Nạn nội gián vẫn xảy ra tại các thị trường chứng khoán trong khu vực. Những động tĩnh thị trường mới đây chứng tỏ điều này, như vụ bê bối về nội gián trong thương vụ News Corp. mua hãng Dow Jones 5 tỉ USD ở Hong Kong.
Tuần qua, Uỷ ban Chứng khoán Hoa Kỳ đã kiện một cặp vợ chồng người Hong Kong về tội giao dịch nội gián. Hai người này đã vay mượn 15 triệu đôla từ nhiều nguồn khác nhau để mua 415.000 cổ phiếu của công ty Dow Jones trước khi thông tin News Corp. chào giá 5 tỉ đôla để mua Dow Jones được công bố.Sau khi thông tin chính thức của vụ mua bán được công bố, giá cổ phiếu Dow Jones tăng gần 60%, đôi vợ chồng này tung hết cổ phiếu ra bán được 23 triệu USD. Điều đáng nói là từ trước đến nay, hai vợ chồng này không hề đầu tư chứng khoán.
Đầu tư lần đầu đã trúng quả
Đầu tiên, ông Murdoch bày tỏ ý định mua lại Dow Jones với tổng giám đốc điều hành Richard Zannino của Dow Jones trong một bữa ăn sáng ngày 29-3.
Đến ngày 17-4, Murdoch ra giá chính thức mua Dow Jones. Trong ngày, tin tức đến tai một vài biên tập viên cấp cao của Dow Jones. Tuy nhiên, Dow Jones yêu cầu số ít người biết tin này giữ bí mật đến phút chót. Ngày 1-5, CNBC tung tin Murdoch mua Dow Jones với giá 5 tỉ USD.
Ngày 4-5, vợ chồng Wong Kan-king và Charlotte Wong Leung Ka-on đặt lệnh bán toàn bộ cổ phiếu Dow Jones, kiếm lời 8 triệu đôla. Cặp vợ chồng Charlotte Wong Leung Ka-on và Wong Kan-king bắt đầu gom cổ phiếu Dow Jones từ ngày 13-4, trước khi Murdoch chính thức ra đề nghị mua Dow Jones.
Hai đối tượng bị nghi ngờ trong vụ này là ông David Li Kwok-po, chủ tịch Ngân hàng Đông Á Hong Kong và một giám đốc của Dow Jones. Ông David Li Kwok-po quen thân với nhà doanh nghiệp Michael Leung Kai-hung, bố của bà Charlotte Wong. Ngày 18-4, một ngày sau khi News Corp. chính thức yêu cầu mua Dow Jones (thông tin vẫn còn bí mật), ông Leung chuyển khoản 3,1 triệu USD cho con gái ông mua thêm cổ phiếu Dow Jones.
Ông David Li thừa nhận có biết tỉ phú Murdoch quan tâm đến Dow Jones trước khi thông tin chính thức về vụ mua bán được công bố. Tuy nhiên, ông thề không tiết lộ với ai. Ông nói: “Kể cả với vợ tôi, tôi cũng không nói”. Ông Leung cũng phủ nhận mọi cáo buộc.
stockoption4.jpgMột toà án ở Mỹ đã ra lệnh phong toả tài khoản của Wong trong Ngân hàng Merrill Lynch, chi nhánh Hong Kong và buộc đôi vợ chồng này phải ra hầu toà ở Mỹ vào ngày 18-6 tới, để giải quyết số phận của tài khoản kia. Đây là một hành động chưa từng có tiền lệ.
Lừa đảo trên TTCK Hong Kong
“Một toà án ở Mỹ đã ra lệnh phong toả tài khoản của Wong trong ngân hàng Merrill Lynch, chi nhánh Hong Kong và buộc đôi vợ chồng này phải ra hầu toà ở Mỹ vào ngày 18-6 tới, để giải quyết số phận của tài khoản kia”.
Từ sự kiện này, nhiều nhà đầu tư bắt đầu lên tiếng về những hành vi mờ ám tại Hong Kong. Với chế độ quản lý lỏng lẻo, các thông tin và tin đồn lan tràn không kiểm soát, cùng với một thái độ làm giàu bằng mọi giá, Hong Kong trở thành một thị trường dễ bị lợi dụng.
Người ta hay so sánh thị trường chứng khoán Hong Kong với trường đua ngựa, nơi thường diễn ra nhiều trò lừa đảo tinh vi. Theo một nghiên cứu năm 2002 của khoa kinh doanh đại học Hong Kong, phần lớn các giao dịch là do người trong công ty được giao dịch thực hiện.
Mãi đến năm 2003, Hong Kong mới nghiêm cấm giao dịch nội gián bằng việc lập ra toà chuyên trách các vụ gian lận thị trường (Markets Misconduct Tribunal) thay cho Toà Giao dịch nội gián (Insider Dealing Tribunal - IDT).
Uỷ ban Chứng khoán Hong Kong khẳng định rằng họ cũng đã xử lý nhiều vụ giao dịch nội gián trong năm nay. Vấn đề khó khăn là làm sao tìm ra được bằng chứng của các giao dịch này. Và càng khó chứng minh người bị tình nghi có được các thông tin nội bộ trước khi giao dịch.
Singapore thay đổi để tránh nội gián
Để tránh các vụ bê bối liên quan đến việc ghi lùi ngày có quyền ưu tiên mua cổ phiếu như ở Hoa Kỳ gần đây, thị trường chứng khoán Singapore (SGX) đang đề xuất thay đổi các quy định về niêm yết. SGX cũng đưa ra một số quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi cổ đông ở một thị trường vốn nhiều tai tiếng do các vụ bê bối về kế toán và nghi ngờ giao dịch nội gián.
Mặc dù chưa xảy ra vụ bê bối nào liên quan đến việc gian lận quyền mua cổ phiếu trên thị trường Singapore, một nghiên cứu gần đây của Đại học Quốc gia Singapore lưu ý rằng ngày được quyền mua cổ phiếu trong các báo cáo thường niên hay trùng với ngày giá cổ phiếu thấp nhất.
SGX muốn cổ đông phải được thông báo khi có thay đổi công ty kiểm toán, và để giảm thiểu sự gián đoạn thị trường, thời gian đình chỉ giao dịch khi công ty muốn thông báo được rút ngắn xuống còn nửa giờ. SGX sẽ yêu cầu các công ty niêm yết công bố ngay lập tức các quyền mua này, kể cả ngày được quyền, giá mua, số cổ phiếu được mua và thời hạn có hiệu lực của quyền mua.
Quy định mới yêu cầu các công ty kiểm toán báo cáo ngay khi có sự bất đồng về những vấn đề kế toán, nhằm cảnh báo sớm cho cổ đông về những rủi ro tài chính có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, các chuyên viên phân tích cho rằng những công ty kiểm toán sẽ không muốn tiết lộ bất đồng với khách hàng vì có thể bị lôi thôi với pháp luật và có hại cho công việc kinh doanh của họ.
Đối phó với tình trạng này, SGX quyết định ra lệnh hoãn giao dịch một cổ phiếu khi công ty không thể công bố chính xác số liệu tài chính và thông báo minh bạch cho thị trường, đặc biệt khi công ty kiểm toán bên ngoài nêu lên nghi vấn. Nhưng như vậy, các nhà đầu tư sẽ không còn cơ hội thoát hiểm bằng cách thanh khoản số cổ phiếu của họ.
0 Nhận xét :
Đăng nhận xét