"Với số tiền 500 đôla vay từ bà nội, cha tôi đã biến nó thành 100.000 đôla ngay trong thời kỳ sụt giảm tồi tệ nhất của lịch sử thị trường chứng khoán", Martin D. Weiss nhà cung cấp thông tin đầu tư hàng đầu ở Mỹ kể.
"Hàng triệu nhà đầu tư giờ đây đang phải sống trong nỗi lo sợ về tương lai và có lẽ bạn cũng là một người trong số đó. Tôi cũng nhận thấy giai đoạn sắp tới sẽ là thời kỳ rất khó khăn cho nền kinh tế. Nhưng không giống như đa số các nhà đầu tư khác, nỗi lo sợ gần như không có chỗ trong tâm trí tôi.
Thực ra, cha tôi, Irving Weiss, đã bắt đầu tập luyện cho tôi đối mặt với những thời kỳ như thế này từ cách đây 50 năm. Trong khi những đứa trẻ khác cùng cha chúng chơi cờ, thì cha con tôi lại cùng nhau chơi trò thị trường chứng khoán. Nếu tôi làm người mua, thì cha tôi sẽ đóng vai người bán, hoặc ngược lại. Đó là cách cha tôi đã dạy cho tôi những bài học mà ông học được từ vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929.
Cha tôi từng là một trong những người chơi chứng khoán nổi tiếng ở phố Wall. Ông gần như là người duy nhất đoán trước được vụ sụp đổ 1929. Ông không những giữ được an toàn số tiền của mình trong khi giá các loại cổ phiếu khác rơi tự do mà còn tận dụng vụ sụp đổ đó để thu về những khoản lợi nhuận lớn.
Ông đã giảng giải cho tôi tại sao mọi cuộc khủng hoảng rồi cũng sẽ kết thúc… các vụ sụt giá cổ phiếu diễn ra và ảnh hưởng tới người dân như thế nào… làm thế nào để chuẩn bị đối phó với sự sụp đổ của thị trường và hậu quả của chúng… và làm thế nào để vẫn có thể an toàn và làm giàu một cách chân chính ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất. Tôi muốn được chia sẻ các bài học quý giá này với các bạn.
Cha tôi nói rằng, ông đã chiến thắng trong cuộc Đại khủng hoảng năm 1929 không chỉ một lần mà tới hai lần: khi cổ phiếu sụt giảm vào những năm 1930 và khi cổ phiếu chạm đáy - bằng cách mua lại cổ phiếu của các công ty lớn nhất nước Mỹ ở mức giá gần như thấp nhất trong thế kỷ.
Năm 1924, khi còn ở độ tuổi 16, cha tôi bắt đầu sự nghiệp của mình với công việc nhân viên đánh máy ở phố Wall. Tới năm 1928, ông được cất nhắc vào vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng - nhân viên môi giới.
Vào lúc đó, ở phố Wall, cơn sốt chứng khoán đang vào giai đoạn cao trào. Các nhà đầu tư dồn toàn bộ số tiền họ có vào thị trường chứng khoán, thậm chí họ còn vay thêm tiền để mua cổ phiếu. Nhưng cha tôi không mua điên cuồng như vậy. Ông có thể nhận thấy tình hình kinh doanh trên khắp nước Mỹ đang không tốt và ngày càng xấu đi. Ông cũng nhận thấy thị trường chứng khoán tại Anh và các thị trường khác ở châu Âu đang lao xuống dốc. Và ông cũng biết rất nhiều nhà đầu tư đang chìm ngập trong nợ nần.
Vì vậy, khi cuộc Đại khủng hoảng xảy ra vào tháng 10 năm 1929, ông đã khuyên cha mẹ mình chỉ nên đầu tư vào các kế hoạch an toàn tuyệt đối và không nên đầu tư gì vào thị trường chứng khoán. Trong khi hàng triệu người mất hết tiền vì cuộc "Đại khủng hoảng", thì gia đình tôi đã không bị mất một xu.
Đó là sự kiện đáng ghi nhớ đầu tiên trong sự nghiệp đầu tư của ông.
Sự kiện thứ hai đến khi ông gặp George Kato, một sinh viên người Nhật đang theo học một khóa học của chương trình trao đổi văn hóa đồng thời cũng là một nhà phân tích có mối quan hệ mật thiết với các nhà đầu cơ sắc sảo nhất lúc bấy giờ. George nhanh chóng trở thành cố vấn của cha tôi, dạy cho ông cách bán khống trong thị trường chứng khoán để có thể kiếm lời được từ một cuộc khủng hoảng.
Vì vậy, tháng 4/1930, khi các cổ phiếu đang tạm thời hồi phục và mọi người ở phố Wall đều cho rằng xu hướng thị trường đi xuống đã chấm dứt, cha tôi đã vay 500 đôla của bà tôi và áp dụng những gì ông học được từ George Kato để bán khống các cổ phiếu mà ông nghĩ rằng sẽ có khả năng giảm nhiều nhất.
Cuộc đại khủng hoảng 1929 mới chỉ là bước khởi đầu của sự kiện. Cuộc suy thoái dài hơn và sâu hơn bắt đầu từ năm 1930 và kéo dài gần ba năm ròng.
Cha tôi kể với tôi rằng, vào thời điểm thị trường chạm đáy, ông đã biến số tiền 500 đôla vay từ bà nội thành số tiền 100.000 đôla - tương đương với 1,3 triệu đôla hiện nay! Nhưng ông cũng thú nhận rằng ông đã trải qua những lần thua lỗ nặng mỗi khi thị trường không đi theo hướng dự đoán của ông. “Cha đã toát cả mồ hôi hột”, ông thường nói vậy, “và đôi khi mọi thứ trở nên rất tệ”.
Thế rồi, vào những ngày trước lễ nhậm chức của Franklin Delano Roosevelt (FDR), cha tôi đã xem được bản thống kê từ Cục Dự trữ liên bang, thể hiện chính xác số tiền mặt mà người dân Mỹ đang rút khỏi các ngân hàng Mỹ. Mọi người đang rút ra những số tiền rất lớn và ông kết luận rằng các ngân hàng trong nước sắp tới sẽ đóng cửa hàng loạt.
Đa phần mọi người đều cho rằng sự khủng hoảng và việc đóng cửa ngân hàng là một trong những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Họ coi đó là dấu hiệu của một đợt suy thoái trầm trọng hơn - là lúc nên tháo chạy. Nhưng cha tôi lại cảm thấy chính xác điều ngược lại. Ông tin rằng đợt đóng cửa này của ngân hàng đánh dấu thời điểm kết thúc hoàn toàn đợt suy giảm của thị trường chứng khoán.
Vào ngày 3/3/1932, cha tôi đã sẵn sàng ra tay hành động.
FDR sẽ nhậm chức vào ngày hôm sau và cha tôi cho rằng ngài tổng thống mới sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa các ngân hàng để thực hiện tất cả những bước cần thiết nhằm phục hồi thị trường. Cha tôi biết được điều đó qua việc các cổ phiếu cao cấp được bán với mức giá rẻ đến bất ngờ.
Và rồi, cha tôi kể tiếp: “Cha và một số người nữa đã đi thẳng tới văn phòng chính của các hãng. Không dừng lại ở các chi nhánh nhỏ lẻ, chúng ta muốn các lệnh đặt của mình tới tay người có khả năng liên lạc trực tiếp được với các giao dịch viên trong sàn. Bằng cách mua tất cả những gì có thể, chúng ta đã mua được cổ phiếu của các hãng GM, AT&T, GE và Sears với giá rẻ như bèo và gần sát đáy”.
Phần còn lại thuộc về lịch sử. Ngay sau khi nhậm chức, FDR đã cho đóng cửa tất cả các ngân hàng như cha tôi đã dự đoán. Thêm vào đó, ông ấy còn cho đóng cửa cả thị trường chứng khoán, điều mà cha tôi đã không dự đoán được. Tuy vậy, quan điểm của các nhà đầu tư cũng bắt đầu thay đổi. Sự tin tưởng vào hệ thống ngân hàng đã bắt đầu hồi phục. Các nhà đầu tư giàu có đã lên kế hoạch bắt đầu mua lại cổ phiếu.
Martin D Weiss là nhà cung cấp thông tin đầu tư hàng đầu ở Mỹ. Là chủ tịch của tập đoàn The Weiss Group, Inc., ông đã giúp cho hàng nghìn người có các thông tin đầu tư chính xác trong thời kỳ cổ phiếu suy giảm hay phục hồi bằng cách đưa ra những chỉ số an toàn đối với đầu tư ngân hàng, quỹ tiết kiệm hay các hãng môi giới. Từng xuất hiện trên các kênh truyền hình (ABC, CBS, NBC, CNBC) và các báo nổi tiếng (The Wall Street Journal, USA Today, The New York Times…), ông là một gương mặt đáng tin cậy trong số những nhà tư vấn hàng đầu hiện nay. |
Cuối cùng, khi thị trường chứng khoán được mở cửa trở lại, giá cổ phiếu tăng vù vù. Sự hồi phục đã diễn ra và cha tôi đã có được một vị trí khiến nhiều người thèm muốn. “Cha chỉ ước gì mình đã giữ chỗ cổ phiếu đó thêm một thời gian nữa”, ông nói. “Tuy nhiên, cha đã thu một khoản lời kha khá và rút lui quá sớm”.
Đó là 70 năm trước! Giờ đây, tôi dành cuộc đời của mình để chia sẻ các kinh nghiệm đó ‒ cả tốt và xấu - cho các nhà đầu tư hạng trung, bao gồm những gì tôi học hỏi được từ cha mình và cả những gì tôi lĩnh hội được qua 30 năm phân tích các công ty và thị trường.
Tôi đã nói với các nhà đầu tư rằng họ đừng nên kỳ vọng rằng sẽ biến được 500 đôla thành 100.000 đôla và bạn cũng đừng nên trông đợi vào điều đó. Tuy nhiên, bạn chắc chắn có khả năng thay đổi tương lai tài chính của mình, thu lại được số tiền đã mất và gây dựng được một khoản tiền dự trữ thoải mái cho bản thân và gia đình mình.
Trong khoảng thời gian ngắn hạn, tôi đoán rằng sẽ có một số điều tồi tệ xảy ra. Tuy nhiên, về cơ bản, tôi là một người lạc quan. Tôi tự tin về kiến thức, công nghệ và khả năng hồi phục trong dài hạn của chúng ta.
Tôi có thể thấy sẽ có một ngày mai tươi sáng hơn khi những tàn dư của cuộc khủng hoảng gần đây được giải quyết. Các vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán ‒ thậm chí cả các đợt suy thoái kinh tế ‒ cũng chưa phải đã là tận thế. Nước Mỹ đã từng trải qua những thời kỳ còn tồi tệ hơn và chúng ta vẫn tồn tại được. Nên lần này chúng ta cũng sẽ tiếp tục tồn tại. Nếu chúng ta làm đúng, mọi thứ thậm chí sẽ còn tốt hơn, chúng ta có thể tận dụng khoảng thời gian giữa hai thời kỳ như một cơ hội để sửa chữa các yếu kém về mặt kinh tế và xã hội mà chúng ta đang mắc phải. Có hai cơ hội dành cho bạn: Bạn có thể kiếm tiền khi thị trường chứng khoán đi lên hoặc đi xuống. Kể cả nếu chỉ tận dụng một trong hai cơ hội này và bắt đầu với một số vốn rất nhỏ, bạn vẫn có thể rất thành công. Càng thành công, thì bạn càng có khả năng đầu tư vào các doanh nghiệp được quản lý tốt nhất, làm ăn phát đạt nhất và có lãi nhất khi họ cần tới sự hỗ trợ của bạn nhất.
Hãy nhớ rằng kịch bản xấu nhất mà tôi đặt ra không phải là tình huống nhất thiết sẽ xảy ra. Mục đích của nó là để cảnh báo những gì có thể xảy ra nếu các nhà lãnh đạo của chúng ta vẫn tiếp tục hướng đi hiện tại. Và đó cũng là cách để tôi báo cho bạn biết về những cơ hội đặc biệt mà thị trường bất lợi có thể mang lại cho bạn.
Một vài sự kiện vượt ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ Cá nhân hoặc nhóm người nào. Nhưng đừng bao giờ xem thường khả năng của bạn trong việc thay đổi tương lai của mình.
0 Nhận xét :
Đăng nhận xét