạn chế được ảnh hưởng của dự trữ ngoại hối tới lạm phát?
      Tranh luận về mức dự trữ ngoại hối hợp lý, nhiều ý kiến cho rằng Trung quốc chỉ cần duy trì mức dự trữ ngoại hối từ 1.000 – 1.300 tỷ USD. Cơ sở để đưa ra con số này là dựa trên nguyên tắc: Nhà nước phải đảm bảo ngoại tệ cho việc trả nợ nước ngoài, bao gồm cả nợ ngắn hạn và nợ trung, dài hạn, quãng 500 tỷ USD; Đảm bảo ngoại tệ cho 3 tháng nhập khẩu, quãng 660 tỷ USD; Đảm bảo ngoại tệ cho các nhà đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận về nước, quãng 100 tỷ USD. Đối với số ngoại hối dư thừa cần phải có kế hoạch phân bổ sử dụng cho hợp lý.
        Nhiều nhà kinh tế cho rằng, lạm phát của Trung quốc gần đây tăng mạnh do nhiều nguyên nhân:
      Thứ nhất: Do tình hình thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.
       Thứ hai: Do thặng dư cán cân thương mại và cán cân thanh toán lớn, ngân hàng trung ương buộc phải tăng cung ứng tiền để mua ngoại tệ cho dự trữ, cộng thêm số tín phiếu ngân hàng trung ương đến hạn thanh toán vào quý II/2011, càng làm cho tình trạng thừa thanh khoản thêm trầm trọng.
      Thứ ba: Giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng tăng, làm cho sức ép nhập khẩu lạm phát ngày càng lớn.
      Như vậy, trong 3 yếu tố gây nên lạm phát, có tới 2 yếu tố liên quan tới vấn đề dự trữ ngoại hối quá lớn.
     Để đối phó tình hình lạm phát tăng mạnh, Trung quốc đã phối hợp thực hiện nhiều biện pháp can thiệp như: Tăng lãi suất cơ bản tiền gửi, cho vay các loại; Tăng tỷ lệ tiền gửi dự trữ bắt buộc; tăng tỷ giá đồng NDT so với USD.
    Từ năm 2010 đến nay, Trung quốc đã 4 lần tăng lãi suất cơ bản và 10 lần tăng tỷ lệ tiền gửi dự trữ bắt buộc. Hiện nay, lãi suất cơ bản tiền gửi và cho vay kỳ hạn 1 năm là 3,25% và 6,31%; tỷ lệ tiền gửi dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại lớn là 20,5%.
     Ông Y Gang, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương kiêm cục trưởng cục Ngoại hối Trung quốc cho biết: Từ năm 2005 đến năm 2008, tỷ giá đồng NDT so với USD đã tăng 20%, nếu không tăng tỷ giá thì lạm phát hiện nay có thể còn cao hơn nữa. Từ đầu năm 2011 đến nay tỷ giá đồng NDT so với USD vẫn tiếp tục tăng lên, tháng 2/2011 tăng 0,21%, tháng 3/2011 tăng 0,29%, tháng 4/2011 tăng khoảng 0,41%. Việc tăng tỷ giá đồng NDT được đánh giá là tích cực vì tăng tỷ giá có thể giảm được thặng dư thương mại và hạn chế được tình trạng nhập khẩu lạm phát.
      Theo các chuyên gia, Trung quốc thực hiện biện pháp tăng tỷ lệ tiền gửi dự trữ bắt buộc để kiềm chế lạm phát là có lý do, bởi vì nguồn ngoại tệ kể cả vốn nóng đổ vào thị trường Trung quốc lớn, cán cân thanh toán và cán cân thương mại liên tục thặng dư, buộc ngân hàng trung ương phải mua ngoại tệ vào, ngân hàng trung ương mua ngoại tệ vào nhiều làm tăng lượng tiền cung ứng và làm cho thanh khoản của các ngân hàng càng thêm dư thừa, gây sức ép lên lạm phát.
      Việc tăng lãi suất cơ bản được nhiều nhà kinh tế ủng hộ vì với mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm hiện nay là 3,25% vẫn thấp hơn so với mức tăng CPI trong tháng 4/ 2011 là 5,3%. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh lãi suất cơ bản nữa có thể dẫn đến hậu quả làm cho dòng vốn ngoại đổ vào Trung Quốc nhiều hơn do có chênh lệch lãi suất.
      Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp can thiệp để đối phó với lạm phát gia tăng, song cho đến nay kết quả vẫn chưa lạc quan. Theo công bố chính thức của Cục Thống kê Trung quốc, chỉ số CPI các tháng gần đây so với cùng thời kỳ năm trước vẫn cao hơn dự kiến, tháng 2/2011 chỉ số CPI tăng 4,9%, tháng 3/2011 tăng 5,4%, tháng 4 tăng 5,3%, Trung quốc vẫn chưa hết lo lắng về tình hình  dự trữ ngoại hối quá lớn và diễn biến phức tạp của lạm phát.
      Theo dự đoán, trong thời gian tới Trung quốc có thể tăng tỷ giá mạnh hơn và sẽ điều chỉnh tỷ lệ tiền gửi dự trữ bắt buộc thêm 0,25% để giảm bớt sức ép về thanh khoản.
                                               Nguồn NHTW Trung Quốc

                               



0 Nhận xét :

Đăng nhận xét