25/3/11

Bernard Madoff & Cú lừa ngoạn mục nhất trong lịch sử Wall Street

“Thảm họa sóng thần tài chính”, “Vụ gian lận lớn nhất trong lịch sử phố Wall” là những tiêu đề báo chí thế giới đã sử dụng khi viết về vụ lừa đảo của Bernard L. Madoff...
Nhân vật này đã qua mặt nhiều thể chế tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư và cả các chuyên gia chống gian lận tài chính hàng đầu thế giới, để lừa đảo số tiền hơn 50 tỉ USD trong thời gian kéo dài 40 năm. Đây được xem là một trong những vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử nước Mỹ cũng như thế giới.


Quý ông Bernard L. Madoff


Bernald L. Madoff khởi nghiệp bằng việc dùng 5.000 USD tiết kiệm thành lập công ty đầu tư chứng khoán Bernard L. Madoff Investment Securities LLC vào năm 1960. Công ty này chuyên về đầu tư tài sản cho các cá nhân giàu có, các quỹ đầu tư và các nhà đầu tư khác.

Madoff đã tận dụng những thay đổi nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh trên thị trường chứng khoán Mỹ trong Luật Chứng khoán nước này vào những năm 1970 để phát triển công ty. Nắm giữ 75% cổ phần của công ty, ông Madoff cùng với người em trai Peter Madoff là hai cá nhân duy nhất có tên trong tài liệu của các nhà chức trách với tư cách là “người sở hữu trực tiếp kiêm điều hành” công ty.

Madoff trở thành một trong những người thành lập thị trường chứng khoán Nasdaq, và là chủ tịch Nasdaq từ năm 1990. Tính tới tháng 10 vừa qua, công ty chứng khoán của Madoff là công ty chứng khoán lớn thứ 23 tại sàn giao dịch Nasdaq, với lượng cổ phiếu được giao dịch lên tới 50 triệu cổ phiếu bình quân mỗi ngày. Công ty này điều hành hơn 20 quỹ đầu tư, với tổng số tài sản được quản lý lên tới hơn 17 tỷ USD.

Madoff được coi như một thế lực ngầm trên thị trường. Các quỹ đầu tư của công ty này hấp dẫn các nhà đầu tư bởi lời hứa lợi nhuận cao và chi phí thấp. Vì thế nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã đầu tư vào quỹ của Madoff thông qua các đối tác của công ty này và ký gửi cho ông ta hàng chục tỷ USD. Đổi lại việc được sử dụng số tiền ký gửi này, Madoff trả cho họ lãi suất rất cao.

Từ năm 2004, mức lãi trung bình của quỹ khoảng 8% nhưng khoảng chục năm trở lại thì tiền lãi luôn ở mức hai con số. Đơn cử như một trong những quỹ hàng đầu của công ty này là quỹ Fairfield Sentry, được cho là có tài sản 7,3 tỷ USD tính tới tháng 10 vừa qua, đã trả mức lợi nhuận 11%/năm suốt một thời gian rất dài.
Điều khiến giới phân tích khó hiểu là hoạt động làm ăn của Madoff liên tục thành công. Người ta nói rằng khoản lợi tức thu được từ việc gửi tiền cho quỹ Madoff quá hấp dẫn, quá đều đặn. Tuy nhiên, không ai biết tiền của Madoff đã đi vào và đi ra thị trường như thế nào?

Không ai tìm thấy dấu vết hoạt động làm ăn của Madoff dù công ty ông ta tuyên bố mỗi ngày giao dịch tới 50 triệu cổ phiếu. Chỉ biết Madoff luôn làm ăn có lãi, ngày này qua tháng khác. “Quỹ của ông ta chỉ có 5 tháng làm ăn sa sút kể từ năm 1996” – Charles Gradante, đồng sáng lập Tập đoàn Hennessee và là một chuyên gia tư vấn cho các nhà đầu tư vào các quỹ đầu cơ - “Không có một chiến lược kinh doanh nào trên thế giới có thể đạt hiệu quả kinh khủng như vậy”.

Thế nhưng xét trên thực tế Madoff là một trong những người đi tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ tự động hóa trong hoạt động giao dịch ở phố Wall, việc ông ta từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó chủ tịch Hiệp hội quốc gia các nhà môi giới chứng khoán Mỹ, thành viên trong Ban Giám đốc Thị trường chứng khoán Nasdaq, Giám đốc Hiệp hội chứng khoán Mỹ vào những năm 1960 và đầu thập niên hiện nay, mọi mối nghi ngờ đều bị đánh tan.


Lật mặt cáo già

Toàn bộ mọi chuyện chỉ được phanh phui ra ánh sáng vào hôm 11/12, khi nhân viên Cục điều tra liên bang (FBI) tới tận nhà Madoff và bắt giữ ông ta. Trước đó chỉ một hôm, Madoff đã tiến hành một cuộc họp tại nhà riêng và thú nhận với một số quản trị viên cấp cao rằng bản thân sắp “mất sạch mọi thứ” và toàn bộ hoạt động làm ăn từ trước tới nay chỉ là “một lời nói dối to đùng”.

Trong cuộc họp có hai con trai của Madoff. Nghe được những lời trên từ miệng cha, họ tá hỏa, vội giao nộp ông cho nhà chức trách. Được biết chính Madoff đã thú nhận với một nhân viên FBI khi tra tay vào còng rằng bản thân không thể biện hộ cho những tội lỗi mà mình gây ra.

Số tiền mà Madoff đã “làm bốc hơi” của các nhà đầu tư ước tính lên đến 50 tỉ USD. Điều đáng nói là Madoff đã sử dụng một thủ đoạn lừa đảo đa cấp không có gì mới, vốn được gọi là “mánh lừa Ponzi”. Theo đó những kẻ lừa đảo thu hút nhà đầu tư bằng việc hứa sẽ trả lãi suất cao cho khoản tiền đầu tư của họ. Hoạt động lừa đảo chỉ đơn giản là lấy tiền của nhà đầu tư sau để trả cho nhà đầu tư trước. Do cam kết trả lãi cao mà lại không kinh doanh hoặc kinh doanh không hiệu quả, nên hoạt động làm ăn/lừa đảo kiểu này thường chỉ mang tới một kết cục cuối cùng là thua lỗ.

Được biết trước lúc bị bắt, Madoff chỉ còn khoảng 200-300 triệu USD tiền mặt và ông ta dự tính sẽ chia cho các nhân viên, người thân và bạn bè trước khi ra đầu thú nhà chức trách. Sau khi bị bắt, vợ Madoff đã dùng 10 triệu USD để bảo lãnh cho ông ta được tạm thời tự do. Nếu bị kết án, ông ta có thể lãnh án tù 20 năm và nộp phạt 5 triệu USD. Một mức án có thể nói là “nhẹ nhàng” so với những gì Madoff gây ra cho các nạn nhân của ông ta. Hiện nhà chức trách vẫn chưa thể xác định được quy mô của vụ gian lận này và vẫn đang tiến hành điều tra.

Người giàu gặp “hạn”

Hàng loạt ngân hàng, tổ chức tài chính trên thế giới sau đó đã phải thừa nhận họ đã sập bẫy của Madoff. Tại Châu Âu, một trong những nạn nhân bị lừa “đau đớn nhất” là ngân hàng lớn nhất của Tây Ban Nha, Santander, với việc quỹ đầu tư Optimal của họ bỏ 2,3 tỷ Euro vào Madoff. Trong khi đó, Ngân hàng Anh HSBC công bố thiệt hại 1 tỷ USD. Ngân hàng Hoàng gia Scotland cho biết mất 601 triệu USD.

Tại Pháp, Ngân hàng BNP cho biết họ có thể lỗ tới 470 triệu USD do có một công ty đầu tư dính líu tới vụ tai tiếng này. Ngân hàng Natixis nói rằng số tiền có nguy cơ mất vĩnh viễn của họ là 616 triệu USD. Các ngân hàng Thụy Sĩ bị lừa khoảng 5 tỉ USD. Trong đó riêng Union Bancaire Privee, một tập đoàn quản lý tài sản chuyên hoạt động dưới hình thức quỹ đầu tư, đã “cúng” cho Madoff 1 tỷ USD. Hiện 90% các công ty quản lý quỹ tại Geneva đều đổ tiền vào công ty của Madoff.

Một trong những tập đoàn đầu tư lớn nhất thế giới là Man Group cũng đứng trước nguy cơ mất 360 triệu USD. Tập đoàn tài chính Fortis (Hà Lan) thông báo họ bị lừa từ 1,17 - 1,37 tỉ USD. Nhiều tổ chức tài chính khác của châu Âu như BBVA, Reichmuth & Co... cũng đối mặt với nguy cơ mất hàng trăm triệu tới cả tỉ USD.


Không chỉ dừng lại ở châu Âu, nạn nhân của Madoff còn xuất hiện ở châu Á. Ngân hàng Nomura (Nhật Bản) xác nhận họ có thể mất 303 triệu USD từ các khoản đầu tư vào Madoff. Trong khi đó phía Hàn Quốc xác nhận giới tài chính nước này có thể mất hơn 90 triệu USD.

Không chỉ có các thể chế tài chính mà những tổ chức nhân đạo cũng bị ảnh hưởng. Tờ Le Figaro đưa tin Hiệp hội Elie Wiesel vì Nhân loại, do người đoạt giải Nobel Hoà bình Elie Wiesel thành lập, cũng nằm trong số các nạn nhân của Madoff. Tổ chức từ thiện của đạo diễn Mỹ Steven Spielberg cũng bị lừa. Viện Lappin chuyên tài trợ cho các thanh niên Mỹ gốc Do Thái sang thăm Israel đã phải sa thải toàn bộ nhân viên và đóng cửa luôn, sau khi mất đi 7 triệu USD. Giới phân tích đánh giá vụ bê bối này sẽ tác động tiêu cực tới các hoạt động nhân đạo ở Mỹ, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính hiện nay, các tổ chức từ thiện đều gặp khó khăn khi đi quyên tiền.

Có lẽ vụ việc này sẽ tiếp tục tiến triển và không được phát hiện nếu như không có cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, làm sụp đổ hệ thống lừa đảo đa cấp của Madoff. Nếu các khách hàng không đua nhau tới lấy đi 7 tỉ USD họ đã đầu tư vào quỹ của Madoff, thì giờ đây biết đâu nhân vật này vẫn có thể nhận được sự trọng vọng của giới tài chính và ung dung ngồi đếm tiền lừa được từ thiên hạ.

1 Nhận xét :

  1. Hey there this is kind of of off topic but I was wanting to
    know if blogs use WYSIWYG editors or if you have to manually code with
    HTML. I'm starting a blog soon but have no coding knowledge so I wanted to get advice from someone with experience. Any help would be greatly appreciated!
    my web page > GFI Norte

    Trả lờiXóa