Giá dầu, thiên tai đã tác động không nhỏ tới lợi nhuận các công ty châu Á trong năm qua - Ảnh: CNB
Đáng chú ý, trong "bảng phong thần" này, các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm đa số, với 11 công ty. Đứng thứ hai về số lượng là các công ty đến từ "xứ sở chuột túi", tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Theo CNBC, trong vòng 12 tháng qua, các doanh nghiệp hàng đầu của châu Á đã phải chịu tác động không nhỏ từ việc giá dầu thô tăng mạnh, thảm họa siêu động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân ở Nhật, cùng các thiên tai lũ lụt, lốc xoáy tại Australia.
Tuy nhiên, với lợi nhuận kỷ lục, tăng trưởng kinh tế cao và thanh khoản dồi dào từ các ngân hàng trung ương trên thế giới, giá trị thị trường của các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục tăng lên.
Dưới đây là danh sách 20 công ty lớn nhất châu Á theo thứ tự từ dưới lên:
20. Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ
Giá trị vốn hóa thị trường: 67,2 tỷ USD
Trong 12 tháng qua, giá trị của tập đoàn tài chính và ngân hàng lớn nhất Nhật Bản đã sụt giảm tới 22%. Vài tuần gần đây, ngân hàng này đang cố gắng đương đầu với những tác động từ trận siêu động đất và sóng thần hôm 11/3. Tuy nhiên, thảm họa cũng có thể thúc đẩy nhu cầu tín dụng ở Nhật Bản. Mitsubishi UFJ cho biết đã nhận được đề nghị vay vốn lên tới 32 tỷ USD chỉ trong 2 tuần đầu tiên sau thảm họa.
19. Công ty bảo hiểm Ping An
Giá trị vốn hóa thị trường: 70,4 tỷ USD
Hãng bảo hiểm Ping An đã báo cáo lợi nhuận tăng 25% trong năm (tính tới hết tháng 3/2011). Được thành lập năm 1988, Ping An hiện là hãng bảo hiểm lớn thứ hai ở Trung Quốc, sau Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Trung Quốc. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Ping An đang tái cấu trúc với mục tiêu trở thành một tổ hợp tài chính.
18. Hãng công nghiệp Reliance Industries
Giá trị vốn hóa thị trường: 75,7 tỷ USD
Đây là công ty lớn nhất ở Ấn Độ về vốn hóa thị trường. Năm ngoái, giá trị của công ty này đã sụt khoảng 9%, do hãng phải đối mặt với những khó khăn trong việc đạt các mục tiêu sản lượng trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt. Đầu năm nay, Reliance Industries đã thành lập một liên doanh trị giá 7,2 tỷ USD với tập đoàn dầu khí Anh - BP.
17. Hãng di động NTT DoCoMo
Giá trị vốn hóa thị trường: 77,1 tỷ USD
Hãng điện thoại di động lớn nhất Nhật Bản này hiện có 57 triệu khách hàng trong nước. Tuy nhiên, hãng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng mạnh từ đối thủ Softbank, nhà cung cấp duy nhất điện thoại iPhone ở Nhật Bản.
16. Tập đoàn ngân hàng Westpac
Giá trị vốn hóa thị trường: 78,2 tỷ USD
Là một trong 4 ngân hàng lớn của Australia, Westpac được thành lập năm 1982 với sự kết hợp của ngân hàng New South Wales và ngân hàng Thương mại Australia. Giá trị của ngân hàng này trong năm ngoái đã giảm 10%.
15. Ngân hàng Commonwealth
Giá trị vốn hóa thị trường: 86 tỷ USD
Năm vừa qua, giá trị thị trường của ngân hàng thuộc Australia này đã giảm 1/10.
14. Tập đoàn than Shen hua Trung Quốc
Giá trị vốn hóa thị trường: 94,5 tỷ USD
Tập đoàn than lớn nhất thế giới về vốn hóa thị trường gần đây đã nâng dự báo doanh thu than trong năm 2011. Giới phân tích dự báo, giá than giao ngay tại Trung Quốc sẽ tăng 15% trong năm nay, một phần bởi cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản.
13. Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Trung Quốc
Giá trị vốn hóa thị trưởng: 99 tỷ USD
Hãng bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Trung Quốc này gần đây cho biết, hãng dự kiến thu nhập tăng hơn 10% trong năm 2011. Tuy nhiên, giá trị thị trường của công ty này đã giảm 21% trong năm qua. Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Trung Quốc cũng báo cáo về sự giảm sút về lợi nhuận ròng quý 4.
12. Tập đoàn Rio Tinto
Giá trị vốn hóa thị trường: 108,2 tỷ USD
Hoạt động của hãng khai khoáng Australia này đã bị tác động mạnh bởi các thảm họa lũ lụt và lốc xoáy ở bang Queensland. Rio đã báo cáo về sự giảm sút sản lượng trong cả hai lĩnh vực than và quặng sắt trong quý 1.
11. Tập đoàn dầu khí Sinopec
Giá trị vốn hóa thị trường: 112,7 tỷ USD
Giá dầu thô trên thị trường quốc tế đã hỗ trợ tập đoàn dầu khí này của Trung Quốc, nâng giá trị thị trường của Sinopec lên gần 24% trong vòng 12 tháng qua. Tuy nhiên, giá dầu tăng cao cũng là con dao hai lưỡi. Việc Chính phủ Trung Quốc nâng giá bán lẻ xăng dầu gần đây dự kiến sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của Sinopec.
10. Tập đoàn dầu khí ngoài khơi (CNOOC)
Giá trị vốn hóa thị trường: 113,8 tỷ USD
CNOOC là hãng khai thác dầu khí ngoài khơi hàng đầu của Trung Quốc, và là một trong 3 công ty dầu khí của Trung Quốc nằm trong top 20 công ty giá trị nhất châu Á. Công ty này mới đây đã báo cáo lợi nhuận quý 4 tăng tới 72%, nhờ giá dầu thô trên thị trường quốc tế tăng mạnh.
9. Hãng điện tử Samsung
Giá trị vốn hóa thị trường: 134,8 tỷ USD
Giá trị thị trường của hãng điện tử tới từ xứ sở kim chi này đã tăng lên trong năm qua. Giá cổ phiếu của Samsung cũng chạm mức cao kỷ lục hồi tháng 1. Tuy nhiên, cổ phiếu của Samsung sau đó giảm sút, do những lo ngại về sức cạnh tranh ngày càng tăng của iPhone và iPad trên phân khúc điện thoại thông minh và máy tính bảng của hãng.
8. Tập đoàn Toyota Motor
Giá trị vốn hóa thị trường: 135,5 tỷ USD
Sau hàng loạt vụ thu hồi xe đình đám trong năm 2010, giá trị cổ phiếu của Toyota đã khôi phục phần nào, nhưng cơn ác mộng động đất, sóng thần hôm 11/3 một lần nữa lại ảnh hưởng tệ hại tới hãng xe lớn nhất Nhật Bản này. Giá trị cổ phiếu của Toyota đã giảm 11% trong năm qua.
7. Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (Agbank)
Giá trị vốn hóa thị trường: 148,3 tỷ USD
Là nhà băng nhỏ nhất trong "bộ tứ" đại gia ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc, Agbank hiện đứng thứ 7 về giá trị thị trường ở châu Á. Đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2010 đã mang về cho ngân hàng này 22,1 tỷ USD từ hai sàn Hồng Kông và Thượng Hải, trở thành vụ IPO lớn nhất trong lịch sử, vượt qua vụ IPO của ngân hàng ICBC hồi năm 2006.
6. Ngân hàng Trung Quốc (BOC)
Giá trị vốn hóa thị trường: 150 tỷ USD
Bất chấp Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nâng lãi suất cơ bản và thắt chặt thanh khoản, các ngân hàng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn báo cáo lợi nhuận tăng vọt. Ngân hàng Trung Quốc, tổ chức tín dụng lớn thứ 4 ở quốc gia này về giá trị tài sản và lớn thứ 3 về vốn hóa thị trường, đã báo cáo lãi ròng quý 4 tăng tới 33%, vượt mọi dự báo.
5. Hãng khai khoáng BHP Billiton (BHP)
Giá trị vốn hóa thị trường: 170,2 tỷ USD
Giá cả hàng hóa gia tăng đã giúp nâng giá trị vốn hóa thị trường của BHP tăng 11% trong năm vừa qua. Tương tự như Rio Tinto, BHP bị tác động mạnh bởi thảm họa lũ lụt ở bang Queensland của Australia. Lũ lụt và lốc xoáy đã khiến sản lượng than đá ở khu vực này thiệt hại tới 30 triệu tấn.
4. Hãng di động Trung Quốc (China Mobile)
Giá trị vốn hóa thị trường: 189,7 tỷ USD
China Mobile hiện là nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất thế giới về số lượng thuê bao. Tuy nhiên, khi có tới 600 triệu người sử dụng, việc tăng trưởng sẽ là một vấn đề. Đây là tình huống mà China Mobile phải đương đầu trong năm vừa qua. Công ty này đã báo cáo lợi nhuận ròng quý 4 tăng có 3%.
3. Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc
Giá trị vốn hóa thị trường: 238,3 tỷ USD
Tăng trưởng tín dụng khổng lồ của Trung Quốc để đối phó với khủng hoảng tài chính đã giúp ngân hàng lớn thứ hai ở quốc gia này báo cáo lợi nhuận tăng tới 26% trong năm tài khóa kết thúc hôm 31/3/2011. Giá trị thị trường của ngân hàng cũng tăng được gần 15% trong năm qua.
2. Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC)
Giá trị vốn hóa thị trường: 259,2 tỷ USD
Sau khi báo cáo lợi nhuận kỷ lục 25 tỷ USD trong năm ngoái, ngân hàng lớn nhất trong "bộ tứ" đại gia ngân hàng Trung Quốc dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại trong năm nay. Những lo ngại về chính sách tiền tệ thắt chặt ở Trung Quốc đã khiến nhà đầu tư đứng ngoài lề bất chấp các thông tin lợi nhuận tăng cao. Cổ phiếu của ICBC niêm yết ở Hồng Kông chỉ tăng 9% trong năm qua.
1. Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (PetroChina)
Giá trị vốn hóa thị trường: 329,6 tỷ USD
Giá dầu tăng cao đã giúp giá trị thị trường của công ty năng lượng lớn nhất Trung Quốc tăng thêm 30% trong năm vừa qua. Được thành lập năm 1999, PetroChina hiện là công ty lớn nhất Trung Qóốc về doanh thu, với lợi nhuận năm 2010 đạt 222 tỷ USD. Giống như Sinopec, cổ phiếu của PetroChina được niêm yết trên sàn Hồng Kông, New York và Thượng Hải.
0 Nhận xét :
Đăng nhận xét